Những cô gái kiên cường bước đến giảng đường
TTO - Sinh ra trong khó khăn nhưng "áp lực tạo nên kim cương" đã rèn giũa những cô gái ấy trở nên kiên cường, mỗi ngày lại càng vững chãi hơn trên hành trình bước tới cổng trường đại học.
Mỗi bạn một hoàn cảnh riêng song Nguyễn Thị Thu Hằng (Bắc Giang), Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội) và Trần Huyền Trang (Ninh Bình) đều không nói nhiều đến nỗi cơ cực đã trải qua mà chỉ tự dặn mình phải luôn cố gắng, có thể là nỗ lực hơn khả năng vốn có để vượt lên chính mình.
"Còn nhiều thử thách nhưng tôi sẽ biến áp lực thành động lực, học thật tốt để tiếp thêm sức mạnh cho mẹ chiến đấu với bệnh tật." - Nguyễn Thị Hiền - Ảnh: H.THANH
Kiếm học bổng, trả tiền "tạm ứng"
Thu Hằng ra đời đã không có cha, mẹ bị tai biến mất khả năng lao động nặng. Khoản trợ cấp hằng tháng chắt bóp đủ tiền ăn qua ngày, còn tiền học sẽ trông chờ vào vụ vải cùng khoản ít ỏi Hằng kiếm được từ việc đi làm thuê.
Suốt những năm cấp III, Hằng luôn được thầy cô giáo giúp, giảm rất nhiều tiền học phí. Thành quả của những tháng ngày nỗ lực ấy là bạn trở thành tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ngày nhận tin đỗ đại học, nỗi lo lớn hơn, lấn át cả niềm vui qua nhanh. Hằng đã nghĩ chuyện bỏ học, đi làm nhưng vẫn muốn rướn thêm chút nữa khi nghĩ về tương lai.
Cũng tìm tòi và gửi đơn xin học bổng đủ cả nhưng chờ mãi chưa thấy phản hồi, Thu Hằng đánh liều vay người quen số tiền hơn 10 triệu đồng để kịp nộp học phí nhập trường, đóng tiền ký túc xá.
Thực ra, Hằng đã làm công việc bán sách online từ hồi lớp 12 nhưng khoản thù lao ít ỏi chỉ đủ giúp cô trang trải tiền sinh hoạt phí. Nhờ công việc này mà mỗi ngày Hằng đều dành ít nhất 30 phút để rèn kỹ năng, mở mang thêm kiến thức từ việc đọc sách.
Đam mê công nghệ thông tin, cô tân sinh viên không chỉ mong trở thành một lập trình viên mà muốn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực quản trị hệ thống mạng sau này.
"Tôi có tìm hiểu về nhu cầu thị trường với ngành học mình chọn và cũng phần nào định hướng cuộc đời, đặt mục tiêu cho bản thân trong việc học. Tôi cần chuẩn bị những điều cần thiết để cố gắng xin đi thực tập từ năm thứ hai, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa kiếm thêm thu nhập" - Thu Hằng nói về lộ trình của bản thân.
Tôi cần chuẩn bị những điều cần thiết để cố gắng xin đi thực tập từ năm thứ hai, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa kiếm thêm thu nhập." - Nguyễn Thị Thu Hằng - Ảnh: H.THANH
Đặt áp lực để học tốt hơn
Khác với Thu Hằng, mẹ của tân sinh viên Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội) mắc ung thư nên mọi chi phí trong nhà, tiền chữa bệnh cho mẹ đều dồn lên đôi vai người cha. Gia đình thuộc diện hộ nghèo "bền vững", một mình cha Hiền chạy vạy khắp nơi để có thể vừa lo chữa bệnh cho vợ, việc học của hai con, nhất là khi Hiền vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Công việc chèo đò đưa đón du khách đi chùa Hương, buôn bán hoa quả của ông Nguyễn Văn Nhượng (cha Hiền) chỉ làm vào dịp hè, cũng giúp có thu nhập tạm đủ lo cho cả nhà, còn những tháng mùa đông đành phải nghỉ ở nhà. Hiền loay hoay giữa việc học tiếp hay đi làm để phụ gia đình khi nghĩ về gánh nặng tiền bạc.
"Bố mẹ đều muốn tôi đi học dù có thể sẽ nặng gánh hơn. Tôi sẽ biến áp lực thành động lực, học thật tốt để tiếp thêm sức mạnh cho mẹ chiến đấu với bệnh tật" - Hiền quả quyết.
Môi trường mới, khó khăn càng nhiều khi giá cả đắt đỏ dù Hiền xoay trở đủ bề, xin làm thêm nhiều công việc khác nhau. Dẫu số tiền kiếm được ít ỏi thôi nhưng cô gái nhỏ không giấu niềm vui khi tự mình phụ gia đình tạm lo trang trải sinh hoạt phí, tiền trọ, san sẻ phần nào gánh nặng cùng cha mẹ.
Hiền chọn ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên, hy vọng sau này có thể song hành hai nhiệm vụ phát triển kinh tế nhưng cũng góp phần bảo vệ môi trường. "Tôi sẽ tự đặt áp lực cho mình, vạch lộ trình rõ ràng để bản thân phải học tốt hơn, làm tốt hơn và cố gắng kiếm học bổng để trang trải học phí" - Hiền bày tỏ.
"Tôi luôn nghĩ “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” nên sẽ học tốt, làm tốt để còn hỗ trợ bà nội và chăm sóc em trai sau này." - Trần Huyền Trang - Ảnh: TIẾN THẮNG
Nghị lực của cô sinh viên mồ côi cha mẹ
8 tuổi, Trần Huyền Trang (Ninh Bình), tân sinh viên ngành quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao, phải chịu cú sốc đầu đời khi cả cha và mẹ cùng qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Khi đó, cha mẹ Trang vào Tây Nguyên trồng cà phê, trồng tiêu thuê, gửi hai chị em Trang ở quê nhờ bà nội chăm sóc.
Ký ức về ba mẹ cũng khá nhạt nhòa, sau tai nạn đó, Trang vẫn sống cùng bà nội, còn cậu em trai phải nương nhờ nhà người cô ruột. Trang không nhắc nhiều về nỗi mất mát ấy, chỉ lo cho sức khỏe của bà nội năm nay đã 81 tuổi, lại thoái hóa khớp đau nhức suốt. Ngày xuống thủ đô nhập học, Trang có vỏn vẹn 10 triệu đồng là số tiền tích góp được của hai tháng đi làm thuê tại một cơ sở sản xuất gấu bông xuất khẩu ở quê trong khoảng thời gian nghỉ hè.
Trang kể đôi lúc thấy khó khăn quá thì tối về chui góc nào đó khóc một mình không để ai biết. "Cũng tủi thân bởi muốn học nhưng gia đình khó khăn quá. Hồi bé được tham gia đội tuyển học sinh giỏi nhưng nhà không có máy tính để luyện tập. So với bạn bè thấy cũng thiệt thòi nhưng thôi mình cứ tập trung học rồi sẽ vượt qua" - Trang bộc bạch.
Mê học tiếng Anh từ hồi lớp 5, một phần vì Trang thích môn này nhưng phần khác do trong lớp có một bạn học rất giỏi tiếng Anh nên học để bắt kịp bạn. Cô gái tự ý thức sẽ còn không ít khó khăn phía trước song đã xác định sẽ luôn cố gắng học tốt để còn hỗ trợ bà và chăm sóc em trai sau này.
Bà Ngô Thị Mùi (bà nội Trang) bùi ngùi khi nhắc đến hai đứa cháu mồ côi. Vốn đã bị căn bệnh thoái hóa khớp hành, nay sức khỏe của bà càng yếu hơn sau cú ngã khi trèo hái bưởi mang ra chợ bán. Trong sáu người con của bà, hai người con trai lớn không may mất sớm, ông nhà thương bệnh binh tỉ lệ 61% cũng qua đời từ năm 2005. Những người con còn lại đều có cuộc sống riêng nhưng ai cũng vất vả nên không phụ mẹ được nhiều.
Ngoài khoản phụ cấp chế độ vợ thương binh vài trăm ngàn mỗi tháng, mấy bà cháu nhờ thêm vào vườn chuối, bưởi, xoài nhỏ ở góc nhà, kiếm thêm đồng nào đỡ đồng đó.
Nhận tin trúng tuyển đại học, cháu lo, bà còn lo hơn bội phần. Cảnh nhà khốn khó, bà bảo cháu gái thôi thi trường sư phạm rồi mai ra trường đi dạy kiếm mấy đồng nuôi thân nhưng cháu động viên ngược lại nói bà cứ cho con học, không có thì vay tín dụng, học xong con đi làm trả nợ.
"Cháu nó quyết tâm như vậy thôi thì mình chấp nhận, giờ sức khỏe tôi cũng yếu nên chỉ biết thương, động viên cháu chứ cũng không hỗ trợ được gì nhiều" - bà Mùi chia sẻ.
"Tiếp sức đến trường" 63 tân sinh viên
Hôm nay 9-12, 63 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc sẽ được trao học bổng Tiếp sức đến trường 2022. Đây là điểm trao thứ 10 của chương trình học bổng năm nay.
Mỗi học bổng 15 triệu đồng, tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng do Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền) và Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ.
Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng bốn laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập.
Nguồn: Tuổi trẻ online
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội