Tọa đàm ChatGPT và Công nghệ AI trong Giáo dục đào tạo
Sáng ngày 11/6, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Tọa đàm “ChatGPT và Công nghệ AI trong giáo dục đào tạo”. Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS.Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng chuyên gia công nghệ, nhà nghiên cứu, cán bộ, giảng viên và các bạn sinh viên quan tâm tới chương trình.
Tọa đàm ChatPGP và Công nghệ AI trong giáo dục đào tạo
Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: ChatGPT ra đời 11/2022 đến cuối tháng 1/2023 đã tạo nên một kỷ lục với hơn 100 triệu người dùng. Trong khi Facebook phải mất gần 2 năm, Tiktok cần 9 tháng, Instagram mất tới 2,5 năm, ứng dụng Google dịch mất hơn 6 năm mới đạt 100 triệu người dùng.
PGS.TS.Phạm Văn Đông - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Tọa đàm
Nhận thức rõ cơ hội và thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục đào tạo, PGS.TS.Phạm Văn Đông nhấn mạnh: Bất kỳ công nghệ mới nào cũng có những vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là trong đào tạo. Tọa đàm hôm nay được tổ chức, nhằm giúp cán bộ, giảng viên nhà trường hiểu hơn về ChatGPT và AI, để từ đó sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu được tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tích cực của ChatGPT và AI đối với giáo dục nói chung và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói riêng.
Tọa đàm gồm 2 chủ đề được trình bày: Nguyên lý hoạt động của các mô hình ngôn ngữ lớn và ChatGPT - GS.TS.Nguyễn Lê Minh (Viện JAIST, Nhật Bản) và Ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn, chat GPT trong thực tế - các vấn đề rủi ro và thách thức - PGS.TS.Nguyễn Xuân Hoài (AI Academy Vietnam).
GS.TS.Nguyễn Lê Minh với bài trình bày Nguyên lý hoạt động của các mô hình ngôn ngữ lớn và ChatGPT với những nội dung như: phân biệt giữa học sâu và học máy, nguyên lý xử lý ngôn ngữ tự nhiên, sự ra đời của chat GPT ...
Ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn, ChatGPT trong thực tế - các vấn đề rủi ro và thách thức - PGS.TS.Nguyễn Xuân Hoài (AI Academy Vietnam)
Trong chuyên đề trình bày, PGS.TS.Nguyễn Xuân Hoài đưa đến 4 nội dung cụ thể: Ứng dụng ChatGPT - góc độ kỹ thuật; Nhìn nhận ChatGPT/AI dưới nhiều góc độ; Một số ứng dụng của AI trong giáo dục; Sử dụng ChatGPT trong giáo dục đại học.
Diễn giả Nguyễn Xuân Hoài gợi ý những nội dung của ChatGPT và AI để phục vụ công việc học tập như: tóm tắt, tìm kiếm thông tin; tạo dựng các bài luận, các slide thuyết trình; kiểm tra đạo văn; chỉnh sửa lỗi tự động; phân tích dữ liệu học tập và cảnh báo; gợi ý lộ trình học tập cá nhân hóa…
TS.Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm: Trí tuệ nhân tạo AI đã và đang gây tiếng vang lớn, cũng như có tiềm năng tạo sự ảnh hưởng sâu rộng đến nhân loại. Khoa CNTT cũng đã bắt kịp xu thế, có sự quan tâm tới AI và ChatGPT để đào tạo ra những kỹ sư trẻ có kiến thức, kỹ năng và thích ứng nhanh với yêu cầu của thời đại.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Hiếu - AI Academy Vietnam trình bày demo ChatGPT ứng dụng trong việc dạy và học tại đại học
Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến quan tâm, khẳng định vị trí của công nghệ trí tuệ nhân tạo đang có mặt trong cuộc sống của chúng ta và trở thành một phần thiết yếu của nền văn minh nhân loại. Chúng ta cần đón nhận những sản phẩm công nghệ như là thành tựu của trí tuệ nhân loại và coi nó như một công cụ phục vụ con người.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Chủ Nhật, 14:51 11/06/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội