Những đường may “nối dài” ước mơ cho người khuyết tật
Tại căn nhà nhỏ trong ngõ 84, phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thầy giáo Nguyễn Duy Long với lớp học may Phố Xưa đang ngày ngày thắp sáng hy vọng cho người khuyết tật, giúp họ vượt qua nghịch cảnh, tìm lại niềm tin, vươn lên khẳng định giá trị bản thân.
Từ lựa chọn ngẫu hứng đến tình yêu với đường kim, mũi chỉ
21 tuổi, Nguyễn Duy Long (sinh năm 1986) quyết định nộp hồ sơ vào Đại học Công nghiệp Hà Nội sau hai lần trượt nguyện vọng mà mình yêu thích. Ngẫu nhiên chọn Khoa Công nghệ may và Thiết kế thời trang qua lời giới thiệu của bạn, ban đầu, anh chỉ xem đây là một lựa chọn tạm thời. Tuy nhiên, càng đi sâu vào chuyên ngành, Long càng nhận ra mình có đam mê thực sự và quyết tâm theo đuổi nghề.
Anh Nguyễn Duy Long - chủ nhiệm lớp cắt may Phố Xưa.
Năm 2009, anh mở tiệm may đầu tiên trên phố Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chuyên thiết kế đồ công sở và dạ tiệc. Với tay nghề khéo léo, giao tiếp tốt, cửa hàng của anh nhanh chóng thu hút đông đảo khách hàng. Long cho biết, chỉ sau 6 tháng, anh đã có đủ tài chính để xây nhà, lập gia đình và tự chủ trong cuộc sống. Năm 2010, vợ chồng anh có bé gái đầu lòng.
Công việc ổn định, gia đình hạnh phúc, nhưng biến cố bất ngờ ập đến. Năm 2011, sau cơn sốt co giật, con gái anh được chẩn đoán mắc bệnh bại não. Cú sốc lớn khiến Long phải tạm gác lại mọi việc, dồn toàn bộ thời gian đưa con đi châm cứu, chữa trị khắp nơi.
“Sau 3 năm ròng rã từ viện này sang viện khác, cuối cùng, mình buộc phải chấp nhận tình trạng của con. Đây cũng là lúc mình suy nghĩ về con đường tương lai của mình”, anh Long bộc bạch.
Biến nỗi đau thành động lực
Thời điểm ấy, tìm hiểu nhiều trung tâm dạy may thu phí cao nhưng chất lượng không tốt, anh Long quyết định chia sẻ miễn phí kiến thức của mình trên facebook cá nhân, nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực của lượng lớn người đọc.
Trước sự ủng hộ nhiệt tình và nhu cầu học của nhiều người, anh mở lớp học cắt may mang tên Phố Xưa, dành cho những bạn mong muốn học nghề nhưng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là gặp khiếm khuyết về cơ thể.
Chia sẻ về lý do quyết định gắn bó với việc dạy cắt may cho phụ nữ khuyết tật, anh Long cho biết, con gái chính là động lực lớn nhất: “Con tôi không theo được nghề, nên tôi muốn truyền lại cho mọi người, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh tương tự như con gái tôi, để họ có thể nuôi sống bản thân, lo được cho gia đình”.
Không “giấu” nghề, thầy giáo trẻ luôn sẵn sàng chia sẻ mọi bí quyết, kỹ năng cắt may cho học viên. Lớp học nhanh chóng thu hút nhiều người tham gia, nhất là người khuyết tật.
Thầy Long hướng dẫn chị Trần Thị Phương. Ảnh: NVCC
Mỗi học viên khuyết tật có những câu chuyện khác nhau. Có bạn thiếu tay, thiếu chân, có bạn gặp khó khăn về nhận thức, bạn thì khiếm thính, đòi hỏi anh Long thiết kế phương pháp giảng dạy riêng, linh hoạt, tùy theo nhu cầu và khả năng của từng người.
“Với học viên ngồi xe lăn, bàn học sẽ được thiết kế phù hợp. Đối với các bạn khiếm thính, tôi cần viết ra hoặc thậm chí nói thật to để các bạn tiếp thu. Còn với bạn bị tật ở chân, lại cần nâng cao bàn ga”, anh Long tâm sự.
Anh Long cung cấp chỗ ở miễn phí; giảm học phí từ 70%-100% cho những học viên có hoàn cảnh đặc biệt; giúp đỡ tìm đầu ra cho sản phẩm may mặc; kêu gọi tài trợ về máy móc, nguyên liệu, giúp học viên tự mở cơ sở riêng hoặc tìm được công việc ổn định sau khi học xong.
“Điểm khác biệt lớn nhất giữa các bạn khuyết tật và người bình thường là tâm lý tự ti. Tôi luôn động viên và hỗ trợ cả vật chất, tinh thần, để họ tìm lại niềm tin vào bản thân, chứng minh với xã hội rằng họ hoàn toàn có thể làm được những điều mà mọi người cho là không thể”, Nguyễn Duy Long chia sẻ.
Những đường may nối dài ước mơ
Vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, Vũ My Lan (34 tuổi, quê Nam Định), luôn khao khát học một nghề để tự nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình. Nhờ lớp học may của thầy Long, cuộc sống của chị đã bước sang một trang mới.
Chị Vũ My Lan làm việc ở tiệm may của mình. Ảnh: NVCC
Lan cho biết: “Tôi sinh ra bị khuyết tật 6 khớp ở chân, đi lại bằng mu bàn chân, cột sống cong hình chữ S, chỉ cao 1m25, nặng 27kg. Cơ thể khác biệt khiến tôi luôn mong muốn biết may vá để tự làm đồ cho mình và tự lập về kinh tế”.
Tình cờ biết đến lớp học cắt may Phố Xưa qua mạng xã hội, chị Lan quyết định gửi gắm niềm tin vào thầy Long, người đã từng giúp đỡ nhiều bạn khuyết tật trước đó.
“Anh Long không chỉ là thầy, mà còn như người anh trong gia đình, luôn dành sự quan tâm chân thành và ân cần đến từng học viên. Khoảng một năm trước, tôi sống rất khép kín. Nhưng nhờ sự động viên của anh, tôi dần tự tin hơn, mạnh dạn chia sẻ mình trên mạng xã hội, xây dựng kênh TikTok để truyền cảm hứng và động lực cho những người xung quanh. Tôi đã có thể mở một tiệm may nhỏ tại nhà, nhận đơn hàng mỗi ngày, gánh vác một phần kinh tế cho gia đình”, chị Lan tự hào.
Với người khuyết tật, bàn học được điều chỉnh độ cao phù hợp.
Cùng lớp cắt may với chị Lan, có chị Trần Thị Phương (33 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cũng mang trong mình thiệt thòi từ khi sinh ra. Chị chỉ có một chân phát triển bình thường, chân còn lại teo nhỏ, khiến việc đi lại khó khăn. Từ nhỏ, chị Phương luôn ấp ủ ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép chị thực hiện mơ ước, cho đến khi chị gặp thầy Long và lớp cắt may Phố Xưa.
“Trước đây, tôi luôn nghĩ mình bị khiếm khuyết thì không thể theo đuổi ước mơ. May mắn được tham gia lớp học, nhờ thầy Long động viên, truyền đạt kiến thức, tôi trở nên tự tin với nghề và mạnh dạn mở cửa hàng cắt may. Hiện nay, tôi có thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ. Tôi vô cùng biết ơn thầy, vì nếu không có thầy, thì sẽ không có tôi của ngày hôm nay”, chị Phương xúc động.
Với Nguyễn Duy Long, thành công của học viên chính là niềm hạnh phúc và tự hào lớn nhất: “Đối với phụ nữ khuyết tật, để thực hiện hoài bão, ước mơ, sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những người khỏe mạnh bình thường. Việc các bạn nỗ lực vượt lên số phận, làm chủ cuộc sống là điều vô cùng đáng quý”.
Anh Long cho biết sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng lớp học, nâng cao chất lượng bài giảng để hỗ trợ nhiều học viên khuyết tật hơn, giúp học viên tự tin, vững vàng bước vào nghề.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội