Nữ sinh Đại học Công nghiệp Hà Nội đưa lịch sử Việt Nam lên các thiết kế thời trang
Là thế hệ 9x nhưng với sự đam mê các họa tiết liên quan đến văn hóa, lịch sử Việt Nam, đôi bạn thân Phạm Ngát & Ngà Nguyễn - sinh viên lớp đại học Thiết kế thời trang, K12, khoa Công nghệ May & Thiết kế Thời trang, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã khéo léo biến tấu với những đường cắt sắc bén, tạo hình nổi bật, họa tiết truyền thống đưa văn hoá, lịch sử Việt Nam vào các thiết kế thời trang.
Gắn với lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, thời trang luôn là yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa. Sự kết tinh giá trị truyền thống cốt lõi cùng sự sáng tạo trong thời trang như cầu nối giúp cho thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận với văn hóa từ thời dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng đã khai thác các giá trị nghệ thuật truyền thống để đưa vào các thiết kế của mình. Với hai nữ sinh 9x Phạm Ngát và Nguyễn Ngà thì “không gì có thể tuyệt vời hơn khi ca ngợi lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam bằng cách đưa vào các thiết kế thời trang của mình”.
Nghệ thuật trang trí trên lăng vua Khải Định ứng dụng vào thiết kế áo dài
Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt ấn tượng với nghệ thuật khảm sành sứ trong lăng vua Khải Định, hai bạn đã lên ý tưởng và phát triển đề tài “Nghệ thuật trang trí trên lăng vua Khải Định ứng dụng vào thiết kế áo dài cho nữ từ 25-30 tuổi”.
Nguyễn Thị Ngà - sinh viên lớp ĐHTKTT, K12, khoa Công nghệ May & Thiết kế Thời trang
Ngà chia sẻ: “Nghệ thuật trang trí trên lăng vua Khải Định đã để lại trong em cảm xúc mạnh về kết cấu, màu sắc, chất liệu và hình tượng hoa văn trang trí, từ đó giúp em hình thành ý tưởng sáng tạo với sản phẩm áo dài phù hợp với thời trang hiện đại”.
Bộ sưu tập áo dài hướng đến đối tượng trẻ từ 25 - 30 tuổi vì vậy để thu hút sự chú ý, tạo sự hứng thú và tạo sức hút cho tà áo dài vốn quen thuộc, em sử dụng kỹ thuật in để chuyển tải hình ảnh đường nét trong các ô hộc khảm sành sứ trang trí trong lăng Khải Định lên tà áo dài, đồng thời hết hợp đính kết, tạo bèo nhún để tăng sự ấn tượng cho trang phục.
Ý tưởng, biểu tượng trong thiết kế của Ngà Nguyễn
Bên cạnh đó, yếu tố xu hướng cũng được đề cao trong bộ sưu tập bằng cách kết hợp sử dụng những phom dáng cách tân hiện đại, những xu hướng màu sắc trẻ trung tươi mới và các chất liệu vải mới trên chiếc áo dài để các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập vừa giữ được những điểm cốt lõi của áo dài vừa chuyển tải được giá trị văn hóa nghệ thuật trang trí trên lăng vua Khải Định mà vẫn mang tới sự hiện đại, trẻ trung, sự độc đáo, phá cách phù hợp với giới trẻ hiện nay.
Thông qua bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ nghệ thuật trang trí trên lăng vua Khải Định, Ngà mong muốn giữ gìn những tinh hoa, nét độc đáo trong yếu tố tạo hình, đặc biệt trong đó, trang trí bằng chất liệu khảm sành sứ đã được nâng tầm, góp phần “khẳng định nét độc đáo riêng của mỹ thuật Huế” đồng thời mang những nét đẹp đó ứng dụng trên chiếc áo dài của Việt Nam để giới thiệu đến thế hệ trẻ những người quan tâm và yêu thích những giá trị truyền thống của dân tộc.
Bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ nghệ thuật trang trí trên lăng Khải Định
Đánh giá về bộ sưu tập, TS. Vũ Huyền Trang - Giảng viên khoa CNM&TKTT, hướng dẫn đề tài của Ngà cho biết: “Bộ sưu tập đã lưu giữ được nét duyên dáng, vẻ đẹp thuần túy của tà áo dài Việt Nam; đồng thời phát huy giá trị, vẻ đẹp của nghệ thuật trang trí trên lăng Khải Định nói riêng và của văn hóa, lịch sử Việt Nam nói chung”.
Hình tượng nghê thời Hậu Lê ứng dụng trong thiết kế thời trang ấn tượng
Là người trẻ khi nhìn về quá khứ hoàng kim của nghệ thuật truyền thống dân tộc, trong Ngát đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa Việt, đó chính là hình tượng con nghê - một linh vật thuần Việt. Đây là linh vật đã trải qua nhiều thời đại, đã có mặt trong nhiều nơi tín ngưỡng tâm linh quan trọng của người Việt từ nhiều đời. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc Ngát chọn đề tài bảo vệ đồ án tốt nghiệp của mình là “Hình tượng nghê thời Hậu Lê ứng dụng trong thiết kế thời trang ấn tượng dành cho nữ (độ tuổi 18 - 25)”.
Phạm Thị Hồng Ngát - sinh viên lớp ĐHTKTT, K12, khoa Công nghệ May & Thiết kế Thời trang
Bằng việc tổng hợp các kết quả nghiên cứu về giá trị tạo hình nghê thời Hậu Lê (1428 - 1789), nghiên cứu đối tượng nữ độ tuổi 18 - 25 và nghiên cứu xu hướng thời trang ấn tượng 2021, từ đó Ngát đưa ra phương án thiết kế cho bộ sưu tập (BST) với tên gọi “Khởi phách”. BST thể hiện con nghê theo hướng nhìn nghiêng nên bố cục được sử dụng là bố cục bất đối xứng, hình dáng đầu nghê được cách điệu phù hợp với trang trí trên trang phục, hoa văn họa tiết vân mây, vảy nghê được chọn lọc làm họa tiết trang trí.
Về kết quả nghiên cứu xu hướng thời trang ấn tượng nữ năm 2021 (phom dáng, màu sắc, chất liệu, tạo hình vật liệu), Ngát đã lựa chọn: Phom dáng sử dụng trong bộ sưu tập là phom dáng chữ A, dáng ôm sát và dáng suông; màu sắc theo màu xu hướng 2021 là màu đỏ sẫm, xanh đá, hồng phấn, vàng nhạt; chất liệu: taffeta, organza, phi lụa, voan; tạo hình vật liệu: đắp khối nổi, đính kết.
Bảng moodboard giúp truyền đạt ý tưởng thiết kế của Phạm Ngát
Từ những kết quả nghiên cứu trên, Ngát đã đưa phương án thiết kế, moodboard, biểu tượng và kết cấu bộ sưu tập. Bộ sưu tập “Khởi phách” gồm mười hai mẫu thiết kế với màu chủ đạo là màu đỏ, phom dáng theo phom dáng xu hướng. Các mẫu thiết kế được tạo hình trang trí bằng phương pháp đắp nổi, đính kết hình dáng đầu nghê, họa tiết vân mây, vảy nghê, tạo điểm nhấn ở phần ngực, eo, tay áo, vừa mang nét truyền thống vừa thể hiện được sự trẻ trung, ấn tượng phù hợp với đối tượng nghiên cứu.
Bộ sưu tập ấn tượng “Khởi phách” - vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống
Thầy Nguyễn Phương Việt - Giảng viên khoa CNM&TKTT, hướng dẫn đề tài của Ngát tin rằng: Ngát và Ngà cũng như các bạn sinh viên theo học tại khoa CNM&TKTT đang hết lòng và rực lửa đam mê thời trang sẽ chạm đích thành công trên con đường tương lai sắp tới sau khi ra trường.
Mùa tuyển sinh 2021 đang đến gần, thầy và trò khoa Công nghệ May & Thiết kế Thời trang, Đại học Công nghiệp Hà Nội sẵn sàng chào đón sinh viên K16 để được đồng hành cùng các bạn sinh viên tài năng và đam mê sáng tạo.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội