Quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số
Tại Hội thảo “Thuế và kinh tế số” được tổ chức vào ngày 28/8, hơn 90 chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên của 17 trường đại học trên địa bàn Hà Nội và khu vực phía Bắc đã cùng nhau thảo luận những thách thức liên quan đến thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử và hoá đơn điện tử. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Hội thảo “Thuế và kinh tế số” do ACCA phối hợp cùng VTCA và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức với sự hỗ trợ của KPMG Việt Nam đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên tham gia
Đại biểu tham dự Hội thảo
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain và thương mại điện tử đang tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức mà chúng ta vận hành các hoạt động kinh tế và xã hội.
PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn đối với hệ thống thuế. Những vấn đề như xác định giá trị thực của các giao dịch số, quản lý thuế đối với các doanh nghiệp và đảm bảo công bằng thuế trong bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi chúng ta phải có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về các nghiệp vụ thuế trong bối cảnh của nền kinh tế số.
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam, Bộ Tài Chính cũng cho rằng: Sự phát triển của thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với Việt Nam, số lượng người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử tăng cao, doanh số bán lẻ trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử tăng trưởng đột phá; thị trường thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về kênh bán hàng trực tuyến, dịch vụ giao nhận nhanh gắn với các cơ sở logistic; với nhiều hình thức đa dạng của hệ thống thanh toán điện tử như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử,… Và thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cũng phải đối mặt với một số trở ngại như tình trạng hàng giả, những vụ lừa đảo, đánh cắp dữ liệu và tài khoản ngân hàng…
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam, Bộ Tài Chính chia sẻ về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Vì vậy, xu hướng phát triển, sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đặt ra thách thức rất lớn đối với công tác quản lý thuế, công tác tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức hiểu rõ và tuân thủ thực hiện việc kê khai nộp thuế.
Bà Phó Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc dịch vụ Tư vấn thuế, KPMG Việt Nam chia sẻ về Thực trạng sử dụng Hóa đơn điện tử: Thuận lợi và Khó khăn
Sử dụng hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ không chỉ giảm chí phí, thời gian phát hành so với hoá đơn giấy, thuận tiện trong việc quản lý, lập báo cáo, phát hành hoá đơn, thủ tục đăng ký sử dụng nhanh gọn cho doanh nghiệp mà còn giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, quản lý, phát hiện và xử phạt các hành vi gian lận về thuế.
Trong quá trình triển khai hoá đơn điện tử hiện nay, bà Phó Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc dịch vụ Tư vấn thuế, KPMG Việt Nam cho rằng: Sử dụng hoá đơn điện tử vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc khiến doanh nghiệp phải băn khoăn, lo lắng. Đơn cử, như: Chưa quy định rõ thời điểm lập hóa đơn cho một số trường hợp cụ thể; Loại hóa đơn dùng cho doanh nghiệp chế xuất chưa được quy định rõ ràng; Doanh nghiệp đang phải sử dụng 02 loại hóa đơn khi xuất khẩu hàng hóa (hoá đơn thương mại, hóa đơn bán hàng/ hóa đơn giá trị gia tăng điện tử); Chưa có quy định xuất hóa đơn theo từng lần phát sinh cho các trường hợp cụ thể; Quy định về chứng từ điện tử còn nhiều bất cập; Không thông báo tới người mua về việc hủy/điều chỉnh/thay thế hóa đơn; Chưa có quy định lập 01 hóa đơn để điều chỉnh/thay thế cho hóa đơn đã lập sau của cùng người mua,…
Tại Hội thảo “Thuế và kinh tế số”, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận một số giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số hiện nay, đặc biệt phải tăng cường quản lý thuế với kinh doanh thương mại điện tử, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức nhận thức, thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế và kê khai thuế.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nga – Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng: Những ý kiến, trao đổi, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên sẽ là cơ sở để Trường tham khảo, cập nhật chương trình đào tạo quản lý Thuế phù hợp với bối cảnh nền kinh tế số hiện nay
Ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam cho biết: Thuế cũng là một mảng rất lớn trong Tổng thể nội dung của Văn bằng ACCA, chiếm tới 12% chương trình đào tạo. Các bạn sinh viên sẽ được học và thi môn Thuế Việt Nam với ACCA, dựa trên hợp tác giữa ACCA và Bộ Tài chính
Đặc biệt, trong nền kinh tế số, các cơ sở đào tạo cần chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuế. Hiện nay, một số chương trình học tại Trường Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tích hợp với chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế ACCA. Đây là nền tảng để Trường Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Thuế tại Việt Nam.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Thứ Tư, 12:51 28/08/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội