Gắn kết và thúc đẩy cộng đồng giáo dục giữa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp Trung Quốc
Tại Hội nghị thành lập Cộng đồng Giáo dục Nghề nghiệp Việt Trung diễn ra từ ngày 17/8 đến 20/8 tại Trung Quốc, PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cùng đại diện hơn 80 cơ sở đào tạo và 20 doanh nghiệp Trung Quốc tham dự hội nghị đã thảo luận, đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tại Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.
Tham gia đoàn công tác còn có TS. Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng Đào tạo và TS. Nguyễn Hoàng Tú – Phó Trưởng phòng Hợp tác đối ngoại, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Đến nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết đào tạo với các đối tác doanh nghiệp, các trường đại học trên thế giới, trong đó đặc biệt chú trọng tới sự hợp tác giáo dục với các đối tác đến từ Trung Quốc.
PGS.TS. Phạm Văn Đông trình bày tham luận: "Tích hợp Giáo dục - Công nghiệp và hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới: Thực tiễn tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Việt Nam"
Đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác đào tạo giữa Việt Nam – Trung Quốc, PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh: Các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu và trao đổi giữa các trường đại học của hai nước đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật.
Việc tích hợp Giáo dục – Công nghiệp là xu hướng tất yếu trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0. Tích hợp Giáo dục với Công nghiệp và Hợp tác quốc tế tạo sự liên kết hợp tác giữa cơ sở đào tạo Việt Nam, cơ sở đào tạo Trung Quốc và các doanh nghiệp. Các cơ sở Giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đầu tư phát triển, ứng dụng các công nghệ mới vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Sự hợp tác với các đối tác Trung Quốc đã giúp các cơ sở giáo dục Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Điểm đặc sắc của mô hình liên kết, hợp tác đào tạo 3 bên là tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, quốc tế hóa giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo và tài trợ chi phí đào tạo. Sinh viên tham gia chương trình được đào tạo kiến thức chuyên môn, chuyên ngành tại các trường của Việt Nam và các trường của Trung Quốc, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ mới, thực tập tại doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động, việc tích hợp Giáo dục – Công nghiệp và tăng cường hợp tác quốc tế là một nhu cầu tất yếu. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo mà còn chú trọng đến việc chuẩn bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường làm việc quốc tế. Vì vậy, HaUI luôn đề cao mối quan hệ hợp tác với các đối tác Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên của mình có cơ hội tiếp cận với các công nghệ và kiến thức tiên tiến từ những nền giáo dục phát triển với những giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất: Tăng cường sự đồng hành của doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa các sơ sở đào tạo tại Việt Nam và Trung Quốc. Các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ người học và sử dụng sản phẩm đào tạo là sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thứ hai: Ngoài việc thu hút giảng viên, sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Trung Quốc, phía đối tác Trung Quốc cũng tích cực tuyên truyền, hỗ trợ đưa sinh viên, giảng viên Trung Quốc sang tham quan, trao đổi học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Thứ ba: Thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về cơ sở vật chất: Máy, thiết bị, công nghệ,… phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, cùng HaUI xây dựng chương trình đào taoh, tham gia vào quá trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Với những bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao, hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng như những giải pháp thiết thực của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cùng các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp Trung Quốc đã thảo luận tại Hội nghị, các bên tin tưởng rằng sự phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của hai nước sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hợp tác thực chất sâu sắc hơn.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội