Giáo dục đại học năm học mới: Tăng cường thích nghi, tiếp tục lộ trình đổi mới
Ngày 24/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị giáo dục đại học năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GDĐT và gần 500 điểm cầu tại các trường đại học, cao đẳng; các cơ quan, đơn vị liên quan. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.
Từ ứng phó đến chủ động thích ứng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 là năm thứ 2 toàn ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn do đại dịch Covid-19. Mặc dù tình hình dịch bệnh nặng nề hơn so với năm trước nhưng ngành Giáo dục không chỉ ứng phó tốt mà còn chủ động tích cực cùng cả nước thực hiện các biện pháp phòng chống.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị
Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã chuyển nhanh sang dạy và học trực tuyến, linh hoạt trong tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả. Đến nay, hầu hết các cơ sở GDĐH đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, trừ một số trường khu vực miền Trung, miền Nam và một số trường thuộc khối y dược, công an, quân đội.
Thứ trưởng đánh giá cao những đóng góp của các cơ sở GDĐH trong thực hiện mục tiêu “kép”: vừa đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; vừa tham gia phòng chống dịch. Bộ GDĐT cũng đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật với tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước về GDĐT. Hầu hết văn bản quan trọng đã ban hành và sẽ ban hành ngay trước thềm năm học mới.
Báo cáo tổng kết năm học 2020-2021 và phương hướng năm học 2021-2022 do Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thuỷ trình bày tại Hội nghị, cho thấy, GDĐH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học; từng bước triển khai tốt chính sách tự chủ; tăng cường năng lực đội ngũ, thành tích nghiên cứu khoa học; tiếp tục duy trì vị trí trong các bảng xếp hạng quốc tế với các chỉ số đều được cải thiện tốt hơn.
Về tuyển sinh, Bộ GDĐT đã có các chính sách, chỉ đạo kịp thời; triệt để ứng dụng CNTT, đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa thí sinh ảo, kiểm soát tình trạng tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tự chủ đại học ghi nhận sự thay đổi rất lớn về nhận thức và sự triển khai quyết liệt của các trường. 142/175 đơn vị công lập, 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT đã hoàn thành kiện toàn Hội đồng trường. Bộ đang soạn thảo, xây dựng văn bản sửa đổi NĐ 125/2011/NĐ-CP về trường của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang và triển khai thành lập Hội đồng trường tại các trường công an, quân đội.
Đội ngũ gia tăng về chất lượng, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ là 31,12%, tăng so với trước (28,9% năm 2019 và 30% năm 2020). Thực hiện Đề án 89, các cơ sở và ứng viên đăng ký khá cao.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, số bài báo ISI/SCOPUS của các cơ sở GDĐH năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2016. Sau 5 năm, các cơ sở GDĐH vượt 75.400 bài, chiếm hơn 77% trong tổng số bài báo ISI/SCOPUS cả nước.
Về đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định giai đoạn 2016-2021 cũng tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 7/2021, 170 cơ sở và 241 chương trình đào tạo (CTĐT) đạt chuẩn trong nước; 216 CTĐT và 7 cơ sở đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số nơi triển khai tự chủ chậm trễ, lúng túng. Mặc dù triển khai tốt nhưng công tác tuyển sinh đang đứng trước nhiều thách thức, tác động của Covid-19 tới việc xác nhận nhập học, di chuyển, phương thức học tập năm học mới… Quy mô khối ngành cũng thay đổi. Một số cơ sở tuyển sinh tốt song chưa đầu tư điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo, nhiều nơi thiếu nguồn lực. Một số trường tuyển sinh thấp so với năng lực (năm 2020, có khoảng 25% cơ sở GDĐH có tỷ lệ nhập học thấp). Số CTĐT được kiểm định tăng nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu.
Cần sự đồng bộ trong hệ thống văn bản về tự chủ đại học
Hội nghị đã ghi nhận hàng chục ý kiến tham luận và trao đổi của các cơ sở GDĐH, các bộ, ban ngành và vụ cục chuyên môn thuộc Bộ GDĐT. Các ý kiến đều đánh giá cao những công việc đã triển khai và kết quả của GDĐH trong năm học 2020-2021; đồng thời nhất trí với định hướng cho năm học tiếp theo.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu thảo luận tại Hội nghị
Chia sẻ về tự chủ tuyển sinh, đại diện lãnh đạo ĐH Quốc gia TP HCM, Phó Giám đốc Nguyễn Minh Tâm cho biết, để tuyển chọn được thí sinh phù hợp mục tiêu đào tạo, có nền tảng vững chắc, ĐH Quốc gia TPHCM đã ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng và đánh giá năng lực. Trong đó, đánh giá năng lực, ban đầu chỉ có 7.000 thí sinh, đến năm 2021, gần 70.000 thí sinh đã thi đợt 1, gần 26.000 thí sinh đăng ký đợt 2. ĐH Quốc gia TP HCM còn chủ động chủ trì, cùng các cơ sở GDĐH hình thành nhóm lọc ảo phía Nam, hiện có trên 90 trường tham gia, với sự cho phép của Bộ GDĐT.
Giai đoạn 2021-2025, ĐH Quốc gia TP HCM định hướng giữ ổn định các phương thức hiệu quả trên; đồng thời, nghiên cứu mở rộng phương thức xét tuyển tích hợp các tiêu chí, tạo sự linh hoạt trong đánh giá thí sinh như kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn hoặc với thành tích đặc biệt trong thể thao, văn hoá nghệ thuật,…
Về tự chủ chuyên môn học thuật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền chia sẻ, nhà trường chủ trì 7 nhóm trường ĐH kỹ thuật cùng xây dựng chuẩn CTĐT kỹ sư mới, trong đó, tăng học trải nghiệm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên và sẽ triển khai đại trà từ năm học này. PGS TS Nguyễn Phong Điền hoan nghênh các văn bản mới được ban hành gần đây và sẽ ban hành tới đây đã đảm bảo trao quyền cho thủ trưởng các cơ sở đào tạo, tạo đà cho các trường đẩy mạnh tự chủ. Trong đề xuất, đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh tính đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật và sự cần thiết một nền tảng báo cáo trực tuyến để hoạt động này hiệu quả hơn.
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, toàn ngành Giáo dục đã nhanh chóng thích ứng và phát huy hiệu quả trong dạy học ở tất cả các cấp học, bằng cách chuyển đổi số. Gắn với đó, PGS lưu ý, chuyển đổi số phải đảm bảo điều kiện chất lượng; cân nhắc cho phép kiểm định chất lượng trực tuyến trong nước; xây dựng hệ thống học liệu chia sẻ chung trong các cơ sở GDĐH trong nước; đào tạo bồi dưỡng cho giảng viên kiểm tra đánh giá trực tuyến; siết chặt đầu ra khi triển khai Đề án 89; Bộ phối hợp các trường có kế hoạch tài chính chặt chẽ khi triển khai đào tạo giáo viên.
Ghi nhận ngành Giáo dục thời gian qua đã làm được nhiều việc, đạt những kết quả lớn, ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Bộ GDĐT cần cùng các trường xây dựng kế hoạch 5 năm, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, cấp bách. Bộ cũng cần có những kiến nghị phân định trách nhiệm rất rõ của các bộ ban ngành, địa phương trong phát triển giáo dục. Đồng thời, cần sắp xếp lại hệ thống, xây dựng các mô hình đại học, chú trọng phân tầng; nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hệ thống trường sư phạm, y tế, văn hoá nghệ thuật,…
Hội nghị cũng có nhiều trao đổi liên quan đến cơ chế tuyển dụng người nước ngoài, quy hoạch mạng lưới GDĐH, chiến lược phát triển GDĐH, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học… Tiếp thu các ý kiến, một số đơn vị chuyên môn của Bộ GDĐT như Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý chất lượng, Vụ Giáo dục đại học đã giải đáp, làm rõ.
Đẩy mạnh tự chủ theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã điểm lại một số kết quả nổi bật của giáo dục đại học trong năm học nhiều khó khăn, thách thức vừa qua. Đó là việc tiếp tục thực hiện các chỉ đạo về tự chủ đại học và thu được kết quả quan trọng. Công tác tuyển sinh, đào tạo không chỉ đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng mà còn cho thấy sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong việc biến thách thức thành cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số của giáo dục đại học.
Năm học vừa qua, theo Bộ trưởng, cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể của số lượng các công bố quốc tế; chỉ số xếp hạng của giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được giữ vững và tăng trưởng - khẳng định vai trò của giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ quốc tế; hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng ngày càng được cải thiện.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị
Và kết quả đặc biệt nhất được Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là những đóng góp của khối đại học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những nghiên cứu kịp thời về vắc xin, thuốc, phương tiện, dụng cụ, vật tư… phục vụ cho phòng, chống dịch từ các trường đại học được xã hội đánh giá cao. Cùng với đó, là những đóng góp về nhân lực, vật lực trực tiếp cho tuyến đầu chống dịch.
Bước sang năm học mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, giáo dục đại học cần tiếp tục khắc phục khó khăn để tiếp tục lộ trình đổi mới, trong đó, cần tăng cường các giải pháp thích nghi với điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, thực hiện chuyển đổi từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến, kiên trì mục tiêu chất lượng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.
“Giáo dục đại học không chỉ chuyển đổi số và ứng phó cho mình, mà còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số toàn ngành giáo dục, hỗ trợ cho bậc học phổ thông và giáo dục địa phương” Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định với vai trò là trung tâm trí tuệ thì đây là việc các trường đại học cần lưu ý.
Trong giai đoạn dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, theo Bộ trưởng, các trường đại học cần tham gia chống dịch bằng tất cả khả năng có thể. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thuốc, các công cụ phòng chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu tư vấn chính sách về kinh tế - xã hội, việc làm, giải quyết những tác động của dịch bệnh tới con người, xã hội, tâm lý.
Đề cập đến những nội dung cụ thể của giáo dục đại học, Bộ trưởng nhấn mạnh trước hết đến tự chủ đại học. Theo đó, năm học tới tự chủ đại học sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, có chiều sâu và hiệu quả. “Tự chủ không gì khác là để đại học năng động hơn, giải phóng được nguồn lực và sức sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu tự chủ không mang lại được điều đó thì cơ chế, chính sách phải điều chỉnh”, Bộ trưởng nêu rõ.
Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu, cần tiếp tục rà soát về phương diện thể chế để từng bước đồng bộ, tạo cơ chế chính sách đầy đủ thuận lợi cho tự chủ. Ngoài ra, muốn triển khai tự chủ đúng hướng, cần nâng cao nhận thức và thống nhất cách hiểu để áp dụng các quy định về tự chủ - điều này, Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua vẫn chưa thấu đáo ở một số trường đại học.
“Thực thi quyền tự chủ phải làm sao để quyền đó lan tỏa tới được chủ thể quan trọng là người thầy, là các nhà khoa học. Tự chủ phải đem lại giá trị cao hơn cho tiếng nói chuyên môn, để tiếng nói của người thầy, nhà khoa học, chuyên gia phải trở thành tiếng nói quan trọng trong quản trị, vận hành cơ sở giáo dục đại học. Có làm được điều đó, tự chủ đại học mới đầy đủ và có chiều sâu” Bộ trưởng khẳng định.
Đi cùng với tự chủ, một mảng việc cũng được Bộ trưởng chỉ đạo tăng cường trong năm học tới là công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng, trong đó vai trò kiểm soát thông qua các bộ công cụ của cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố quan trọng. Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ triển khai rà soát các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, củng cố và phát triển các trung tâm kiểm định và đội ngũ kiểm định viên; hoàn thiện hệ thống chế tài xử phạt và sẽ làm sát thực tế hơn, nghiêm minh hơn. Ngoài ra, sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác hậu kiểm định.
Trong bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm gần đây, Bộ trưởng nhắc tới tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT. Đây là việc đang trong quá trình chuẩn bị, tuy nhiên, theo Bộ trưởng, 2 Đại học quốc gia và các đại học vùng có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng và củng cố hệ thống các trung tâm khảo thí, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho các chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội