(GDVN) - Sau khi đi học tiến sĩ bên Úc, thầy Hoàng Ngọc Tuệ - Trưởng khoa Ngoại ngữ (Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã có nhiều thay đổi trong tư duy đào tạo ngoại ngữ.
Trăn trở nhiều về việc dạy và học ngoại ngữ ở trường đại học hiện nay, tuy nhiên, sau khi đi học tiến sĩ tại Úc về, thầy Hoàng Ngọc Tuệ mới tìm thấy được hướng đi trong việc đổi mới đào tạo ngoại ngữ tại nơi mình công tác.
Học hỏi được những kiến thức mới mẻ từ nước bạn, thầy Tuệ đã mạnh dạn đề xuất một Đề án mang tên “Ứng dụng phương pháp học kết hợp trong đào tạo Tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp” lên Ban lãnh đạo nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo ngoại ngữ.
Theo đó, thầy đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giảng viên trong trường.
Thầy cho biết: “Thay đổi từ chính những giáo viên là điều quan trọng nhất. Trong đó, cần phải thay đổi từ quan điểm nhận thức của giáo viên cho đến năng lực”.
Thay vì việc truyền thụ kiến thức một chiều, đào tạo theo kiểu luyện những kiến thức về nghe-nói-đọc-viết, những mẹo để làm bài thi như trước đây thì nay các giáo viên cần xác định rằng cần đào tạo ra những sinh viên có “năng lực ngoại ngữ” gắn với ngành nghề mình được đào tạo.
Điều này có nghĩa là sinh viên có cả kiến thức và kĩ năng để có thể sử dụng được ngoại ngữ trong công việc sau này.
Thầy Hoàng Ngọc Tuệ , Tiến sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp Hà Nội, (Ảnh: Vương Thủy) |
Bản thân các giảng viên của trường cũng được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực trình độ.
Các thầy cô giáo cũng liên tục cập nhật công nghệ giảng dạy, đưa những ứng dụng về công nghệ thông tin vào trong quá trình giảng dạy.
Các giảng viên trong khoa đã cùng nhau làm ra những video clip rồi đăng lại lên website để các sinh viên có thể nắm lại những kiến thức cơ bản mà mình từng học, tạo nên thói quen tự học tự nghiên cứu ở nhà cho sinh viên.
Đồng thời, tận dụng tối đa thời gian giảng dạy ở trên lớp để sinh viên có cơ hội được thực hành, được giao tiếp, trình bày suy nghĩ ý tưởng của mình bằng chính ngôn ngữ mình đang học để các em hình thành phản xạ ngôn ngữ, chứ không đơn giản chỉ là nghe và học theo băng.
Giới thiệu về những điều tâm huyết trong Đề án của mình, thầy Tuệ chia sẻ: “Khoa ngoại ngữ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xác định đưa phương pháp kết hợp vừa giảng dạy trên lớp vừa để sinh viên tự học qua những tài liệu trên mạng mà các giáo viên cung cấp.
Giáo viên tổ chức giảng dạy, thiết kế lại chương trình và truyền cảm hứng để sinh viên cùng tham gia”.
Xác định người học cũng cần phải được thay đổi tâm thế trong đào tạo, thầy Tuệ đã định hướng mở ra cộng đồng ngoại ngữ cho các em sinh viên.
Theo đó, câu lạc bộ ngoại ngữ được tổ chức thường xuyên với sự giám sát chặt chẽ từ phía giáo viên để các em đi đúng hướng. Tính đến nay, câu lạc bộ cũng đã thu hút đến khoảng 3000 sinh viên tham gia.
Nhà trường cũng bố trí xe đưa đón các thầy cô di chuyển từ Hà Nội đến cơ sở của trường tại Hà Nam để hỗ trợ các sinh viên.
Mô hình gia sư cũng được hình thành để các bạn học giỏi có thể giúp các bạn học yếu hơn cùng tiến bộ.
Để tạo điều kiện học tập hiệu quả nhất, thầy Tuệ cũng đã đề xuất thực hiện chia nhỏ các lớp tiếng Anh xuống khoảng 25-30 sinh viên/ lớp.
Sinh viên buộc phải tự tìm hiểu, tự học online ở nhà trước khi đến lớp.
Thầy Tuệ cho biết: “Đặc thù sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là các sinh viên ngành kĩ thuật, kiến thức ngoại ngữ đầu vào còn kém, đặc biệt các em sinh viên ở nông thôn thường có tâm lý nhút nhát, thụ động.
Vì vậy, cần hướng đến việc yêu cầu sinh viên nâng cao trình độ bằng hai cách:
Một là bắt buộc sinh viên phải đạt được một điểm số nhất định. Hai là xây dựng các câu lạc bộ phối hợp với đoàn thanh niên, sinh viên chuyên ngành, các sinh viên khá giỏi để kêu gọi các bạn sinh viên tham gia cùng nâng cao năng lực ngoại ngữ.”
Gian nan những ngày đầu mở đường
Kể về những ngày đầu sơ khai trình bày về Đề án, thầy Tuệ chia sẻ rằng cũng có một số giảng viên chưa hứng thú với việc đổi mới vì vẫn mang tâm lý muốn được ổn định, an nhàn.
Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào từng bài giảng, thay đổi chương trình, phương pháp dạy và học cũng như yêu cầu chuẩn đánh giá khảo thí... cũng là những vấn đề đặt ra cần cân nhắc thật kĩ.
Tuy nhiên, trước thực trạng cần phải đảm bảo chất lượng ngoại ngữ đầu ra cho sinh viên và tính khả thi của Đề án, thầy Tuệ được nhà trường tạo điều kiện và những giảng viên có tư tưởng tiến bộ ủng hộ.
Từ đó, thầy tập trung kêu gọi các đơn vị như Hội đồng Anh, Đại sứ quán Hoa Kỳ… hỗ trợ cử tình nguyện viên đến bồi dưỡng năng lực cho các giảng viên.
Những giảng viên khi được bổ sung những phương pháp giảng dạy mới từ các chuyên gia đều bày tỏ sự thích thú.
Thầy Hoàng Ngọc Tuệ(đứng giữa) và các thầy cô giáo trong khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Vương Thủy) |
Sau khi được tham gia các khóa bồi dưỡng với chuyên gia nước ngoài và được trải qua các kì thi đánh giá năng lực trình độ như IELTS, các giảng viên tiếng Anh tại khoa càng tự tin hơn bởi chuyên môn vững chắc.
Từ đó, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong chính các giảng viên để truyền đạt những kiến thức hữu ích cho sinh viên.
Nhận thức được những tác động tích cực bước đầu của Đề án, rất nhiều giáo viên cũng đã đồng thuận tham gia nỗ lực cùng lãnh đạo khoa hướng đến đổi mới giáo dục.
Theo thầy Tuệ, “việc thay đổi thái độ của giáo viên là quan trọng nhất, bởi họ thực sự yêu thích và tâm huyết mới có thể truyền cảm hứng tới sinh viên, từ đó tạo ra những đổi mới trong việc đào tạo ngoại ngữ.”
Những ý tưởng đổi mới không ít người đã đưa ra tuy nhiên để áp dụng triển khai được thì đó cũng quả là một chặng đường đầy gian nan và vất vả.
Huy động sự đồng tâm, đồng lòng từ phía tập thể giáo viên
Ngay vào thời điểm những ngày tháng 7 này, khi đa số trường học, giáo viên đều được nghỉ hè thì tại khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày nào các phòng cũng tập trung đông các nhóm thầy cô.
Được biết, thời gian sinh viên nghỉ hè cũng là lúc các thầy cô đánh giá lại chương trình đã triển khai và tiếp tục cập nhật đổi mới để chuẩn bị cho học kì sắp tới.
Thậm chí, có những ngày lễ cả nước được nghỉ nhưng đúng vào lịch làm việc của chuyên gia nước ngoài, các thầy cô vẫn sẵn sàng tham gia.
Vất vả là thế nhưng các giảng viên nơi đây vẫn tươi rói nụ cười trên môi, những ánh mắt vẫn sáng lên lấp lánh kì vọng vào những đổi mới nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên của mình.
Gắn bó với thầy Tuệ từ thời bắt đầu vào trường, thầy Trần Ngọc Đức, Phó khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết:
“Thầy Tuệ tâm huyết với việc đổi mới đào tạo tiếng Anh từ lâu lắm rồi. Trước đề án của thầy Tuệ, nhà trường cũng đã áp dụng nhiều đề án khác nhưng đều đưa ra kết luận là chưa đáp ứng được, do chưa phù hợp với đối tượng sinh viên trong trường”.
Đề án của thầy Tuệ hướng đến các sinh viên theo từng chuyên ngành, các em được học những kiến thức và kĩ năng liên quan ngay đến những bài giảng đang được dạy và hướng đến đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bản thân các giáo viên cũng phải chủ động tự mình đi đến các doanh nghiệp để lắng nghe, phát những bảng hỏi khảo sát để nắm được điều mà doanh nghiệp đang cần ở sinh viên ra trường.
Cô Lê Thị Hương Thảo, một trong những giảng viên trực tiếp đi đến doanh nghiệp khảo sát cho biết:
“Nhiều doanh nghiệp đánh giá rất cao những nỗ lực của trường, bởi thực tế họ chưa thấy có giảng viên nào đến tận nơi để tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp đối với yêu cầu đào tạo ngoại ngữ như tại trường”.
Thực hiện đổi mới đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng lên, tuy nhiên, những chỉ đạo của thầy Tuệ lại được đông đảo giảng viên hết sức ủng hộ.
Chia sẻ thêm về cách quản lý của thầy Hoàng Ngọc Tuệ, cô Trần Thị Kim Huệ, một trong các Trưởng Bộ môn của khoa cho biết:
“Thầy Tuệ có cách làm việc rất nhẹ nhàng mà lại quyết đoán. Thầy cũng rất biết cách quan tâm, động viên chia sẻ đến các anh chị em trong khoa”.
Tuy công việc vất vả nhưng khoa vẫn cố gắng bố trí để các giảng viên có được một chuyến đi dã ngoại khoảng 1-2 ngày, mời theo cả người thân của các giảng viên.
Chuyến đi cũng là cơ hội để lãnh đạo khoa chia sẻ tâm tư với “chàng rể”, “nàng dâu” của khoa để có thể thấu hiểu và hỗ trợ ủng hộ công việc của các thầy cô trong khoa.
“Với nhân sự gần 200 giảng viên mà chưa đến 10 người là nam, việc quản lý cũng khá khó khăn nhưng thầy Tuệ luôn tạo ra không khí cởi mở, thân thiện, khuyến khích chia sẻ.
Thầy cũng biết cách truyền cảm hứng đến các giảng viên, có những chỉ đạo sát sao cần thiết và cũng rất dân chủ”, nữ giảng viên trẻ Hương Thảo chia sẻ.
Những trái ngọt đầu mùa
Khơi gợi niềm cảm hứng từ cán bộ, giảng viên tạo nên một không khí học tập cho các sinh viên.
Bản thân các giáo viên cũng nhận thấy sự hứng khởi trong việc học của sinh viên từ những thay đổi về phương pháp dạy và học cũng như đánh giá khảo thí từ những đơn vị hỗ trợ như Hội đồng Anh.
Sau mỗi kì học, các thầy cô đều đưa ra những đánh giá, khảo sát để sinh viên thấy được năng lực của mình đang ở trình độ nào. Qua đó, thầy cô cũng có những điều chỉnh bài giảng cụ thể.
Bởi sâu sát với từng học viên như thế nên sau 4 kì thực hiện, nhiều giáo viên và sinh viên chia sẻ được tiếp thêm tình yêu dành cho ngoại ngữ và tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Việc tạo ra môi trường giao tiếp thật giúp sinh viên nâng cao trình độ rất nhanh. Nhiều sinh viên đi thực tập tại các công ty dịch thuật ra trường được giữ lại làm việc.
Bày tỏ sự hào hứng khi được tham gia và trở thành một trưởng nhóm trong Câu lạc bộ tiếng Anh của trường, em Lê Tiến Trung, sinh viên lớp Tự động hóa 3, khóa 10 chia sẻ:
“Việc tham gia câu lạc bộ từ năm thứ nhất đã giúp em tiến bộ rất nhiều trong việc học tiếng Anh và bổ sung nhiều kĩ năng mềm”.
Tiến Trung cho biết các sinh viên được tự làm những điều mình yêu thích, đề xuất với các thầy cô những chủ đề, những hoạt động online, offline…
“Vì được học trực tiếp nên em cảm thấy mình tiến bộ rất nhanh. Khi mới vào trường em vẫn còn bỡ ngỡ với những giao tiếp cơ bản nhưng sau một thời gian được các anh chị khóa trên chỉ bảo, em cảm thấy tự tin hơn khi nói tiếng Anh”, Trung chia sẻ thêm.
Những thay đổi đáng kể này cũng được chính lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ghi nhận. Đầu năm 2017, nhà trường đã giới thiệu đề xuất thầy Hoàng Ngọc Tuệ vào danh sách tấm gương cán bộ, giáo viên tiêu biểu gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Là đồng nghiệp đồng thời là người bạn đời của thầy Tuệ, cô Trần Thị Duyên chia sẻ: “Ngày đồng chí Tuệ về nước khi đó mình vẫn học bên Úc, mình cảm thấy đồng chí có nhiều thay đổi. Vợ chồng xa cách, mình cũng thấy lo lắng. Sau này mới biết rằng do đồng chí quá mải mê với dự án này mà không có nhiều thời gian cho gia đình”.
Cô Duyên cũng chân thành tiết lộ thêm, dù có nhiều nơi mời cô về công tác nhưng một phần vì muốn tri ân nhà trường một phần vì muốn sát cánh cùng ông xã nên cô vẫn quyết định ở lại để cùng bước trên con đường đổi mới đào tạo ngoại ngữ vẫn đang còn nhiều việc phải làm phía trước.
Vương Thủy - Báo giáo dục việt nam
Thứ Năm, 09:55 20/07/2017
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội