Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học trong trường đại học
Chính sách và xu hướng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học (NCKH); thực tiễn thương mại hóa và khởi nghiệp từ sản phẩm NCKH tại các trường đại học; hay những thách thức trong thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu…. là những vấn đề chính được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học trong trường đại học”, diễn ra chiều ngày 22/11, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Hoạt động nghiên cứu khoa học là một phần không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục đại học. Thương mại hóa đã trở thành cơ hội cho việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên gắn lý thuyết với thực tiễn hướng tới áp dụng thành quả mới trong nghiên cứu vào các chương trình giảng dạy tại trường đại học để nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao tri thức từ môi trường học thuật ra thị trường, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Hội thảo là cầu nối giúp các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp và định hướng phát triển bền vững cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở giáo dục đại học đến các doanh nghiệp, cộng đồng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng trường Kinh tế, thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng trường Kinh tế, thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Hoạt động về nghiên cứu khoa học hay hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là một trong những hoạt động rất quan trọng để khẳng định sứ mạng của trường đại học nói chung và trường Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp nói riêng. Với tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu, các trường đại học có thể được xem là môi trường lý tưởng với đầy đủ các nguồn lực để phát triển doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ, phát triển thành những mô hình kinh doanh mới.
PGS.TS.Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chào mừng diễn giả tham dự Hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng Giám đốc BK-Holdings, Chủ tịch VNEI nhấn mạnh: Trường đại học có 3 trụ cột chính: đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ 3 đóng vai trò quan trọng đưa đơn vị đó thành một trường đại học sáng nghiệp.
TS. Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK - Holdings chia sẻ tại Hội thảo.
Hội thảo tập trung trao đổi những nội dung chính như: (1) Chính sách và xu hướng thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước và quốc tế; (2) Thực tiễn thương mại hóa và khởi nghiệp từ sản phẩm nghiên cứu tại các trường đại học; những mô hình, câu chuyện thành công; (3) Thách thức trong thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; (4) Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, chuyên gia khởi nghiệp và doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác, định hướng nghiên cứu ứng dụng.
Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đôc BK Fund chia sẻ tại Hội thảo
Dự án ZesAroma của thầy và trò trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng được trưng bày tại Hội thảo. Với sản phẩm chủ lực là viên nén sinh khối, cùng các sản phẩm phụ trợ từ phế phẩm nông - lâm nghiệp như than sinh học, than nén không khói, tinh dầu và pectin, những giải pháp thiết thực của ZestAroma không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội, khẳng định cam kết của nhóm trong việc tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm và dành nguồn lực để phát triển, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng như những hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo trong sinh viên. Đây sẽ là động lực, là hành trang hữu ích giúp sinh viên chinh phục con đường khởi nghiệp và tạo những bước đi vững chắc trong tương lai.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội