Hành trình tri ân về nguồn xúc động và tự hào
Trong những ngày tháng 3, tháng 4 lịch sử, đoàn cán bộ, đảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện những hành trình về nguồn, để tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, để thăm lại những mảnh đất hào hùng, khói lửa nhưng đầy bất khuất, kiên trung như một minh chứng hào hùng của lịch sử… Mỗi hành trình, một điểm đến khác nhau, nhưng tất cả đều xúc động, tự hào.
Hành trình tri ân về “miền đất lửa”, dải đất miền Trung anh hùng
Hành trình “tri ân-về nguồn” của cán bộ, đảng viên do TS.Kiều Xuân Thực, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn, đã rất ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới. Trở về với miền trung, với Ngã ba Đồng Lộc, Sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp,...; Tất cả đều xúc động khi nhắc đến miền trung-nhớ mãi dải đất thiêng.
Vượt qua hơn 500 km, điểm đến đầu tiên trong hành trình về nguồn là mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình). Đứng trước khu mộ Đại tướng, các thành viên trong đoàn được tới gần hơn một con người vĩ đại, được kính cẩn dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn với vị tướng tài ba, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con anh hùng của dân tộc.
Đoàn xem phim tư liệu lịch sử, dâng hương và tham quan tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị - địa danh đã in đậm trong tâm thức của biết bao người dân Việt Nam. Mảnh đất ấy đã đi vào lịch sử, được nhắc đến nhiều lần với cuộc chiến 81 ngày đêm “mùa hè đỏ lửa năm 1972”.
Rời Thành cổ Quảng Trị, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, Đoàn cán bộ, đảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn-nơi yên nghỉ của những người con Đất Việt đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả. Nghi lễ dâng hoa và thắp hương đã được thực hiện trong không khí trang nghiêm và xúc động. Đồng chí Kiều Xuân Thực, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đã gióng lên hồi chuông thể hiện lòng thành kính, cùng những lời tri ân đến tất cả các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đoàn đến thăm và dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong nhiều năm khai mở, chiến đấu, giữ vững và phát triển đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.
Đoàn tới dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ thanh niên xung phong trong cả nước, khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc và Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc. Thắp nén nhang trên Đài tưởng niệm, các thành viên trong đoàn nguyện cầu cho linh hồn những người lính “mãi mãi tuổi hai mươi” được siêu thoát, trở thành bất tử, để chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất này, mảnh đất mà họ đã phải đổi bằng xương, bằng máu để gìn giữ vẹn nguyên cho thế hệ mai sau.
Chuyến hành trình về nguồn của cán bộ, đảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội do PGS.TS. Phạm Văn Bổng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn, hướng về với Khu di tích Cố đô Hoa Lư, Khu di tích LamKinh, Thành nhà Hồ, Khu di tích Truông Bồn và Cụm di tích Nguyễn Du.
Khám phá Cố đô Hoa Lư - kinh đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên, nơi đây còn lưu giữ những dấu tích lịch sử - văn hóa với hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hang động cùng hàng nghìn di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.
Đoàn cán bộ, đảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm nhang và dành thời gian thăm quan di tích Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình
Rời vùng đất Hoa Lư, đoàn tiếp tục chuyến hành trình đến với Khu di tích Lam Kinh(huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá)và Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Khu di tích Lam Kinh đã lưu giữ cả những câu chuyện truyền thuyết mang đầy màu sắc huyền bí của một triều đại Hậu Lê – triều đại phong kiến được coi là hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Còn Thành Nhà Hồ, tuy không phải công trình duy nhất trong nước và khu vực có lối kiến trúc bằng đá, nhưng Thành Nhà Hồ luôn được coi là minh chứng “vô tiền khoáng hậu” về kỹ thuật xây dựng khác biệt, độc đáo.
Về với dải đất miền Trung xứ Nghệ, Truông Bồn được ví như “tọa độ lửa” có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khu di tích lịch sử Truông Bồn như một chứng tích hào hùng của thanh niên xung phong, một biểu tượng của tinh thần Việt Nam anh dũng, kiên trung. Với Truông Bồn, sự tàn bạo của kẻ thù càng thổi bùng lên ý chí quyết thắng; sự tình nguyện chiến đấu và hy sinh đến phút cuối cùng đã để lại một thương tiếc không nguôi và mãi mãi xúc động lòng người.
Đoàn đến thăm Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn
Khép lại chuyến hành trình về nguồn, PGS.TS. Lê Hồng Quân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường làm trưởng đoàn cán bộ, đảng viên trong chương trình về thăm Thủy điện Hòa Bình;Nhà tù Sơn La và đặc biệt là về với chiến trường lịch sử Điện Biên Phủ, Viếng nghĩa trang Liệt sĩ đồi A1;Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trong những ngày tháng 4 lịch sử ý nghĩa này
Đến nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đoàn được giới thiệu thăm quan các tổ máy phát điện, dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ, thăm nhà truyền thống … để hiểu và trân trọng giá trị lịch sử và những cố gắng xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, một trong những công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Vào những năm 1930, Thực dân Pháp lợi dụng nơi "rừng thiêng nước độc" để xây dựng nhà tù và biến Nhà tù Sơn La thành "địa ngục trần gian" để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam. Vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm, thắm tình đồng chí của những bạn tù. Từ “địa ngục trần gian”, những tia sáng cách mạng đã lan tỏa khắp vùng núi rừng Tây Bắc. Nơi đây đã đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng, cho dân tộc Việt Nam.
Đoàn cán bộ thăm quan,chụp ảnh tại Nhà tù Sơn La
Hòa trong không khí hào hùng chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn đã tới đặt vòng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ A1 để tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Cảm xúc trang nghiêm, lắng đọng tự hào, cả đoàn người im lặng hòa với không gian, tưởng nhớ về một thời hào hùng, bi tráng. Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “thiên sử vàng” và “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20....
Khoác trên mình màu áo cờ đỏ sao vàng, đoàn cán bộ, đảng viên kính cẩn trang nghiêng thắp nén tâm nhang, xúc động cùng lắng nghe những câu chuyện về một thời hào hùng lịch sử, về 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm,cơm vắt… Tất cả đều được tái hiện sinh động, minh chứng cho một sự kiện lịch sử vĩ đại, một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Chuyến hành trình về nguồn, về với những địa chỉ đỏ cách mạng, về với những những địa danh đã đi vào lịch sử như những tượng đài kiên trung, trường tồn…ai ai cũng dâng trào cảm xúc nghẹn ngào. Không chỉ là tri ân những người đã hy sinh trên mảnh đất anh hùng, mà hoạt động ý nghĩa của đoàn cán bộ, đảng viên Đại học Công nghiệp Hà Nội còn nuôi dưỡng, khơi dậy trong lòng mỗi người tình yêu lớn với dải đất hình chữ S, làm nhiều hơn, tốt hơn, khơi dậy khát vọng cống hiến nhiều hơn, to lớn hơn, đóng góp cho công cuộc gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ Nhật, 22:40 14/04/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội