Chia sẻ của PGS Lê Ba Phong khi lọt top 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất TG
Theo PGS.TS Lê Ba Phong, người làm khoa học không thể thiếu những lúc chuyên tâm “vùi đầu” nghiên cứu, nhưng cũng không thể tách rời cuộc sống.
Vừa qua, Việt Nam có 47 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2023 do Nhà xuất bản Elsevier công bố.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong (sinh năm 1978) - Trưởng phòng Đào tạo, Khoa học công nghệ và Công tác sinh viên, Trường Ngoại ngữ và Du lịch (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) - một trong những cái tên nằm trong danh sách này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong - Trưởng phòng Đào tạo, Khoa học công nghệ và Công tác sinh viên, Trường Ngoại ngữ và Du lịch (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà.
Rẽ lối từ lĩnh vực kinh tế đến giảng đường đại học
Sinh ra và lớn lên ở “thành phố cảng” Hải Phòng năng động, cậu học trò chuyên Toán (Trường Phổ thông trung học Kỹ thuật Hồng Bàng) năm nào vẫn nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi khối ngành kinh tế. Năm 2000, chàng trai Lê Ba Phong tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Thương mại), sau đó tiếp tục học cao học tại trường.
Trong khoảng thời gian này, anh đã gặp gỡ và trò chuyện với nhiều thầy cô tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Thấy anh có kết quả học tập tốt và luôn tích cực, năng nổ trong các hoạt động, các thầy cô đã đưa ra một lời gợi ý anh trở thành giảng viên.
“Ấy là thời điểm năm 2002, tôi vẫn còn nhớ như in. Thú thực, trước đó, định hướng của tôi vẫn thiên về quản trị doanh nghiệp, theo đuổi lĩnh vực kinh tế. Không ngờ sau này lại có một “lực hấp dẫn” nào đó khiến tôi rẽ lối vào làm việc trong một môi trường sư phạm” - anh Phong chia sẻ.
Mặc dù cũng khá bất ngờ với bước chuyển hướng của con trai, nhưng gia đình anh Lê Ba Phong vẫn luôn ủng hộ. Anh lý giải: “Có lẽ, do mẹ tôi cũng là một giáo viên, nên khi thấy con trai theo nghề giáo, mẹ cũng hết sức vui mừng. Hơn nữa, gia đình vẫn luôn đồng hành cùng con qua mọi hành trình, nên luôn là chỗ dựa vững chắc cho bất kỳ lựa chọn nào của tôi”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong đã chính thức gắn bó với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hơn 20 năm. Ảnh: Mộc Trà.
Trở thành giảng viên khoa Kinh tế từ cuối năm 2002, tính đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong đã chính thức gắn bó với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hơn 20 năm.
Vị phó giáo sư cũng không ngần ngại trải lòng: “Trong giai đoạn đầu chuyển từ lĩnh vực kinh doanh doanh nghiệp sang hoạt động giảng dạy, khó khăn lớn nhất đối với tôi chính là phải chỉn chu, cẩn thận trong việc chuẩn bị giáo án, bài giảng để chia sẻ, trao đổi kiến thức với sinh viên.
Do chưa sẵn nghiệp vụ sư phạm như các thầy cô khác, nên thời gian này, tôi cũng thấy khá áp lực, công tác chuẩn bị luôn tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, do đặc thù công việc giảng dạy đòi hỏi mỗi người giảng viên phải luôn luôn nghiên cứu, tìm hiểu thêm, nên càng thôi thúc tôi mày mò hơn nữa.
Tuy nhiên, cũng rất may mắn vì Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng có rất nhiều thuận lợi, từ điều kiện cơ sở vật chất đến hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng, liên kết với nhiều trường đại học trong và ngoài nước. Ngoài ra, định hướng của lãnh đạo nhà trường luôn đồng hành, tin tưởng đội ngũ giảng viên... tất cả đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình thật tốt”.
Không chỉ giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong còn tham gia các nhóm nghiên cứu ở các trường: Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về các chủ đề: Quản trị tri thức, đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh, quản trị nhân lực và trách nhiệm xã hội.
Một trong những niềm hạnh phúc của người giảng viên này được bật mí là các đợt hướng dẫn sinh viên/học viên làm các đề tài nghiên cứu, bởi với anh, phòng trào nghiên cứu khoa học càng rộng mở, những kết quả nghiên cứu sẽ càng có “sức sống” và ý nghĩa hơn.
Làm khoa học không thể thiếu những giai đoạn “vùi đầu” nghiên cứu
Chia sẻ thêm về con đường đang theo đuổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong mộc mạc tâm sự: “Trước đây, nhiều người từng nghĩ rằng, những người làm khoa học thường rất khô khan, thậm chí khó gần. Nhưng theo tôi, không phải như vậy. Một người có khô khan hay không cũng không phụ thuộc vào việc mình làm công việc gì, mà chỉ phụ thuộc vào tính cách. Có những người tính cách hướng nội thì có xu hướng ít bộc lộ, nhưng cũng có rất nhiều người hướng ngoại lại thích giao lưu, khám phá nhiều hơn.
Hơn nữa, theo tôi, mọi nghiên cứu cũng đều xuất phát từ thực tiễn. Tất nhiên, khi bước vào giai đoạn nghiên cứu, một nhà khoa học thường cần sự tập trung nhiều hơn, chứ không phải tách rời cuộc sống.
Như bản thân tôi, vẫn thường xuyên thâm nhập cuộc sống, trao đổi, tìm hiểu về doanh nghiệp chẳng hạn... Đặc biệt, trong giai đoạn đang là nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Hồ Nam (Trung Quốc) từ năm 2014-2018, một ngày của tôi thường không dưới 8 - 12 tiếng “vùi đầu” vào đọc tài liệu, viết ghi chú và suy luận...”.
Đối với những khoảng thời gian khác, khi đang giảng dạy và nghiên cứu trong nước, vị phó giáo sư cũng không thể đếm xuể số ngày “vùi đầu” vào chuyên môn của mình.
Anh kể: “Chúng tôi vẫn dành thời gian nghiên cứu rất nhiều vào những buổi tối. Có lúc mà thức trắng đêm, nhiều hôm mải miết từ 9 giờ sáng ngày hôm trước đến tận sáng hôm sau. Còn những buổi nghiên cứu đến 1 - 2 giờ đêm là chuyện bình thường”.
Cũng chính vì lẽ đó, theo anh Phong, đối với một người làm khoa học, gia đình chính là “bệ đỡ” vững chắc nhất để bản thân có thể chuyên tâm dành trọn thời gian cho công việc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong, khi bước vào giai đoạn nghiên cứu, một nhà khoa học thường cần sự tập trung nhiều hơn, chứ không phải là đang tách rời cuộc sống. Ảnh: Mộc Trà.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ba Phong, hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang có 51 ngành đào tạo đại học. Trong bối cảnh hiện nay, các ngành đào tạo của nhà trường đều theo hướng đào tạo tri thức ứng dụng để tạo điều kiện giúp các bạn sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp luôn trên 90%, thậm chí có ngành là 96-98%. Trường hiện cũng nằm trong “top đầu” các trường có số lượng học sinh trung học phổ thông đăng ký nguyện vọng nhiều.
Biết mình là một trong 47 nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2023, vị phó giáo sư bày tỏ đã không giấu được niềm vui và xem đó như một động lực lớn để viết tiếp những bước tiếp theo trên hành trình nghiên cứu của mình.
“Tôi sẽ tiếp tục đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực yêu thích về quản trị tri thức, đổi mới sáng tạo, và cũng rất hy vọng sẽ có những thành quả nghiên cứu tích cực trong thời gian tới” - anh bày tỏ.
Bên cạnh đó, vị phó giáo sư cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên trẻ: “Chúng ta hãy luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, và đặc biệt phải có sự đam mê đối với lĩnh vực mình đang theo đuổi và hết lòng vì mục tiêu đó. Cứ kiên định, kết quả sẽ đến với mình”.
Bảng xếp hạng các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới dựa theo bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất được xây dựng bởi nhóm các nhà khoa học của Giáo sư John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Mỹ), dựa trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus và được Nhà xuất bản Elsevier công bố.
Nguồn: Giáo dục Việt Nam
Thứ Hai, 11:14 16/10/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội