Tưởng là loài hoa bỏ đi, Giám đốc HTX 9X ở Phú Thọ biến hoa đu đủ đực thành trà, thu tiền tỷ
Nam Giám đốc 9X ở Phú Thọ là cử nhân ngành Quản trị kinh doanh với nhiều lựa chọn khi ra trường ở Hà Nội, nhưng đã quyết tâm "bỏ phố về làng" sản xuất trà hoa đu đủ đực, dự kiến trong năm 2023 thu về 4 tỷ khi bán sản phẩm này.
Cử nhân rẽ lối về quê, tạo vùng nguyên liệu sản xuất trà hoa đu đủ đực
Một ngày giữa tháng 11/2023, phóng viên Dân Việt nhận được cuộc gọi từ anh Hoàng Trung Thắng (SN 1994, ở khu Trung Thuận 2, xã Yên Tập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) khoe: "Trong 15 sản phẩm được huyện Cẩm Khê chứng nhận đạt OCOP 3 sao thì Hợp tác xã (HTX) có 2 sản phẩm. Đó là "Rượu gạo Thanh Lâm" và "Trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía Thanh Lâm".
Anh Thắng là Giám đốc HTX Nông nghiệp thực phẩm Thanh Lâm Phú Thọ (xã Yên Lập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). HTX thành lập năm 2020 và là đơn vị tiên phong trên địa bàn huyện Cẩm Khê đưa cây đu đủ đực vào trồng trên diện tích 5 ha.
Sản phẩm trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía của HTX Thanh Lâm ở Cẩm Khê, Phú Thọ. Ảnh: Mạnh Thuần
Hoa đu đủ đực thường được nhiều người dân vùng cao chế biến làm món ăn như làm nộm và xào với thịt bò, khi ăn có vị đăng đắng. Nói đến "Trà hoa đu đủ đực" thì nhiều người dân chưa "quen tai". Để tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm trà hoa đu đủ đực này, PV Dân Việt đã tìm về Nông nghiệp thực phẩm Thanh Lâm Phú Thọ để "mục sở thị".
Tiếp chúng tôi bên bàn trà hoa đu đủ đực, Giám đốc thế hệ 9X cho biết, từ những tác dụng của hoa đu đủ trong hỗ trợ điều trị các bệnh như tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, phòng chống ung thư anh đã quyết tâm thành lập HTX, xây dựng thương hiệu, phát triển vùng trồng trên quy mô 5ha; chế biến, sản xuất hoa đu đủ thành sản phẩm trà, kinh doanh hàng hóa chuyên nghiệp.
Tốt nghiệp Đại học, không ở lại Thủ đô làm việc như bạn bè mà Hoàng Trung Thắng đã rẽ lối về quê tìm cách tạo vùng nguyên liệu cho cây đu đủ đực vừa tạo sinh kế cho dân làng, vừa có nguồn nguyên liệu sạch để chế biến sản phẩm tốt cho sức khoẻ từ cây hoa đu đủ đực. Ảnh: Mạnh Thuần
Rót chén trà hoa đu đủ đực màu vàng óng mời chúng tôi, Thắng kể: Năm 2017, tốt nghiệp cử nhân Khoa Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, với tấm bằng loại ưu trên tay và có một số đơn vị mời về làm việc, song chàng trai 23 tuổi quyết "bỏ phố về làng" lập nghiệp, với mong muốn có nhiều thời gian, cơ hội tốt hơn để phụng dưỡng ông bà nội đã nuôi Thắng khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn.
Trở về quê hương, nơi vùng quê xã Yên Lập, Thắng làm nhiều việc như trồng rau, thả cá, nuôi vịt, nấu rượu, sản xuất nước đóng chai kiếm thêm thu nhập để chăm lo cho ông bà nội đang già yếu. Làm nhiều, công việc rất bận rộn nhưng thu nhập khá hạn chế, thời điểm này trong tâm tư của mình, Thắng luôn khát khao, trăn trở "tự bản thân làm thế nào để sáng tạo, nỗ lực có mô hình sản xuất nông nghiệp tiên phong, chuyên nghiệp, làm giàu bền vững trên chính quê hương".
"Trong khi khát khao làm giàu luôn sôi sục, nhận thấy thị trường từ người dân đến các tiểu thương, lái buôn đều tìm kiếm, hỏi mua, cực kỳ ưa chuộng hoa đu đủ, nhất là hoa đực, tôi quyết thành lập HTX Thanh Lâm Phú Thọ năm 2020, xác định sản xuất trà hoa đu đủ đực – xạ đen tía để phát triển, cung ứng sản phẩm chất lượng ra thị trường nhiều tiềm năng", anh Thắng nói.
Để tạo vùng nguyên liệu sạch, ổn định, Giám đốc trẻ tuổi đã liên kết với 14 thành viên trong xã, mua giống cây đu đủ tại Viện nghiên cứu cây trồng phía Bắc đem về trồng, chăm sóc theo quy trình hữu cơ trên diện tích 5ha tại khu Dốc Ngát, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê. Bên cạnh đó, HTX Thanh Lâm Phú Thọ đầu tư trang thiết bị xây dựng cơ sở, dây chuyền sản xuất; thiết kế mẫu mã sản phẩm, đóng tem nhãn bắt mắt, tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng.
Đến nay, với tâm huyết trong 3 năm qua, sản phẩm "Trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía Thanh Lâm" của HTX đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Mỗi ngày, HTX Thanh Lâm Phú Thọ của anh Thắng sản xuất, đóng gói hàng nghìn túi trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía. Sản phẩm trà hoa đu đủ được HTX bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng đặc sản tỉnh và huyện, các khu du lịch; qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Đóng gói sản phẩm trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía tại HTX Thanh Lâm. Ảnh: Mạnh Thuần
Liên kết sản xuất, hướng tới xuất khẩu trà hoa đu đủ đực
Theo anh Thắng, dù mới thâm nhập thị trường không lâu nhưng sản phẩm trà hoa đu đủ của HTX đã dần chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, sản phẩm làm đến đâu bán hết luôn tới đó, thậm chí có thời điểm không cung ứng đủ với nhu cầu của khách hàng.
Đây cũng là dòng sản phẩm chủ lực, mang lại doanh thu ổn định cho HTX. Việc sản xuất trà hoa đu đủ còn mở ra hướng phát triển phát cho quê hương Cẩm Khê, tích cực góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
"Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, nâng sao cho "Trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía Thanh Lâm" và xây dựng nhiều sản phẩm trà hoa đu đủ, trà tía tô làm sản phẩm OCOP, được thị trường biết đến rộng rãi hơn nữa, thời gian tới, HTX chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây nguyên liệu, kết nạp thêm thành viên, triển khai cho họ trồng cây theo tiêu chuẩn và bao tiêu đầu ra.
Bên cạnh đó, song song với đầu tư thiết bị, công nghệ mới, chúng tôi cũng sẽ tập trung quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, kết nối phân phối toàn quốc, tiến tới xuất khẩu", anh Thắng chia sẻ dự định thời gian tới.
Hiện nay, bên cạnh sản xuất sản phẩm trà hoa đu đủ, mỗi ngày HTX Thanh Lâm còn sản xuất khoảng 2.000 chai nước lọc đóng chai đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng trăm lít "Rượu gạo Thanh Lâm" gắn OCOP 3 sao.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi năm HTX Thanh Lâm thu về hơn 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu ủa HTX Thanh Lâm năm 2023 dự kiến đạt mức kỷ lục là 4 tỷ đồng.
HTX Thanh Lâm đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trà hoa đu đu đực - xạ đen tía trên nền tảng mạng xã hội và bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Mạnh Thuần
Ông Đỗ Công Luận, Chủ tịch UBND xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cho biết, thành công bước đầu từ sản xuất sản phẩm trà hoa đu đủ đực của HTX Thanh Lâm Phú Thọ cho thấy, trên cùng đơn vị diện tích, trồng cây đu đủ sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ hơn 150 triệu đồng/ha/năm, gấp nhiều lần so với bà con trồng cây truyền thống như ngô, khoai, sắn...
"Đây là mô hình phát triển sản xuất triển vọng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nên chính quyền xã đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, lựa chọn mô hình phát triển cây đu đủ đực lấy hoa theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm hàng hóa, xây dựng thành sản phẩm đặc trưng, gắn sao OCOP của địa phương. Từ mô hình đã góp phần giúp bà con có được đầu ra ổn định và thu nhập cao, khi tham gia trồng loại cây này", ông Luận nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch xã Yên Tập Đỗ Công Luận, các sản phẩm của HTX Thanh Lâm Phú Thọ được công nhận, trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh mở ra hướng đi nhiều kỳ vọng, nâng cao giá trị và đưa sản phẩm ngày càng mở rộng thị trường.
"Với lợi thế sẵn có, tới đây, chính quyền xã chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với HTX Thanh Lâm trong triển khai tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng, phát triển sản xuất", ông Luận khẳng định.
Nguồn: Báo điện tử Dân Việt
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội