Giao lưu trực tuyến với đội tuyển Việt Nam trước khi tranh tài tại ABU Robocon 2023
VTV.vn - Cùng gặp gỡ và giao lưu với các thành viên của DCN - ĐT 02 - đội tuyển đại diện Việt Nam tham gia thi đấu tại ABU Robocon 2023 ở Phnom Penh, Campuchia vào cuối tháng này.
Sau 3 năm gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon Việt Nam đã trở lại. Từ 67 đội thi đến từ 19 trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc, chỉ có 32 đội tuyển xuất sắc nhất vượt qua vòng loại khu vực để đến với vòng chung kết tổ chức tại Cung Thể thao Nam Định.
Nhờ giữ bình tĩnh trong mọi tình huống và quyết tâm cao hướng tới chiến thắng, các thành viên của DCN - ĐT 02 đã xuất sắc vượt qua các đối thủ và thành công trong việc chinh phục Robocon Việt Nam 2023. Các bạn đã trở thành đội tuyển đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon 2023) diễn ra vào ngày 27/8 tại Phnom Penh, Campuchia.
Vậy đội tuyển Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho vòng đấu quốc tế? Các bạn đã có những cải tiến nào về robot cũng như chiến thuật để sẵn sàng cho ABU Robocon 2023?
Tất cả sẽ được giải đáp trong buổi GLTT với các thành viên của đội tuyển Robocon Việt Nam 2023 diễn ra vào lúc 14h30 ngày 15/8/2023 trên Báo điện tử VTV News.
Một số hình ảnh tại buổi giao lưu trực tuyến:
Nội dung câu hỏi giao lưu:
- Nguyễn Hải Phong: Em biết là các anh chỉ có thời gian rất ngắn để cải tiến robot nhưng trong thời gian đó, các anh đã nâng cấp được những gì, có thay đổi hoàn toàn thiết kế robot không ạ?
Trong thời gian qua, đội mình phải thay đổi hoàn toàn về thiết kế robot. Các đội của nước bạn đều đẩy mạnh về tốc độ nên chúng mình cũng phải cải thiện về tốc độ của robot. Đội mình phải thiết kế robot nhẹ hơn, hoạt động linh hoạt hơn để đạt tối ưu về tốc độ. Bên cạnh đó, đội cũng cần tối ưu về thuật toán để robot hoạt động ổn định nhất.
- Trần Bình Trọng: Con đường đi tới thành công của các bạn tại Robocon Việt Nam không dễ dàng. Tuy nhiên vẫn còn chặng đường khó khăn hơn ở phía trước. Chúc các bạn thi đấu thành công, mang vinh quang về cho nước nhà, cho trường và cho chính gia đình, bạn bè và bản thân các bạn nhé!
Xin cảm ơn lời chúc của bạn. Mình và các thành viên trong đội sẽ cố gắng mang vinh quang về cho đất nước.
- Lưu Ngọc Lương: Mình thấy robot của các đội nước khác rất ngầu. Có robot còn nhảy như thỏ thật. Có robot bắn 2 nòng độc lập. Vậy robot của các bạn đã có những cải tiến gì để bắt kịp?
Robot của đội mình tập trung vào cải thiện tốc độ của robot Thỏ trong khi robot Voi có khả năng điều khiển 2 nòng độc lập, tốc độ bắn nhanh hơn và độ ổn định cao hơn?
- Asimo: Các bạn có làm robot nhảy như thỏ như các đội Trung Quốc hay Nhật Bản không?
Đội mình cải thiện robot Thỏ để đạt tốc độ nhanh hơn so với trước mà không thiết kế robot nhảy như các đội của Trung Quốc hay Nhật Bản.
- Trương Minh Hoàng: Em được biết thầy Chiến từng là thành viên của đội vô địch Robocon Việt Nam 15 năm trước và đã tham gia ABU Robocon. Thầy rất có kinh nghiệm ở ABU, vậy ở giải đấu quốc tế có gì khác với giải trong nước không ạ?
Tôi từng là đội trưởng đội FEE 02 tham gia ABU tại Ấn Độ. Năm 2017, mình cùng đội cũng tham gia ABU. Khi tham gia ABU, theo kinh nghiệm cá nhân của mình, khó khăn lớn nhất đó là phải chạy đua với thời gian bởi thời gian thi đấu và chuẩn bị rất ngắn, áp lực thi đấu cũng lớn theo. Vì vậy, các thành viên phải chuẩn bị tốt về mặt sức khoẻ để theo kịp. Cũng có rất nhiều sự kiện phải tham gia, thời gian thi đấu diễn ra chỉ trong một buổi chiều, thời gian hiệu chỉnh rất ít. Để khắc phục đội cần phải hiệu chỉnh và chuẩn bị robot tốt nhất có thể. Về mặt tâm lý, chỉ cần robot hoạt động tốt, tâm lý của các thành viên sẽ ổn định, do các bạn đã được tập luyện rất nhiều.
- Minh Đăng: Mình thấy ở các kỳ ABU Robocon trước đây, nhiều đội dù robot được thiết kế rất tối ưu, biểu diễn ở sân nhà thì thành tích rất cao nhưng khi ra sân chính thức thường gặp trục trặc, không khởi động được hoặc thi đấu ko được như kỳ vọng. Các bạn đã lường trước điều này chưa và đã có giải pháp gì để khắc phục điều này không?
Nguyên nhân chính gây trục trặc do các robot là thời gian gửi Robot sang địa điểm thi rất xa nhau. Vào ngày 31/7, đội đã tiến hành gửi robot và đến tận 27/8 mới bắt đầu thi đấu. Ngoài ra, do phải vận chuyển robot quá xa cũng gây ảnh hưởng đến kết cấu cơ khí và mạch điện của robot, thời gian sửa chữa robot của đội cũng không có nhiều. Bên cạnh đó, do một do một số đội chọn phong cách thi đấu rất nhanh, khiến các robot hoạt động không ổn định. Để khắc phục, đội đã chuẩn bị các kết cấu cơ khí chắc chắn cho robot để có thể vận chuyển được xa, dễ dàng thay thế, sửa chữa. Các mạch điện cũng được chia thành các module để có thể nhanh chóng thay thế khi cần thiết. Còn một khoảng thời gian ngắn để thử sân, đội sẽ dàng để hiệu chỉnh, giúp các robot hoạt động ổn định. Về chiến thuật, đội sẽ quan sát các đối thủ để lựa chọn tốc độ phù hợp.
- Chúc Sơn: Các bạn đã khắc phục được những khó khăn từ cuộc thi Robocon trong nước chưa? Cố gắng lên nhé
Trước khi gửi robot sang để tham gia ABU, đội cũng đã theo dõi một số nước mạnh như Trung quốc, Nhật bản và tham khảo kết cấu cơ khí, thời gian hoàn thành bài thi của nước bạn. Vì vây có thể nói, so với vòng thì trong nước, đội đã có rất nhiều cải tiến. Có thể bật mí với các bạn, robot voi đã có thêm nòng bắn, và cảm biến tự động, đây có thể coi là một nâng cấp đáng kể. Một khó khăn nữa trước khi sang tham gia ABU đó là đội phải tìm vòng có chất liệu giống với cuộc thi chính thức ở Campuchia. Đội đã phải tìm chất liệu làm vòng mẫu của ABU tại Thái Lan, Campuchia, Việt Nam nhưng không được. Đến gần đây, đội thi đã liên hệ với BTC và được gửi 10 vòng để dùng thử cho Robot. Việc chất liệu của vòng sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác, đường bắn của Robot.
- Lê Thanh Sơn: Sau 15 năm, ĐH Công nghiệp đã trở lại ngôi vô địch. Đó là sự cố gắng của không chỉ các bạn sinh viên mà cả những người hỗ trợ các bạn từ phía sau. Mong rằng các thầy cô vẫn sẽ ủng hộ các sinh viên gắn bó với Robocon nhé ạ
Cá nhân tôi cùng các giáo viên trong Khoa Điện tử và lãnh đạo nhà trường luôn ủng hộ và coi cuộc thi Robocon là sân chơi cũng như là cơ hội giúp sinh viên ứng dụng bài học vào thực tế. Từ năm 2003 đến nay, nhà trường luôn cử các đội thi tham gia Robocon. Các sinh viên đã từng tham gia Robocon cũng có nhiều kinh nghiệm thực tế và lý thuyết tốt, rất có ích trong sự nghiệp. Trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi robot cấp trường, với nhiều đội thi, giúp sinh viên có nhiều khả năng cọ xát về sân chơi chế tạo robot. Trong tương lai, nhà trường và các thầy cô chắc chắn vẫn sẽ gắn bó với Robocon. Thậm chí, trong khoa có thầy Vũ Trung Kiên đã gắn bó 20 năm với cuộc thi này, bản thân tôi cũng đã gắn bó 15 năm với sân chơi Robocon.
- Hoàng Anh: Em rất yêu thích Robocon. Em xem cuộc thi này từ khi còn bé mà tiếc quá, mấy năm gần đây ko được tổ chức. Cho em hỏi là nếu sắp tới em vào đại học thì phải làm thế nào mới được tham gia thi Robocon ạ?
Bạn hãy đến với khoa Điện tử của trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, đội robot của chúng mình luôn sẵn sàng chào đón những bạn mới đến với ngôi nhà chung của đội.
- Thảo Lê: E rất thích chương trình và cổ vũ cho đội nhà. cho e hỏi là việc vận chuyển robot có gì khó khăn không ạ? đội sang đó thi đấu có át chủ bài không ạ? với cả robot thỏ biết nhảy thật không ạ?
Việc vận chuyển robot không có nhiều vất vả do ABU Robocon đã hỗ trợ về dịch vụ vận chuyển. Còn về "át chủ bài" của đội mình thì các bạn hãy đón chờ các trận đấu tại ABU Robocon 2023 nhé!
- Đỗ Như Quỳnh: Các bạn có những thay đổi gì về chiến thuật và robot khi thi đấu tại ABU Robocon không?
Tùy vào đối thủ thì đội mình sẽ có những chiến thuật khác nhau. Với đối thủ mạnh thì đội mình sẽ tăng tốc độ thi đấu.
- Thái Vũ: Bao giờ các bạn sang Campuchia thế? Bên đó có thi đấu chia làm nhiều ngày như bên mình không? Cố lên các bạn nhé!!!
Ngày 25/8 đội sẽ sang Campuchia. Theo như Ban tổ chức thì các đội sẽ chỉ thi đấu trong vòng một ngày.
- Bằng Giang: Đến ABU Robocon 2023, các bạn có đổi vai trò của các thành viên so với vòng trong nước không hay vẫn giữ nguyên?
Đội mình giữ nguyên vai trò của các thành viên thi đấu. Nếu thay đổi thì đội sẽ phải tốn thêm thời gian tập dược và làm quen với vai trò mới, trong khi đó thời gian có hạn.
- Tâm An: Trong quá trình cải tiến các robot cho ABU Robocon, các bạn có gặp khó khăn gì không?
Trong quá trình cải tiến thì đội mình gặp rất nhiều khó khăn. Khi quan sát các nước như Nhật Bản, Trung Quốc thì thấy rất khác với Việt Nam. Nên đội mình phải có cải tiến về cơ cấu bắn, thời gian di chuyển của robot Thỏ. Khó khăn lớn nhất là chất liệu vòng thi đấu. Đội mình không biết chất liệu, độ mềm dẻo của vòng nước bạn như thế nào. Ngoài ra cũng có khó khăn về các yếu tố bên ngoài như sai số sân thi đấu...
- MỸ VĂN: Đội nhà mình sang Campuchia có bao nhiều người thế ạ? Có đội hậu cần đi kèm không? Có tuyển thêm người mới không ạ?
Đội sang Campuchia ABU cho chính thức gồm 3 sinh viên và 1 giảng viên. Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí để cử thêm 4 sinh viên để hỗ trợ di chuyển robot. Đội cũng luôn mong muốn có thêm thành viên để nghiên cứu và chế tạo robot.
- Chương Dương: Các đội nước bạn gần đây đã thấy Chey-Yo ở 14 - 15 giây. Ở ABU năm nay các bạn kỳ vọng đạt thành tích bao nhiêu giây giành Chey-Yo?
Đội mình hy vọng đạt Chey-Yo trong 13 - 14 giây.
- Thúy Nguyễn: Câu hỏi cho thầy Phạm Văn Chiến: Làm thế nào để thầy có thể cân bằng giữa việc dạy, làm robot và gia đình?
Đây cũng là khó khăn chung của các giảng viên khi tham gia cuộc thi Robocon. Cá nhân mình luôn được gia đình hỗ trợ, nhất là thời điểm gần thi đấu. Vợ mình cũng san sẻ công việc gia đình, làm phần lớn việc nhà và quản lý việc học hành của các con. Trong khi đó, khoa và nhà trường cũng sắp xếp thời gian giảng dạy phù hợp để hỗ trợ mình và các thầy cô tham gia. Theo mình, luyện tập thể thao cũng giúp cân bằng sức khỏe và tinh thần để làm được nhiều việc.
- ThuyChi: Thầy và trò đã có những chuẩn bị gì cho cuộc thi sắp tới tại Campuchia và thầy đánh giá sao về khả năng vô địch của đội tuyển VN?
Đánh giá về khả năng vô địch của đội tuyển Việt Nam. Về robot, đội đã có những phương án chuẩn bị tốt nhất trong khả năng và khoảng thời gian cho phép. Dựa trên kết quả thi đấu tại vòng chúng kết của các đội tại các nước, đội cũng cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng vô địch. Khi tham dự ABU, dù không quá áp lực về việc phải vô địch nhưng đội luôn hướng đến mục tiêu cao nhất.
Nguồn: Báo điện tử VTV News
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội