Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có gì mới?
Một trong 09 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 là Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018. Luật này đã có những điều chỉnh lớn về chính sách phát triển giáo dục đại học, về những quy định liên quan đến cả người dạy và người học…
11 điểm mới trong Luật Giáo dục đại học năm 2018
1 - Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động (Điều 12)
Một điểm mới của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 là bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học. Cụ thể, Luật yêu cầu phải gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nhằm khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm đang “nhức nhối” lâu nay.
2 - Xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học, tiệm cận với xu hướng quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam
- Các trường đại học có thể thành lập các trường/school(k4-Điều 7; điểm đ Điều 14)(điều kiện do CP quy định)hoặc phát triển thành Đại học;
- Hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được nhà nước quy định => sáp nhập với nhau =>đại học
Luật cũng khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục; có chính sách miễn, giảm thuế với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.
3 - Không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo (Điều 38)
Luật này quy định, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
Trong khi đó, trước đây Luật năm 2012 quy định văn bằng được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo tương ứng.
4 - Giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ (Điều 54)
Nếu như trước đây quy định, thạc sĩ là trình độ chuẩn đối các giảng viên đại học, thì nay, Luật mới quy định đây chỉ là trình độ tối thiểu của các giảng viên, trừ trợ giảng. Các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên. Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ.
Cũng theo Luật này, giảng viên độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khác… theo quy định của trường đại học mà mình đang làm việc.
5 - Bỏ quy định Hiệu trưởng trường đại học có nhiệm kỳ 5 năm (Điều 20)
Nếu như trước đây, nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường đại học được quy định là 05 năm, thì Luật mới quy định nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng.
Bên cạnh đó, thay vì quy định hiệu trưởng phải đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của trường ít nhất 05 năm, thì nay, Luật mới cũng đã bỏ quy định này. Thay vào đó, chỉ còn yêu cầu phải có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.
Ngoài ra, Luật mới vẫn giữ nguyên yêu cầu về việc hiệu trưởng trường đại học phải có trình độ tiến sĩ trở lên.
6- Nội dung tự chủ (Điều 32)
*Trong hoạt động chuyên môn và học thuật: mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế;
*Trong tổ chức, nhân sự: cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động; danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; quyết định nhân sự quản trị quản lý trong nhà trường; bổ nhiệm chức danh giảng viên;
*Trong tài chính và tài sản: mức thu học phí và dịch vụ, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính, tài sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác…
Điểm khác biệt lớn nhất của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Trong đó, Luật quy định khá chi tiết về việc giao quyền tự chủ cho các trường trong học thuật và hoạt động chuyên môn; trong tổ chức và nhân sự; trong tài chính và tài sản…
Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học phải đáp ứng một số điều kiện như: Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên có việc làm…
7 - Trường phải công khai mức học phí cả khóa học trên website (Điều 65)
Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho trường đại học để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 yêu cầu các trường phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường.
Đồng thời, các trường phải có trách nhiệm trích một phần nguồn học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng theo Luật này, ngoài các trường đại học công lập được giao quyền tự chủ, các trường đại học tư thục cũng được phép tự quyết định mức học phí.
8 - Không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng(Điều 50)
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành đào tạo của các trường đại học. Theo đó, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường phải đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định.
Trường hợp không đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, các trường phải cải tiến, nâng cao chất lượng để đảm bảo chuẩn đầu ra; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Đáng chú ý, các trường tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 05 năm.
9- Thời gian đào tạo xác định theo số lượng tín chỉ (Điều 35)
Đào tạo đại học hiện nay được thực hiện theo phương thức tín chỉ. Do đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi quy định thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.
Số lượng tín chỉ cần tích lũy đối với mỗi trình độ được quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt. Hiệu trưởng các trường đại học quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.
10 - Nhà đầu tư được thành lập trường đại học theo 2 phương thức (Điều 16a)
Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung một điều mới về nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư thành lập trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Nhà đầu tư thành lập trường đại học có thể lựa chọn một trong hai phương thức:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế để tổ chức này thành lập trường đại học tư thục;
- Trực tiếp thành lập trường đại học tư thục.
11- Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản (Điều 67)
*Nhà nước
+Phân bổ ngân sách và nguồn lực theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác
+Uu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao
*Cơ sở GDĐH
+Tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh.
+ Được sử dụng tài sản công vào kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của PL nhằm mục đích phát triển GDĐH, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục.
Trên đây là 11 điểm mới của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.
Thứ Hai, 15:55 07/01/2019
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội