ĐH Công nghiệp Hà Nội chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu nhân lực CMCN 4.0
Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học.
Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Nguồn: HaUI)
Xây dựng lộ trình đổi mới quá trình đào tạo phù hợp cách mạng 4.0
Nằm trong nhóm trường sớm thực hiện chuyển đổi số ở khu vực phía Bắc, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) đã thu được những thành tựu bước đầu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được lợi thế trong cạnh tranh và xác lập thương hiệu, uy tín cao trong xã hội.
Theo TS. Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, quá trình phát triển của chuyển đổi số gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 - Số hóa (Digitization), Giai đoạn 2 - Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ (Digitalization) và Giai đoạn 3 - Chuyển đổi số (Digital transformation). Từ trước năm 2016, chương trình đào tạo của trường được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình sẵn có; 100% chương trình đào tạo đã tích hợp kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
Từ năm 2016, HaUI đã áp dụng tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate: Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Thực thi - Vận hành các sản phẩm/hệ thống/quy trình/dự án…) trong phát triển các chương trình đào tạo. Theo đó, chương trình đào tạo được thiết kế, vận hành bám sát theo chuẩn đầu ra vừa đáp ứng tính chuyên môn cao nhất định, vừa đáp ứng yêu cầu nền tảng rộng, liên ngành và các kỹ năng mềm như tư duy hệ thống, năng lực sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Tới năm 2017, khung các chương trình đào tạo được quản lý trên Hệ thống Đại học điện tử và năm 2020, quy trình thiết kế, phát triển chương trình đào tạo thực hiện trên Hệ thống Đại học điện tử. Từ năm 2000, giảng viên HaUI soạn nội dung bài giảng dạng slides, video clips, đào tạo trực tuyến 90% các học phần để ứng phó với đại dịch Covid-19; hoàn thiện phân hệ đào tạo kết hợp trong đại học điện tử.
Ngoài ra, nhà trường đã không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo. Đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp (blended learning - kết hợp đào tạo trực tuyến với đào tạo truyền thống) đã được triển khai rộng rãi đối với các môn học chung ở phần giáo dục đại cương như Ngoại ngữ, Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin,…
Sinh viên được thực hành trên những thiết bị hiện đại (Nguồn: HaUI)
Đại học điện tử - Đại học thông minh
Từ nhiều năm qua, xác định vai trò của quản lý đến việc nâng cao chất lượng toàn diện trong nhà trường, hiệu lực và hiệu quả các hoạt động quản lý đã được trường HaUI đặc biệt quan tâm. Cụ thể, nhà trường đã xây dựng thành công hệ thống đại học điện tử hướng tới mục tiêu xây dựng đại học thông minh. Hệ thống đại học điện tử đã thực hiện chức năng quản trị toàn diện các hoạt động của nhà trường, từ cơ sở vật chất, tài chính tài sản, nhân sự, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu hợp tác, hoạt động quản lý sinh viện, hoạt động giáo dục quốc phòng an ninh,… Trên cơ sở xây dựng thành công mô hình đại học điện tử, Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện chuyển đổi số, hướng tới việc xây dựng, phát triển mô hình đại học thông minh trong tương lai.
Về công tác tuyển sinh, HaUI đã đẩy nhanh việc sử dụng công cụ phần mềm để tổ chức thi và xét tuyển; quảng bá đầy đủ thông tin tuyển sinh trên website, quảng bá tuyển sinh qua Facebook, Youtube, tư vấn tuyển sinh bằng Facebook mang lại hiệu quả cao (60.000 - 65.000 thí sinh đăng ký xét tuyển/năm). Đồng thời, tổ chức, quản lý quy trình nghiệp vụ tuyển sinh trên Hệ thống đại học điện tử một cách toàn diện từ đăng ký xét tuyển, xác nhận nhập học đến nhập học trực tuyến hoàn toàn.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang và sẽ tạo ra những bước đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực chất lượng cao, theo đó, đòi hỏi sự thay đổi về trình độ và năng lực của người lao động tại các doanh nghiệp. Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất đến quản lý, điều hành; hoàn thiện các chức năng, phân hệ của Hệ thống Đại học điện tử để áp dụng toàn diện, đồng bộ trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới; chú trọng giáo dục cho sinh viên những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.
Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương
Thứ Tư, 08:02 02/06/2021
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội