Trường Ngoại ngữ Du lịch: 1 năm với những kết quả quan trọng
Sáng ngày 10/1/2023, Trường Ngoại ngữ Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Sơ kết 01 năm thí điểm thành lập trường Ngoại ngữ - Du lịch. PGS.TS.Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì buổi Sơ kết.
Trường Ngoại ngữ - Du lịch được thành lập ngày 02 tháng 12 năm 2022, trên cơ sở sáp nhập và phát triển Khoa Ngoại ngữ và Khoa Du lịch. Sau một năm hoạt động, bên cạnh những tồn tại và khó khăn, Trường Ngoại ngữ - Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong quá trình tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ nhằm đảm bảo đạt mục tiêu của Đề án đã đề ra.
TS.Hoàng Ngọc Tuệ - Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ - Du lịch trình bày báo cáo tại buổi Sơ kết
Trong báo cáo trình bày tại buổi sơ kết, TS.Hoàng Ngọc Tuệ - Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ - Du lịch đã tổng kết 08 nội dung quan trọng về: Công tác tổ chức, nhân sự và đào tạo bồi dưỡng; Công tác đào tạo; Hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, hỗ trợ việc làm cho sinh viên; Công tác thanh tra, khảo thí và đảm bảo chất lượng; Công tác nghiên cứu khoa học; Công tác giáo trình; Công tác quản lý hệ thống EOP và công tác truyền thông.
Cụ thể theo báo cáo, năm 2022 Trường NN - DL đã thực hiện mở mới 01 ngành trình độ thạc sĩ (Ngôn ngữ Trung Quốc); 02 ngành trình độ đại học (Trung Quốc học, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống), 3 CTĐT bằng Tiếng Anh, 2 chương trình đào tạo liên kết 2+2 với nước ngoài, 1 chương trình đào tạo từ xa. Tính tại thời điểm 31/12/2022, tổng quy mô đào tạo của trường NN-DL là 3,878 sinh viên trong đó đại học chính quy chiếm 98,3%.
Sơ đồ tổ chức Trường Ngoại ngữ - Du lịch
Theo TS.Hoàng Ngọc Tuệ, xác định mục tiêu tổ chức thực hiện đào tạo theo định hướng ứng dụng thực hành, Trường NN - DL đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ bồi dưỡng năng lực, kĩ năng, giới thiệu tham quan, kiến tập, thực tập, việc làm cho SV: Thực hiện ký MOU với 35 doanh nghiệp (27 trong nước, 8 nước ngoài); Tổ chức 15 buổi hội thảo/tọa đàm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên với 529 lượt sinh viên tham gia…, tiếp nhận tài trợ thiết bị, kinh phí thực tập, đào tạo, học bổng từ các tập đoàn, doanh nghiệp với tổng số tiền là hơn 4 tỷ đồng; tiếp nhận 04 chuyên gia nước ngoài từ các tổ chức quốc tế đến giảng dạy tại trường; phối hợp tổ chức 02 hội thảo quốc tế….
PGS.TS.Lê Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu tại Hội nghị
Đề xuất chuyển đổi mô hình quản trị và một số hoạt động của Trường NN - DL, báo cáo nêu rõ: Nhà trường cần chú trọng công tác đào tạo cán bộ nguồn cho các Trường trong tương lai; Trường NN - DL tiếp tục làm việc cụ thể với các đơn vị đầu mối HaUI để thực hiện phân cấp quản lý theo các mặt hoạt động, bao gồm cả phân quyền trên đại học điện tử; Bổ sung nhân sự quản lý cho Ban Giám hiệu, Phòng ĐT….; Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên; Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho khối ngành ngôn ngữ, du lịch ; Đầu tư CSVC thiết yếu; Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm, hướng nghiệp-khởi nghiệp cho sinh viên.
Khẳng định sự đúng đắn khi phát triển mô hình trường trong trường, thông qua việc thành lập thí điểm trường NN - DL, PGS.TS.Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chúc mừng thành công bước đầu của đề án. Sau hơn 1 năm vận hành trường NN DL, một số kết quả ban đầu trong 8 nội dung đã có sự thành công nhất định, thay đổi phần lớn nhận thức của người lao động về một mô hình quản lý đánh giá mới.
PGS.TS.Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại Sơ kết
PGS.TS.Trần Đức Quý đánh giá cao sự quyết liệt, dũng cảm của lãnh đạo, cán bộ quản lý Trường NN - DL khi thực hiện đề án, và đề nghị trong thời gian tới cần: (1) Tiếp tục kiên định vận hành mô hình trường trong trường theo quy định của pháp luật và theo định hướng, nguyên tắc của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; (2) Chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật để sau 2 năm tới, tiếp tục tổ chức đánh giá, tổng kết mô hình; (3) Bổ sung nhân sự và bồi dưỡng cán bộ, chuyên viên cho cả phòng và khoa; (4) Tiếp tục nghiên cứu phân cấp cụ thể một số công việc và lĩnh vực cho Trường NN - DL như đào tạo, tài chính kế toán, hợp tác doanh nghiệp, công tác sinh viên...; (5) Hệ thống đảm bảo chất lượng cần thống nhất, liên thông, phân quyền thống nhất theo từng gia đoạn; Phối hợp với TT Hợp tác Doanh nghiệp Nhà trường để có sự phát triển đột phá cả chiều rộng lẫn chiều sâu về Hợp tác doanh nghiệp; (6) Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cần có kế hoạch làm việc định kỳ, chi tiết để tiếp tục định hướng phát triển trường NN - DL phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Thứ Ba, 14:20 10/01/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội