Sinh viên Công nghiệp chế tạo máy phun nước sát khuẩn tự động phòng dịch Covid-19
TTTĐ - Xuất phát từ ý tưởng tạo ra sản phẩm giúp việc rửa tay khử khuẩn tại nơi công cộng diễn ra thuận tiện, nhanh chóng và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Đỗ Xuân Hoàng (sinh viên Trung tâm Việt - Nhật, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cùng thầy cô đã chế tạo “Máy phun nước sát khuẩn tự động”.
Đỗ Xuân Hoàng (thứ hai từ phải sang) cùng các bạn nhận phần thưởng tại cuộc thi Roboconmini do Trung tâm Việt - Nhật tổ chức năm 2019
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần khiến Hoàng trăn trở. Tìm hiểu thêm, chàng sinh viên năm thứ nhất còn nhận thấy đa phần các dụng cụ vệ sinh và vòi nước tại trường đều có sự tiếp xúc để sử dụng. Do đó, Hoàng muốn chế tạo ra một chiếc máy có khả năng tự động để giảm tiếp xúc bề mặt và ngăn ngừa dịch bệnh.
“Điều khó nhất với nhóm mình là địa điểm chế tạo chiếc máy không cố định. Do khi chế tạo chiếc máy trùng với thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Nhóm vừa phải bảo đảm an toàn vừa hoàn thiện sản phẩm”, Hoàng chia sẻ.
Sau hơn một tuần miệt mài, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, Hoàng đã hoàn thành chiếc máy. Nguyên lý vận hành máy khá đơn giản. Nhóm sử dụng cảm biến để kích hoạt mạch điện. Mạch điện điều khiển động cơ và van từ, cung cấp dung dịch sát khuẩn cho người dùng qua đầu phun sương. Máy dùng nguồn điện 24V để đảm bảo an toàn.
Sinh viên Đỗ Xuân Hoàng và chiếc máy phun nước sát khuẩn tự động
Về cơ chế hoạt động, khi người sử dụng đưa tay vào, thiết bị sẽ tự động phun sương dung dịch sát khuẩn lên tay. Qua đó, người dùng tiết kiệm thời gian, tránh chạm vào thiết bị để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Máy có ưu thế nhỏ gọn, sử dụng nhanh chóng, phù hợp với nơi công cộng, tiết kiệm được dung dịch sát khuẩn, dễ dàng chế tạo, giá thành rẻ, an toàn… Đặc biệt, trong tình hình diễn biến phức tạp hiện nay, chiếc máy này rất hữu ích khi đưa vào sử dụng, giảm thiểu tiếp xúc bề mặt của người với máy, tránh lây nhiễm chéo từ người sang người.
Theo Hoàng, quá trình chế tạo chiếc máy mất khoảng một tuần do có những cải tiến và tối ưu hóa trong thời gian thực hiện. Tuy nhiên, khi đã hoàn thiện ý tưởng, chỉ mất tối đa 2 ngày cho việc chế tạo lắp đặt và vận hành chiếc máy với giá 2,5 triệu đồng/chiếc (sử dụng ngoài trời).
Thời điểm Hoàng lên ý tưởng và chế tạo chiếc máy đúng vào dịp kỉ niệm 89 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Do vậy, chiếc máy mang ý nghĩa rất quan trọng với chàng sinh viên và tuổi trẻ của Trung tâm Việt - Nhật, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Đây cũng là món quà dành tặng trung tâm và cả nhà trường nhằm góp phần vào việc đẩy lùi dịch bệnh và cổ vũ phong chào toàn dân chống dịch của Chính phủ.
“Ngoài góp phần ngăn ngừa dịch bệnh, chiếc máy còn giúp mình áp dụng những kiến thức trên lớp vào thực tế cuộc sống. Đặc biệt, mình học thêm được nhiều điều mới mẻ qua sự chỉ dạy và dìu dắt của không chỉ thầy cô trong nhóm mà còn của những thầy cô khác trong Trung tâm”, Hoàng tâm sự.
Hoàng cho biết thêm, với mong muốn phát huy tối đa những ưu điểm của chiếc máy nhóm đang có kế hoạch nâng cấp và tối ưu hóa hơn. Do máy mới chỉ có một chiếc cảm biến nên khi ta đưa tay vào các vị trí mà cảm biến không bắt được thì máy sẽ không hoạt động. Vì vậy, Hoàng sẽ khắc phục điều này trong thời gian sớm nhất.
Sản phẩm hữu ích này dự kiến sẽ được nhân rộng tại các khu vực trong trường và tại những cơ sở đào tạo của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Điều này sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho sinh viên trong trường và phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Thủ đô
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội