Tăng tốc tư vấn, hướng nghiệp: Đa dạng hình thức
GD&TĐ - Ngay sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học sôi động trở lại, với nhiều hình thức phong phú và nội dung hấp dẫn, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp thời điểm chưa có dịch Covd-19. Ảnh: TG
Tư vấn trên không gian số
TS Kiều Xuân Thực - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp nhằm hỗ trợ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. “Chúng tôi xây dựng kế hoạch và sẽ tổ chức tư vấn cho thí sinh bằng nhiều hình thức trên website, fanpage, Youtube, hotline…” - TS Kiều Xuân Thực chia sẻ.
Nhấn mạnh, mỗi phương thức sẽ có chức năng, nhiệm vụ và nội dung tư vấn khác nhau, TS Kiều Xuân Thực trao đổi: Trên kênh YouTube, nhà trường xây dựng và đăng tải các video clip giới thiệu về trường, các ngành nghề đào tạo và hoạt động của trường hay video hướng dẫn điều chỉnh đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Với kênh hotline (0834560255) có đội ngũ tư vấn, giải đáp trực tiếp các băn khoăn, thắc mắc của thí sinh khi chọn ngành, trường.
Theo TS Kiều Xuân Thực, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website và trên fanpage (facebook.com/tuyensinh). Cụ thể, trên website, trường sẽ cung cấp thông tin điểm chuẩn từ 2 - 3 năm trước đó. Đồng thời có video ngắn giới thiệu về 40 ngành nghề đào tạo, toàn cảnh 3 cơ sở đào tạo của trường; hướng dẫn thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng… Trên fanpage chủ yếu cung cấp thông tin tuyển sinh, đăng tải các hoạt động của trường gắn kết với công tác tuyển sinh, trả lời các bình luận và câu hỏi tư vấn.
“Để làm được điều này, ngoài cán bộ tuyển sinh chuyên trách, nhà trường còn xây dựng đội ngũ cộng tác viên cùng tương tác và trả lời các câu hỏi của thí sinh… Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tư vấn trực tuyến với chủ đề “Lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp”, dự kiến tổ chức ngay trước ngày thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Chương trình có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên sâu về lĩnh vực đào tạo, am hiểu quy chế tuyển sinh và hoạt động xét tuyển của trường” - TS Kiều Xuân Thực thông tin.
Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ tư vấn xét tuyển cho thí sinh tại nơi cư trú. Ảnh: NTCC
Linh hoạt phương thức
ThS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho hay: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà trường chú trọng, đẩy mạnh hình thức tư vấn trực tuyến. Theo đó, tận dụng tối đa nguồn lực và sử dụng linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức tư vấn trên nhiều kênh truyền thông như: Tư vấn trên website, mở hệ thống chatbox trả lời tự động những thông tin chung (mức học phí, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển...). Các câu hỏi cụ thể sẽ được chuyển đến ban tư vấn để trả lời sâu hơn.
Ngoài ra, nhà trường cũng dựng clip ngắn giới thiệu kỹ các ngành đào tạo: Từ điều kiện thực hành, thực tập cho đến cơ hội việc làm, nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động... đăng trên website, fanpage và YouTube. Đặc biệt, năm nay Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Gia Định đã linh động thay đổi hình thức nhận hồ sơ của thí sinh. Theo đó, bộ phận hỗ trợ thí sinh lưu động trực tiếp đến nơi cư trú của thí sinh để tư vấn xét tuyển, hoàn tất hồ sơ, thông báo kết quả xét tuyển… mà không phát sinh bất kỳ chi phí nào. Bộ phận này đã hoạt động từ ngày 1/7 (các ngày trong tuần).
Trường ĐH Tiền Giang đẩy mạnh tư vấn trực tuyến trên website. Ảnh: Cắt từ website của trường
“Thông qua hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, thí sinh được tiếp cận thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề trong tương lai, những thay đổi về cơ cấu ngành nghề trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ... Ngoài phần tư vấn chung và tư vấn chuyên sâu của các chuyên gia, học sinh, phụ huynh cũng có thể tìm hiểu thông tin về ngành học, trường học mà mình quan tâm, từ đó đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề phù hợp” - ThS Trịnh Hữu Chung trao đổi.
Còn theo PGS.TS Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, những năm trước, nhà trường thường tổ chức tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp theo hình thức trực tiếp, thậm chí đến các trường THPT để tổ chức chương trình chuyên sâu. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường sẽ đẩy mạnh tư vấn online. Hoạt động này sẽ sôi động trở lại sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, ngoài việc cung cấp các số điện thoại đường dây nóng, các khoa của trường đều thành lập fanpage riêng, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh bất cứ lúc nào. Ngoài ra, nhà trường chú trọng tư vấn cho thí sinh qua mạng xã hội, điện thoại và website. Thí sinh chỉ cần truy cập vào website của trường, sẽ có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp trực tiếp trao đổi, nếu có nguyện vọng học ở trường có thể nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội xây dựng một số clip ngắn nhằm tư vấn, cung cấp thông tin cho thí sinh về các ngành nghề đào tạo. Ảnh: NTCC
Nội dung phong phú, sát thực
Lãnh đạo Trường ĐH Tiền Giang chia sẻ: Để hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đạt hiệu quả, nội dung phải sát thực và giải đáp được những mong muốn, khúc mắc của thí sinh, nhất là sau khi các em biết điểm. Đặc biệt, nếu tổ chức livestream hoặc tư vấn trực tuyến, chuyên gia khách mời phải am hiểu về Quy chế tuyển sinh, hiểu rõ ngành nghề đào tạo và cập nhật thực tiễn xã hội, trong đó có nhu cầu về thị trường lao động.
Từ kinh nghiệm thực tế của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, TS Kiều Xuân Thực cho hay: Để tổ chức thành công các buổi tư vấn tuyển sinh, cần xây dựng kế hoạch trước khi thực hiện ít nhất 2 tuần. Ngoài ra, chuẩn bị nội dung cần tư vấn trên cơ sở lọc ra những từ khóa, vấn đề, nội dung thí sinh, phụ huynh thường quan tâm, bình luận hoặc đặt câu hỏi trên fanpage và hotline.
Đặc biệt, cần chọn nhóm chuyên gia tư vấn am hiểu về ngành nghề đào tạo và thông tin về tuyển sinh. Nên có đại diện các doanh nghiệp để cung cấp thông tin về cơ hội việc làm, yêu cầu, mong muốn của người sử dụng lao động. Yếu tố không kém phần quan trọng, góp phần tạo nên thành công của buổi tư vấn là người dẫn chuyên nghiệp, đội ngũ kỹ thuật và thư ký để tương tác tốt với thí sinh, phụ huynh trong quá trình tư vấn.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 7/8 – 17 giờ ngày 17/8/2021. Tuy nhiên, thời gian có thể được điều chỉnh do Kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức làm 2 đợt để phù hợp diễn biến dịch Covid-19 và bảo đảm quyền lợi của thí sinh. TS Kiều Xuân Thực nhấn mạnh: Đây là thời điểm quan trọng để rà soát, điều chỉnh lại nguyện vọng đăng ký xét tuyển, giúp các em có cơ hội trúng tuyển vào ngành học phù hợp nhất với sở thích và học lực của mình. Theo đó, thí sinh nên theo dõi chương trình tư vấn, tuyển sinh hướng nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học để có đầy đủ thông tin trước khi “bấm nút” chọn ngành, trường.
Theo TS Kiều Xuân Thực, sau khi thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mục đích của các chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp là cung cấp thông tin và đưa ra những lời khuyên cho thí sinh. Từ đó, giúp các em có cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích ở trường đại học phù hợp nhất với mình. “Với định hướng như vậy, chúng tôi tập trung vào những vấn đề: Giới thiệu tổng quát về các lĩnh vực đào tạo của trường, các ngành nghề trong từng lĩnh vực như: Chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển, mức điểm nhận hồ sơ theo từng ngành, cách thức xét tuyển, dự đoán mức điểm chuẩn; cách tính điểm xét tuyển. Qua đó, những thí sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng sẽ có thêm thông tin để củng cố và xác định lại ngành nghề phù hợp.
Cùng với đó, trên cơ sở phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm các môn thi, tổ hợp xét tuyển, đội ngũ chuyên gia sẽ thông tin về dự đoán xu hướng biến động điểm chuẩn vào trường so với năm 2020. Đồng thời, giới thiệu, giải đáp cụ thể về chương trình đào tạo, học phí, học bổng, cơ hội việc làm sau khi ra trường, điểm chuẩn những năm trước, dự đoán điểm chuẩn năm nay đối với ngành, nghề mà thí sinh quan tâm, đặt câu hỏi.
Trường ĐH Gia Định còn tạo ra cộng đồng sinh viên. Đây là nơi sinh viên cũ và mới, hoặc các thí sinh đang tìm hiểu thông tin về trường có điều kiện được giao lưu, trao đổi, tìm hiểu ngành học, cách thức đào tạo, cơ hội việc làm và những nét đặc trưng của trường trong việc triển khai học 3 năm (8 kỳ học) để tốt nghiệp. Đối với sinh viên ở các tỉnh, thành khác sẽ có bộ phận hỗ trợ tìm nhà trọ, hướng dẫn tìm việc làm bán thời gian và tổ chức buổi học kỹ năng mềm... - ThS Trịnh Hữu Chung
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội