Công tác tuyển sinh 2023 mang lại lợi ích tối đa cho thí sinh
GD&TĐ - Theo nhận định của chuyên gia, công tác tuyển sinh 2023 của Bộ GD&ĐT sẽ mang lại lợi ích tối đa cho thí sinh trong việc đăng ký, xét tuyển.
Công tác tuyển sinh năm 2023 được đánh giá là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Hiện tại, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023. Sau khi điểm chuẩn và nhận được thông báo trúng tuyển, thí sinh cần thực hiện đăng ký xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT và các trường. Chi tiết xem TẠI ĐÂY.
TS Thân Thanh Sơn - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận định, thay vì thí sinh phải tự chọn ngành, chọn trường hay tổ hợp như mọi năm thì kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT cùng các trường đã nhận phần khó về mình, giúp thí sinh đăng ký rất thuận lợi và tăng cơ hội trúng tuyển.
Cũng theo ông Sơn, các trường đại học theo xu hướng tự chủ sẽ phải xác định các phương thức tuyển sinh đáp ứng mục tiêu đào tạo của trường. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội theo định hướng ứng dụng nên áp dụng đa dạng các hình thức tuyển sinh. Điều này sẽ giúp nhà trường và thí sinh có thêm sự lựa chọn.
TS Thân Thanh Sơn - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trao đổi về công tác tuyển sinh 2023. Ảnh: Đình Tuệ.
Năm 2023, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất ở mức 25,52 - thấp hơn so với năm ngoái 0,23 điểm; đa số các ngành còn lại có điểm chuẩn trên 20 điểm. Tỉ lệ cho các phương thức xét tuyển sớm của trường là 35%, còn lại là căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
"Điểm chuẩn trung bình các ngành đào tạo của trường là 23,16 điểm. Số em đạt từ 23,5 điểm trở lên chiếm 2/3 số thí sinh đỗ vào trường năm nay. Tuy nhiên, quy định về điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT cũng không ảnh hưởng nhiều tới công tác tuyển sinh của trường", TS Thân Thanh Sơn nói.
Mức điểm chuẩn có sự thay đổi xuất phát từ sự quan tâm của xã hội đối với các ngành và chương trình đào tạo của trường. Ngoài ra, điểm chuẩn các ngành của tổ hợp xét tuyển A00 và A01 có sự giảm nhẹ; các ngành của tổ hợp xét tuyển D01 lại có xu hướng tăng.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.
Nói về định hướng trong năm 2023, TS Thân Thanh Sơn cho hay, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, tiên tiến nhất cho người học. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm định các ngành, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ABET của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Ban cố vấn doanh nghiệp của trường được thành lập gồm 83 đơn vị. Ban sẽ tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, chỉnh sửa, phát triển chương trình phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và xu thế phát triển của xã hội. Đồng thời hỗ trợ chương trình thực tập, thăm quan doanh nghiệp cho giảng viên và sinh viên trong quá trình đào tạo.
Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh 7.500 chỉ tiêu với 51 ngành/chương trình đào tạo. Trong đó, nhà trường mở thêm 5 ngành đào tạo mới là: Kỹ thuật cơ khí động lực; Ngôn ngữ học; Sản xuất thông minh; Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh; Năng lượng tái tạo. |
Nguồn:Theo Giáo dục và Thời đại
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội