Sinh viên thích học trực tiếp hay trực tuyến?

Dù xác định dạy trực tuyến là một xu hướng tất yếu nhưng nhiều trường ĐH vẫn triển khai thận trọng, cho sinh viên được lựa chọn học trực tiếp hay trực tuyến. Thực tế cho thấy sinh viên vẫn thích học với thầy dạy trên bảng đen, phấn trắng.

Học B-learning, sinh viên được chủ động về thời gian

Khác với hình dung của nhiều người, dạy học trực tuyến ở bậc ĐH không phải đến buổi học thì sinh viên (SV) bật máy tính, vào mạng để điểm danh, còn giảng viên (GV) thì ngồi trước camera truyền đi hình ảnh bản thân đang dạy học. Thay vào đó, thầy cô sẽ đưa lên mạng video ghi lại bài dạy của mình, SV có thể truy cập để học bất kỳ lúc nào (nhưng phải hoàn thành việc học trong khung thời gian học tập chung của môn học). Nền tảng được sử dụng để phát video phải thỏa mãn các yêu cầu của Bộ GD-ĐT như hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập… Theo nhiều GV, việc chuẩn bị một bài giảng để quay video là rất công phu so với việc thực hiện bài giảng trực tiếp trên lớp. Đó là chưa kể không phải bài học nào cũng có thể dạy trực tuyến. Tuy nhiên, với những bài dạy có nội dung phù hợp, GV chuẩn bị tốt thì bước đầu nhận được sự hưởng ứng khá tích cực của SV.

PGS Phạm Thanh Huyền, giảng viên môn hóa dầu, Trường Hóa và Khoa học sự sống (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết cô đang tham gia triển khai có tính chất thử nghiệm hình thức dạy học kết hợp trực tiếp - trực tuyến (B-learning) một số môn trên nền tảng học tập số LMS. Một tuần các em được học trên LMS, tuần tiếp theo thì GV lên lớp dạy trực tiếp để tổ chức cho SV thảo luận và GV giải đáp các thắc mắc của SV.

Sinh viên thích học trực tiếp hay trực tuyến?

GS Vũ Hà Văn vừa giảng vừa viết bảng trong một lần giảng bài ở Viện Toán học VN

PGS Huyền chia sẻ: "Học trên LMS là các em tự xem các video bài giảng đã được ghi hình sẵn. Các em có thể mở ra học bất kỳ thời điểm nào thuận tiện cho bản thân, có thể xem đi xem lại video nhiều lần. Ngoài ra, các em có thể được xem các bài đọc thêm có nội dung liên quan mà GV giới thiệu. Với những bài này, nếu khả năng nghe tiếng Anh không tốt thì SV có thể bật xem phụ đề. Nhiều SV phản hồi rất thích những bài giảng trực tuyến đã được học".

Cũng theo PGS Huyền, việc chuẩn bị các bài giảng video được các GV thực hiện rất công phu, vì thế không thể có ngay một lúc nhiều bài giảng. Hơn nữa, không phải bài giảng nào cũng có nội dung phù hợp để GV thực hiện qua cách ghi hình rồi phát trên nền tảng trực tuyến. "Một số em không biết cách học, chỉ mở video rồi ngồi nghe nên kiến thức không đọng lại. Những em học hiệu quả cho biết các em vừa ghi bài ra vở vừa nghe, đồng thời tua lại những đoạn khó. Các bài đọc thêm là bằng tiếng Anh, có phụ đề tiếng Việt, nên SV vẫn hiểu bài mà lại học thêm được tiếng Anh chuyên ngành. Học B-learning có ưu điểm lớn nhất là SV chủ động được thời gian", PGS Huyền nói.

Cho phép SV được lựa chọn hình thức học

Tiến sĩ Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết để có thể triển khai dạy học B-learning, nhà trường đã xây dựng hệ thống quản lý học tập và hệ thống quản lý nội dung học tập (để triển khai xây dựng học liệu và tổ chức quản lý đào tạo). Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cũng đã được đầu tư đồng bộ. Nhà trường đã thống nhất với các đơn vị đào tạo về việc lựa chọn học phần triển khai dạy học kết hợp, đó là các học phần lý thuyết, ưu tiên học phần thuộc khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành.

Tỷ lệ học phần dạy học kết hợp trong mỗi chương trình đào tạo là khoảng 21,65%, với thời lượng trực tuyến khoảng 10%. Các video bài giảng khi được phát trên hệ thống đều đã thẩm định, nghiệm thu qua 2 cấp (cấp cơ sở, cấp trường). Trong quá trình triển khai, nhà trường đồng thời tiến hành khảo sát với tất cả SV tham gia học B-learning (hơn 17.000 em) trên hệ thống ĐH điện tử về các yếu tố như sự kịp thời của GV trong việc giải đáp thắc mắc của SV, truyền cảm hứng, tạo động lực học tập, phát huy năng lực tự học của SV.

Tuy nhiên, nhà trường không áp đặt hình thức học này với tất cả SV. Hiện nay Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định tổ chức dạy học, đảm bảo cá nhân hóa người học. Theo đó, với mỗi học phần, người học có thể lựa chọn đăng ký tham gia lớp học truyền thống hoặc lớp học B-learning, hoặc lớp học trực tuyến 100%.

Sinh viên thích học trực tiếp hay trực tuyến?

Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện video bài giảng trực tuyến

SV vẫn thích thầy cô giảng trên bảng đen, phấn trắng

Tiến sĩ Nguyễn Bảo Huy, một GV trẻ Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng tinh thần mà hình thức dạy học B-learning hướng tới là hay, nhưng GV vẫn thích dạy trực tiếp hơn. Nếu ghi hình video bài giảng, tiến sĩ Huy thích làm theo kiểu của MIT opencourseware (hệ thống tài liệu trực tuyến của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) là quay một buổi học thực tế trên giảng đường có SV; còn đến trường quay để giảng bài một mình trước cái máy quay phim ông không thấy hứng thú.

Năm ngoái, nhân việc nhận thấy một số giáo sư ở Mỹ khi giảng bài vừa cầm tài liệu, vừa viết bảng, tiến sĩ Huy đã làm nhanh một khảo sát "bỏ túi" với SV của mình về hình thức học tập các nội dung lý thuyết mà các em thấy thích nhất. Câu trả lời của hầu hết SV là các em thích nhất được học trực tiếp với GV. Đồng thời, khi GV dạy trực tiếp, các em vẫn thích nhất thầy cô vừa giảng, vừa dùng phấn trình bày nội dung bài giảng lên bảng. "Kỳ trước tôi dạy môn mạch 1, tôi soạn slide rất kỹ, khi dạy thì vừa trình chiếu slide vừa giảng. Nhưng kỳ này tôi hỏi SV là các em thích học kiểu phấn - bảng hơn hay lấy slide ra chiếu thì tất cả đều nhanh chóng nhất trí là học bằng bảng. Vì thế, tôi gửi slide cho SV để các em làm tài liệu học tập, còn khi dạy thì trực tiếp dùng phấn, bảng", ông Huy cho biết.

Cũng theo tiến sĩ Huy, khi theo dõi một số diễn đàn SV, ông nhận thấy SV hỏi nhau lớp nào GV môn toán dạy phấn - bảng chứ không dạy slide, để đăng ký theo học. Ngoài ra, ông cũng được nghe trực tiếp SV than phiền về việc một thầy nào đó dạy môn cơ sở dùng slide, trong khi cũng môn đó các thầy cô khác vững hơn đều dùng bảng và phấn. Qua đó cho thấy những môn học càng khó, nội dung học càng phức tạp, SV đều thích được học trực tiếp với thầy, thích thầy viết bài giảng bằng phấn trên bảng. Thậm chí nhiều SV còn tin tưởng rằng thầy giỏi thì sẽ dạy bằng bảng và phấn.

"Cách đây ít lâu, tôi được xem video bài giảng của GS Vũ Hà Văn (Trường ĐH Yale, Mỹ) thực hiện ở Viện Toán học VN. Đó là bài giảng GS Văn thực hiện trước hội trường đông người dự, vừa giảng, GS vừa viết lên bảng. Dưới video đó có nhiều bình luận tỏ ra thích thú, một số bình luận đánh giá cao người có thể diễn giải các vấn đề trên bảng như vậy. Tôi thấy tâm lý chung của người học là thích và cho rằng họ dễ theo dõi hơn khi thầy dạy bằng phấn, bảng. Bởi vậy, các kỳ sau tôi cũng sẽ cố gắng chuyển dần hết buổi giảng sang trình bày trên bảng", tiến sĩ Huy nói.

Kết quả học tập theo B-learning và truyền thống

Thống kê của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội về kết quả học tập theo hình thức dạy học B-learning cho thấy tương đương với dạy học truyền thống. Điểm tổng kết trung bình của một số học phần khi chưa áp dụng B-learning là 6,504; khi áp dụng dạy học B-learning là 6,496. Tỷ lệ trung bình đạt chuẩn đầu ra học phần trước và sau khi áp dụng cũng tương đương, tương ứng là 81,6% và 82,42%. "Đáng chú ý, kết quả này có thể được cải thiện nếu SV chủ động rèn luyện những nội dung của bài học đã cung cấp trên hệ thống", tiến sĩ Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Thanh Niên

  • Thứ Hai, 09:10 08/05/2023

Các bài đã đăng

Rực rỡ mùa Hiến chương - Hàng loạt hoạt động tri ân đặc sắc chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Rực rỡ mùa Hiến chương - Hàng loạt hoạt động tri ân đặc sắc chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Thứ Tư, 16:30 20/11/2024
Lời tri ân gõ cửa ngày 20/11

Lời tri ân gõ cửa ngày 20/11

Thứ Hai, 12:00 18/11/2024
HaUI phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao cùng Samsung Electronics Việt Nam

HaUI phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao cùng Samsung Electronics Việt Nam

Thứ Ba, 20:56 12/11/2024
Job Fair 2024 – Mang nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn đến với sinh viên ngành Công nghệ thông tin

Job Fair 2024 – Mang nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn đến với sinh viên ngành Công nghệ thông tin

Chủ Nhật, 13:04 10/11/2024
Hơn 1000 xe máy được chăm sóc, bảo dưỡng miễn phí tại ngày hội Uni Care Day

Hơn 1000 xe máy được chăm sóc, bảo dưỡng miễn phí tại ngày hội Uni Care Day

Thứ Tư, 15:40 06/11/2024
Giới thiệu ngành Kỹ thuật cơ khí động lực

Giới thiệu ngành Kỹ thuật cơ khí động lực

Thứ Sáu, 11:59 05/05/2023
Giới thiệu ngành Kỹ thuật sản xuất thông minh

Giới thiệu ngành Kỹ thuật sản xuất thông minh

Thứ Tư, 10:44 03/05/2023
Giới thiệu ngành Ngôn ngữ học

Giới thiệu ngành Ngôn ngữ học

Chủ Nhật, 16:41 30/04/2023
Giới thiệu ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh

Giới thiệu ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh

Thứ Sáu, 11:02 28/04/2023
Giới thiệu ngành Hóa dược

Giới thiệu ngành Hóa dược

Thứ Tư, 08:18 26/04/2023

Tin tiêu điểm

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Thứ Tư, 14:52 06/07/2022
Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Thứ Tư, 14:26 06/07/2022
Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Thứ Ba, 13:25 14/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

Thứ Sáu, 19:15 03/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

Thứ Năm, 19:20 02/06/2022