Nữ thủ khoa ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và ước mơ trở thành giảng viên
GDVN-Là thủ khoa đầu ra ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (HaUI), Ngọc Ánh được tuyển thẳng học thạc sĩ với học bổng 30% học phí.
Ngày 24/8, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư và cử nhân năm 2024.
Em Lê Nguyễn Ngọc Ánh (2002) là thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Ngoại ngữ - Du lịch (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) có điểm trung bình môn học đạt 3.79/4.
Cứ nỗ lực hết mình, thành quả sẽ đến
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Ngọc Ánh nói: “Khi biết mình là thủ khoa, đầu tiên, tôi cảm thấy ngạc nhiên vì không ngờ, nỗ lực suốt thời gian qua lại được đền đáp bằng một thành tích cao đến vậy. Sau đó là niềm vui vỡ òa, hạnh phúc vì công sức bỏ ra không hề uổng phí.
Khi mới vào đại học, tôi không đặt cho mình mục tiêu phải trở thành thủ khoa, mà thay vào đó, chỉ tập trung vào việc học tốt nhất có thể, cố gắng nắm vững kiến thức và phát triển bản thân mỗi ngày. Mục tiêu nhỏ lúc đó của tôi là có được tấm bằng xuất sắc khi ra trường.
Đến năm thứ hai, nhận thấy tiềm năng của bản thân, tôi đã tự đặt ra hướng phấn đấu lớn hơn là trở thành thủ khoa. Tôi luôn tin rằng: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Nếu nỗ lực hết mình, kết quả tốt sẽ tự nhiên đến.
Việc trở thành thủ khoa là một bất ngờ nhưng cũng là kết quả của sự kiên trì và đam mê học tập cùng với ý chí quyết tâm vươn tới, hơn là một mục tiêu cụ thể từ ban đầu”.
Ngọc Ánh chia sẻ, điều bản thân nhớ nhất trong quãng thời gian ngồi trên giảng đường đại học là những khoảnh khắc nhận ra mình có thể vươn tới những mục tiêu lớn hơn nếu không ngừng cố gắng.
Những trải nghiệm này đã giúp Ngọc Ánh trưởng thành không chỉ về mặt kiến thức, mà còn trong việc rèn luyện ý chí, sự kiên định và niềm tin vào bản thân.
Ngọc Ánh cũng luôn cố gắng để mang về cho mình nhiều thành tích khác ở cả việc học tập cũng như công tác Đoàn - Hội.
Nữ sinh tham gia Câu lạc bộ C2 - Câu lạc bộ tiếng Trung của khoa ngay từ năm nhất, sau đó là các khóa học ngắn hạn, trại hè, trại đông liên quan đến tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc - Việt Nam để bồi dưỡng, tích lũy thêm kiến thức.
“Đoàn - Hội là môi trường lý tưởng để sinh viên phát triển các kỹ năng mềm, như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và lãnh đạo.
Với những sinh viên năm nhất, điều này sẽ giúp các bạn nhanh chóng thích ứng với cuộc sống sinh viên, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ các tiền bối, nhanh chóng xác định được mục tiêu cũng như định hướng cho bản thân.
Chính việc tham gia câu lạc bộ C2 đã giúp tôi làm quen với môi trường đại học, xác định phương hướng và mục tiêu cố gắng, ngay từ kỳ học đầu tiên” - Ngọc Ánh bày tỏ.
Áp lực thi cử khi học 9 đến 11 học phần trong mỗi kỳ học
Để có được kết quả học tập xuất sắc, Ngọc Ánh đã tự xây dựng cho mình một chiến lược, lập kế hoạch để có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất.
Nữ thủ khoa chia sẻ: “Điều khó nhất đối với tôi là lượng kiến thức lớn trong mỗi kỳ học, tôi thường học 9 đến 11 học phần nên áp lực mỗi khi đến tuần kiểm tra, thi cuối kỳ.
Tôi khắc phục điều này bằng cách phân bổ thời gian hợp lý cho từng học phần. Ngay từ khi vào đại học, tôi đã xây dựng cho mình một lộ trình học tập rõ ràng, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho mỗi kỳ, mỗi môn học và có từng lộ trình nhỏ để chinh phục”.
Ngọc Ánh cho hay, dựa vào quy tắc tính điểm, cô đã lập bảng mục tiêu sẵn cho từng học phần, và kế hoạch luôn linh hoạt thay đổi để đảm bảo thực hiện được mục tiêu dù có các biến số xảy ra. Cô thường chia thời gian các môn học thành các khoảng ngắn, tập trung vào từng môn học, giúp duy trì sự tập trung cao độ và tránh bị quá tải.
Bên cạnh đó, nữ sinh cũng luôn dành thời gian để xem lại bài cũ, ôn tập và củng cố kiến thức, đảm bảo nắm vững từng phần trước khi tiếp tục sang phần mới.
“Chiến lược này không chỉ giúp tôi quản lý thời gian hiệu quả mà còn tối ưu hóa quá trình học tập, giúp tôi luôn cân bằng giữa việc học tập và nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi tin rằng, việc giữ cho tâm trí thoải mái, cơ thể khỏe mạnh là yếu tố quan trọng giúp học tập hiệu quả hơn.
Hình ảnh của tôi không phải là “mọt sách” chính hiệu, mà là người luôn tìm cách cân bằng giữa học tập và cuộc sống, tận hưởng quá trình học hỏi và trưởng thành từng ngày” - Ngọc Ánh tâm sự.
Một số thành tích học tập và nghiên cứu khoa học của Lê Nguyễn Ngọc Ánh. Thông tin: NVCC.
Lê Nguyễn Ngọc Ánh được khen thưởng vì có thành tích giỏi, xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Thông tin: NVCC.
Ngọc Ánh cũng thẳng thắn chia sẻ, nhiều người có thể nghĩ rằng những sinh viên xuất sắc sẽ luôn xuất sắc, hành trình học tập luôn suôn sẻ, nhưng thực tế không phải vậy. Không phải lúc nào Ánh cũng là học sinh giỏi toàn diện, cũng có những môn học khiến cô cảm thấy thách thức và phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua.
“Trong quá trình học, cũng có những lúc tôi bị áp lực, bản thân luôn muốn vượt qua chính mình, nên có những môn không được điểm như kỳ vọng, khiến tôi có đôi phần thất vọng, phải suy nghĩ khá nhiều. Tuy nhiên, nhờ có sự cổ vũ từ gia đình, tôi nhận ra, chỉ cần nỗ lực không ngừng và kiên định với con đường mình đã chọn, thì chúng ta đều có thể vươn lên tầm cao hơn. Và đó cũng chính là động lực giúp tôi tiếp tục cố gắng và bứt phá...” - nữ thủ khoa giãi bày.
Nhắc đến bố mẹ, Ngọc Ánh xúc động: “Bố mẹ không chỉ dạy tôi về kiến thức mà còn dạy tôi cách sống, cách đối mặt với những thử thách với một tinh thần lạc quan và kiên định.
Chính tình yêu và sự hy sinh của bố mẹ đã giúp tôi có được động lực mạnh mẽ để phấn đấu và trưởng thành như ngày hôm nay”.
Ông Lê Văn Khởi - phụ huynh của nữ thủ khoa chia sẻ: “Gia đình tôi ở nông thôn, nên điều kiện cho con học hành cũng hạn chế hơn so với các gia đình ở thành phố. Thành tích học tập của con chủ yếu là do tính tự giác, chưa bao giờ để bố mẹ phải nhắc nhở”.
Có lẽ vì gia đình không phải quá khá giả, Ngọc Ánh luôn trân trọng và chú ý cân đối chi tiêu, đồng thời, cô cũng đi làm thêm để trang trải cuộc sống.
“Tôi ở ký túc xá của trường từ năm nhất đến khi tốt nghiệp, nên phí sinh hoạt không quá nhiều. Bố mẹ hỗ trợ toàn bộ tiền học phí, tiền ký túc xá và sinh hoạt phí hàng tháng.
Sang năm học thứ hai, tôi có đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập và bản thân cũng có học bổng từ trường nhưng bố mẹ vẫn chu cấp thêm.
Tôi cũng cố hết sức để chi tiêu hợp lý, không để số tiền bố mẹ cho bị lãng phí” - nữ thủ khoa chia sẻ thêm.
Nữ thủ khoa được tuyển thẳng học thạc sĩ, miễn 30% học phí
Khi nhắc đến ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, nhiều người sẽ nghĩ đến việc học về tiếng Trung, văn hóa Trung Quốc. Thực tế, ngành học này ở Trường Ngoại ngữ - Du lịch (Trường Đại Công nghiệp Hà Nội) lại được đào tạo theo hướng khoa học kỹ thuật.
Ngọc Ánh cho biết, thành tích học tập các môn ở cấp trung học phổ thông của cô khá đều, nhưng nổi trội hơn ở các môn thuộc khối Khoa học tự nhiên và môn Tiếng Anh. Do đó, Ngọc Ánh khá phân vân, không biết lựa chọn ngành học gì khi đứng trước ngưỡng cửa đại học.
Sau đó, Ánh quyết định lựa chọn ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, vì vừa có nhiều cơ hội làm việc, lại phù hợp với sở thích về văn hóa Trung Quốc của bản thân. Thời điểm đó, nữ sinh cũng định hướng bản thân sau này sẽ trở thành một phiên dịch viên.
Ngọc Ánh nhớ lại: “Tôi chọn ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vì nhận thấy, ngành học trên không chỉ giúp tôi phát triển khả năng ngoại ngữ mà còn mở ra nhiều cơ hội trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là khoa học kỹ thuật.
Với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, việc thành thạo ngôn ngữ này là lợi thế lớn trong việc tiếp cận các tài liệu chuyên ngành, giao tiếp với đối tác quốc tế, và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài”.
Học ngoại ngữ theo hướng khoa học kỹ thuật, tất nhiên sẽ có những thách thức nhất định. Ngôn ngữ chuyên ngành thường có những thuật ngữ phức tạp, đòi hỏi không chỉ hiểu về ngôn ngữ, mà còn phải nắm vững các kiến thức chuyên môn liên quan.
Điều này đôi khi khiến Ngọc Ánh cảm thấy áp lực, vừa học ngôn ngữ, vừa làm quen với các khái niệm khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, nhờ sự dạy dỗ, chỉ bảo của các thầy cô trong khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, việc học và tiếp cận các tài liệu chuyên môn của Ngọc Ánh không gặp nhiều trở ngại.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Cầm Tú Tài, Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Ngoại ngữ - Du lịch (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: Website trường.
Là người trực tiếp dạy Ngọc Ánh ở bậc đại học và cao học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Cầm Tú Tài, Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Ngoại ngữ - Du lịch (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) nhận xét, cô là sinh viên xuất sắc với thành tích học tập, nghiên cứu tốt.
Được biết, Ngọc Ánh đã được tuyển thẳng bậc cao học, với học bổng 30% học phí toàn chương trình. Hiện tại, cô đang tiếp tục trau dồi để chinh phục con đường học vấn. Điều này cũng phù hợp với định hướng tương lai của cô là trở thành giảng viên để tiếp tục truyền dạy kiến thức về tiếng Trung.
Nữ thủ khoa cũng tiết lộ thêm, nếu có cơ hội cô mong muốn có thể tiếp tục học lên tiến sĩ: “Dự định của tôi là sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và trau dồi thêm kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ Trung Quốc. Hiện nay, tôi đang theo học thạc sĩ Ngôn ngữ Trung Quốc tại trường, nếu có cơ hội, chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ.
Tôi muốn phát triển bản thân theo nghề giáo, em muốn truyền đạt, chia sẽ những kiến thức, kinh nghiệm mà em đã học được cho các bạn sinh viên, từ đó tạo động lực cho các bạn sinh viên, học sinh muốn theo đuổi ngành Ngôn ngữ Trung Quốc trong tương lai”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Cầm Tú Tài cũng thông tin thêm: “Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có điểm khác biệt là định hướng khoa học kỹ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Bởi vậy 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Phía khoa có nhiều quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn, đặc biệt là của Trung Quốc. Chẳng hạn như Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT (Việt Nam)... Thông qua các đợt thực tập, khoa đã giới thiệu được các sinh viên có năng lực và nhiều người được giữ lại làm việc”.
Tiến sĩ Đinh Bích Thảo - một giảng viên từng trực tiếp giảng dạy Ngọc Ánh chia sẻ: “Trong mắt tôi, Ánh là một sinh viên thông minh, hoạt bát, luôn luôn nghiêm túc trong học tập, lúc nào cũng ngồi bàn đầu tiên. Không chỉ vậy, cô học trò này còn rất năng nổ nhiệt tình trong các hoạt động đoàn thể. Cả thầy cô và bạn bè đều nhận xét, Ngọc Ánh luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực”.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội