Đại diện CSGDĐH nêu những nội dung cần có ở nghị định riêng cho trường tự chủ

GDVN-Cần tăng cường đầu tư cho các CSGDĐH dựa trên các tiêu chí về lĩnh vực ưu tiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động, khả năng huy động nguồn lực từ xã hội.

Tự chủ đại học giúp đa dạng hóa nguồn thu, giảm dần gánh nặng học phí

Theo thống kê trong Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mặc dù giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã nhận được sự quan tâm đầu tư ngân sách, tuy nhiên, nguồn tài chính công dành cho giáo dục đại học chưa tương xứng với mục tiêu phát triển quốc gia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Khi được so sánh với các quốc gia có khát vọng và đặc điểm tương đồng, tỉ lệ nguồn ngân sách của Việt Nam cho giáo dục đại học đến nay vẫn ở rất thấp.

Chính vì vậy, đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học đang thu hút nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các trường đại học. Bởi, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cả quy mô và nâng cao về chất lượng, dịch chuyển và cơ cấu, cần phải có sự đầu tư tương xứng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Để tự chủ đại học cần hội tụ nhiều nhóm nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính là một trong những nguồn lực quan trọng.

Nguồn lực tài chính có thể đến từ đầu tư, tài trợ của Nhà nước hoặc xã hội hóa giáo dục. Nguồn lực tài chính mạnh là cơ sở giúp các cơ sở giáo dục đại học “đảm bảo chất lượng đào tạo”, “nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ”, từ đó mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội, qua đó giúp đảm bảo hiệu quả hoạt động của nhà trường. Đó là mục tiêu chính của tự chủ đại học.

Tuy nhiên, hiện nay tài chính cho tự chủ giáo dục chưa tương xứng với yêu cầu, điều này xuất phát từ quan niệm “tự chủ” gắn với “tự lo/tự chịu”. Cách nhìn nhận đó dẫn tới thực tế là ngân sách nhà nước dành cho giáo dục ở Việt Nam hiện nay chưa được ưu tiên, nên còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa đồng bộ theo hướng tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cũng dẫn tới hạn chế nguồn vốn đầu tư từ xã hội. Ví dụ: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công còn một số vướng mắc cần tháo gỡ trong việc sử dụng tài sản công để xã hội hóa giáo dục và thúc đẩy hợp tác công tư trong giáo dục.

Những bất cập nói trên buộc các cơ sở đào tạo phải tăng học phí để đảm bảo hoạt động và đảm bảo chất lượng.

Với những phân tích vừa nêu, cá nhân tôi nhất trí với quan điểm cần tiếp tục nghiên cứu đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để đột phá và phát triển”.

[giaoduc] Đại diện CSGDĐH nêu những nội dung cần có ở nghị định riêng cho trường tự chủ

Tiến sĩ Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà.

Từ đó, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn cho rằng: “Cần phải làm sâu sắc, toàn diện hơn nữa quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đảm bảo tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn; làm rõ hơn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp và chính quyền địa phương với đảm bảo tự chủ đại học”.

Chia sẻ về thực tiễn thực hiện tự chủ của nhà trường, thầy Sơn cho biết: “Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nhận thức về mục đích, ý nghĩa về tự chủ đại học từ khi xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020, đặc biệt từ năm 2017, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, trao thực hiện thí điểm tự chủ đại học.

Để tự chủ thành công, nhà trường xác định cần chuyển đổi mô hình quản lý theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm phát triển bền vững. Do đó, nhà trường đã xây dựng Đề án “Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển đổi mô hình quản lý Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thành Đại học Công nghiệp Hà Nội”. Đến nay, nhà trường đã thành lập được 2 trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có bộ máy để thực hiện phân cấp, đặc biệt trong đó phân cấp thực hiện dịch vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Qua đó, nhà trường kỳ vọng thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu, tăng tỉ trọng nguồn thu ngoài học phí.

Nhà trường cũng tập trung xây dựng, cụ thể hóa văn bản trong tất cả các lĩnh vực hoạt động để đảm bảo thực hiện tự chủ đúng quy định của pháp luật.

Và một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện thành công tự chủ đại học là quan điểm chất lượng. Với quan điểm “chất lượng là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo tự chủ đại học”, “Mỗi chương trình đào tạo là một sản phẩm dịch vụ”, nhà trường đã thực hiện “xây dựng và vận hành chương trình đào tạo theo chuẩn kiểm định quốc gia, quốc tế”. Trong đó, lựa chọn các chương trình đào tạo lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật để xây dựng, vận hành và kiểm định theo chuẩn ABET - Hoa Kỳ (Đến nay đã hoàn thành đánh giá chính thức).

Chất lượng chương trình đào tạo cũng từ đó được giữ vững và nâng cao, điều đó thể hiện qua tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao. Tỉ lệ trung bình sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 95% là một trong những lý do quan trọng thu hút người học, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học chính quy hàng năm trung bình trên 100.000 nguyện vọng.

Qua đó, nhà trường có đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng đội ngũ, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất.

Đó là một số kết quả rõ nét của tự chủ đại học. Kết quả ban đầu đó củng cố niềm tin về chủ đại học.

Kinh nghiệm thành công cho thấy, cần có tập thể lãnh đạo có tầm nhìn, tư duy đổi mới, có năng lực quản trị, đặc biệt là cam kết thực hiện tự chủ đại học. Đội ngũ cán bộ giảng viên hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng tập thể lãnh đạo. Có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp và chính quyền địa phương”.

“Như đã trao đổi ở trên, tự chủ đại học giúp đa dạng hóa nguồn thu thông qua thực hiện các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Điều này sẽ giúp giảm dần gánh nặng học phí đối với sinh viên” - thầy Sơn nhấn mạnh.

Cần tăng đầu tư cho giáo dục đại học; hỗ trợ tài chính và cải cách hệ thống tín dụng sinh viên

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng bày tỏ: “Việc cần tăng đầu tư cho giáo dục đại học hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của giáo dục đại học hiện nay. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp nên chưa thể đủ nguồn lực để tạo ra những đột phá.

Để đảm bảo chất và lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng, cần tăng đầu tư với tỉ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học từ 0,23% lên ít nhất 0,8% - 1% GDP trước năm 2030 với hai mục đích sử dụng chính: hỗ trợ thường xuyên, ổn định cho các cơ sở giáo dục đại học công lập. Đồng thời, hỗ trợ tài chính cho sinh viên và cải cách hệ thống tín dụng sinh viên; tăng cường hiệu quả của ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học thông qua cải cách về cơ chế phân bổ, trách nhiệm giải trình và đơn giản hóa quy trình thủ tục song song với tăng cường hỗ trợ tài chính.

Với yêu cầu là quy mô phải tăng, đòi hỏi chất lượng cũng phải tăng. Như vậy, thách thức lớn là làm sao bảo đảm tương xứng, đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng phải đầu tư trọng tâm trọng điểm, những ngành nghề thiết yếu với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực then chốt”.

[giaoduc] Đại diện CSGDĐH nêu những nội dung cần có ở nghị định riêng cho trường tự chủ

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: dut.udn.vn.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), từ thực tiễn thực hiện cơ chế tự chủ, nhà trường thường xuyên rà soát quy chế nội bộ và các quy định cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Thường xuyên kiện toàn các bộ phận, các quy định thẩm quyền chức năng trong các lĩnh vực tài chính, tài sản. Bên cạnh đó, tăng cường quản trị đại học, nâng cao vai trò của bộ phận thanh tra, kiểm soát nội bộ.

“Khi thực hiện tự chủ, mức thu học phí sẽ tăng lên. Để giảm gánh nặng chi phí cho người học, ngoài các thực hiện đầy đủ chế độ chính sách miễn giảm học phí và học bổng khuyến khích học tập theo quy định, nhà trường chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khác từ các tổ chức, cá nhân, cựu sinh viên để tạo quỹ hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập” - vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Tập trung tháo gỡ rào cản về tự chủ tài chính, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại học

Trước nhiều ý kiến cho rằng cần thiết xây dựng một nghị định riêng cho các trường tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho biết: “Tự chủ đại học là giải pháp có tính đột phá trong thời gian vừa qua, thực sự đem lại sức sống mới, động lực cho sự phát triển của giáo dục đại học và chúng ta cần tiếp tục kiên trì việc tự chủ này.

Tuy nhiên, nhiều quy định trong các văn bản hiện hành không phù hợp, thậm chí còn hạn chế xu hướng tự chủ đại học. Vì vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả, việc xem xét xây dựng một nghị định mới về tự chủ đại học để tạo đột phá cho sự phát triển trong bối cảnh mới cũng có thể cần được cân nhắc”.

Bên cạnh đó, thầy Hiếu cũng cho rằng: “Để đáp ứng yêu cầu của tự chủ đại học, Nhà nước cần xem xét đầu tư có trọng điểm vào các trường tự chủ thông qua nguồn ngân sách nhà nước hoặc có cơ chế mở để thu hút đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho các trường nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục đại học”.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Thân Thanh Sơn cũng phân tích: “Tự chủ đại học là một quá trình, thực tiễn từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho thấy, bước đầu đã đạt những những thành công nhất định, với những kết quả đáng khích lệ (về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia, quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ; về tăng cường cơ sở vật chất; về đa dạng hóa nguồn thu và tăng tỉ trọng nguồn thu ngoài học phí...).

Tuy nhiên, tự chủ đại học là vấn đề mới, hiện nay đã xuất hiện những lực cản từ cả hai phía chủ quan và khách quan.

Một là, vấn đề bên trong các cơ sở giáo dục đại học: Đó là nhận thức, tư duy đổi mới, năng lực quản trị nhà trường trong điều kiện tự chủ.

Hai là, vấn đề thể chế: Hiện nay, hành lang pháp lý về tự chủ đại học đã có nhưng còn chưa đồng bộ, hiểu chưa thống nhất. Ví dụ: đánh đồng “tự chủ” với “tự túc/tự lo”, trong khi vẫn cần quản lý và đầu tư của Nhà nước; Còn vướng mắc cơ chế “tự chủ” với cơ chế “chủ quản”, chưa làm rõ và thống nhất chung cách vận hành mối quan hệ Đảng ủy - Hội đồng trường - Hiệu trưởng.

Với những phân tích vừa nêu, cá nhân tôi nhất trí với quan điểm cần nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về tự chủ đại học”.

[giaoduc] Đại diện CSGDĐH nêu những nội dung cần có ở nghị định riêng cho trường tự chủ

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Mộc Trà.

Về xây dựng nghị định riêng, theo Tiến sĩ Thân Thanh Sơn, cần nhấn mạnh vào hai điểm sau đây:

Đầu tiên: Cần tập trung tháo gỡ các rào cản về cơ chế tự chủ tài chính, trong đó, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại học, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước vào hoạt động liên kết, bao gồm cả cơ chế hợp tác công tư;

Bởi vì tháo gỡ được cơ chế tài chính sẽ tạo động lực mạnh để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó nâng cao chất lượng, bảo đảm phát triển bền vững, để từ đó lại thúc đẩy tự chủ. Điều đó cũng có nghĩa là chừng nào cơ chế tài chính chưa được tháo gỡ, việc tự chủ đại học sẽ chưa thể đột phá.

Thứ hai: Phân định rõ mối quan hệ, sự phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về vấn đề liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tài sản trên tinh thần “tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học”. Thống nhất vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu - Cơ quan quản lý nhà nước.

Bởi vì cơ chế tự chủ là trả lời câu hỏi trao quyền cho ai? Thực hiện quyền như thế nào? Do đó nếu làm rõ được mối quan hệ này sẽ đảm bảo giải quyết được vấn đề bên trong các cơ sở giáo dục đại học, qua đó cũng tạo động lực nội sinh để đổi mới, để tự chủ.

Bên cạnh việc sớm xây dựng nghị định riêng, qua thực tiễn thực hiện tự chủ của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thầy Sơn có thêm đề xuất như:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát một số luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến tự chủ đại học, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, cần tăng cường đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các tiêu chí về lĩnh vực ưu tiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động và khả năng huy động nguồn lực từ xã hội của các cơ sở giáo dục đại học;

Thứ ba, xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường;

Cuối cùng, cần mở rộng đối tượng người học được hỗ trợ qua tín dụng ưu đãi, qua đó đảm bảo người học và gia đình có thể yên tâm trong suốt quá trình học”.

Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

  • Thứ Ba, 08:18 05/03/2024

Tags:

Các bài đã đăng

Lời tri ân gõ cửa ngày 20/11

Lời tri ân gõ cửa ngày 20/11

Thứ Hai, 12:00 18/11/2024
HaUI phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao cùng Samsung Electronics Việt Nam

HaUI phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao cùng Samsung Electronics Việt Nam

Thứ Ba, 20:56 12/11/2024
Job Fair 2024 – Mang nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn đến với sinh viên ngành Công nghệ thông tin

Job Fair 2024 – Mang nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn đến với sinh viên ngành Công nghệ thông tin

Chủ Nhật, 13:04 10/11/2024
Hơn 1000 xe máy được chăm sóc, bảo dưỡng miễn phí tại ngày hội Uni Care Day

Hơn 1000 xe máy được chăm sóc, bảo dưỡng miễn phí tại ngày hội Uni Care Day

Thứ Tư, 15:40 06/11/2024
HaUI đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng Hàn Quốc

HaUI đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tái sản xuất máy công nghiệp và xây dựng Hàn Quốc

Thứ Tư, 16:41 30/10/2024
HaUI định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 12 Trường THPT Quang Trung - Hà Đông

HaUI định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 12 Trường THPT Quang Trung - Hà Đông

Thứ Hai, 09:16 04/03/2024
Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2: Tôn vinh những cống hiến của đội ngũ y tế học đường

Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2: Tôn vinh những cống hiến của đội ngũ y tế học đường

Thứ Ba, 10:17 27/02/2024
Xuân hội ngộ 2024: Lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống đến sinh viên quốc tế

Xuân hội ngộ 2024: Lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống đến sinh viên quốc tế

Thứ Tư, 20:54 31/01/2024
LETCO: Năm 2024 thị trường xuất khẩu lao động sẽ có nhiều khởi sắc

LETCO: Năm 2024 thị trường xuất khẩu lao động sẽ có nhiều khởi sắc

Thứ Sáu, 12:44 26/01/2024
HaUI tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại 02 cơ sở Hà Nội

HaUI tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại 02 cơ sở Hà Nội

Chủ Nhật, 12:59 21/01/2024

Tin tiêu điểm

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Thứ Tư, 14:52 06/07/2022
Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Thứ Tư, 14:26 06/07/2022
Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Thứ Ba, 13:25 14/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

Thứ Sáu, 19:15 03/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

Thứ Năm, 19:20 02/06/2022