Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các trường Đại học, Cao đẳng
Sáng ngày 31/5, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Ban Dân vận thành ủy-UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các trường đại học, cao đẳng.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị, về phía Ban Dân vận TW có đồng chí Nguyễn Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước; về phía Thành ủy Hà Nội có đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy; đồng chí Nguyễn Doãn Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố; đồng chí Lê Hồng Sơn - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội; đồng chí Phùng Văn Dũng - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy. Về phía Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy khối.
Đoàn chủ trì Hội nghị
Tham dự Hội nghị, còn có các đồng chí: Lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND TP.Hà Nội, Lãnh đạo các phòng, ban Dân vận Thành ủy; đại diện lãnh đạo các Đảng ủy khối, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy; đại diện lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm; phòng PA03; các đồng chí Thường vụ Đảng ủy khối, Ban Thường vụ Đảng ủy khối, BCH Đảng bộ khối; Bí thư, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Khối.
Về phía Đại học Công nghiệp Hà Nội, có đồng chí PGS.TS.Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS.Lê Hồng Quân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cùng Ban Giám hiệu, Đảng ủy, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường.
Đồng chí Nguyễn Doãn Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy phát biểu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Doãn Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của thành phố cho biết: Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội, UBND Thành phố, Ban Dân vận Thành ủy và ĐUK các trường ĐH, CĐ Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, các Nghị định của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các trường.PGS.TS.Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị
Trình bày tham luận “Phát huy dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong đổi mới quản trị Đại học” tại Hội nghị, PGS.TS.Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Phát huy dân chủ, nâng cao năng lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong đổi mới quản trị đại học sẽ quyết định đến sự phát triển đúng hướng, bền vững của mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng như vị thế, giá trị của cơ sở giáo dục đại học đó đối với Nhà nước, xã hội, người học. Trong quá trình đổi mới quản trị đại học, phát huy dân chủ, sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa quyết định đến thành công/thất bại của quá trình này. Đồng thời, bản thân tổ chức đảng ở cơ sở giáo dục đại học phải không ngừng tự nâng cao phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, trí tuệ của mình để thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo đổi mới quản trị đại học ở cơ sở giáo dục đại học.
PGS.TS.Phạm Duy Hòa - UVBTVĐUK, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Tham luận “Phát huy dân chủ cơ sở trong việc đổi mới nội dung chương trình và chuyển đổi mô hình đào tạo tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội” - PGS.TS.Phạm Duy Hòa - UVBTVĐUK, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: Thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục là phát huy quyền làm chủ của CBVC, NLĐ và người học nhằm huy động được tiềm năng, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
GS.TS.Hoàng Văn Cường - UVBTVĐU, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tham luận tại Hội nghị với nội dung “Mối quan hệ giữa dân chủ cơ sở và tự chủ trong trường Đại học”, GS.TS.Hoàng Văn Cường - UVBTVĐU, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Việc trao cho trường đại học có quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động của mình không chỉ xuất phát từ yêu cầu tự do học thuật và phát triển của các trường đại học mà còn xuất phát từ năng lực tự quyết của trường đại học luôn có đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ nhận thức và hiểu biết cao, có đủ năng lực tự lựa chọn và tự quyết định hướng đi, tương lai của tổ chức nơi mình gắn bó.
GS.TS.Nguyễn Văn Minh - UVBCHĐBK, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tham luận “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” của GS.TS.Nguyễn Văn Minh - UVBCHĐBK, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu đã không ngừng phát huy quyền làm chủ của CBVC, NLĐ, người học; công khai dân chủ trong thực hiện chế độ chính sách; chấn chỉnh uốn nắn kịp thời các hạn chế thiếu xót trong công tác; tăng cường vai trò quản lý của trưởng đơn vị; động viên khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời; tăng cường vai trò quản lý của lãnh đạo trường...
PGS.TS.Huỳnh Quyết Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHBKHN
Tham luận “Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong bối cảnh tự chủ đại học”, PGS.TS.Huỳnh Quyết Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh: Trường ĐHBKHN đang trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, chuyển đổi mô hình tổ chức, phát triển mạnh mẽ và bền vững, xây dựng ĐHBKHN tự chủ và hiện đại với quan điểm chính là: Xây dựng hệ thống tổ chức và quản trị đại học theo mô hình tiên tiến, tinh gọn và hiệu quả, phân cấp mạnh hơn nhưng không phân lập, không xây dựng các đơn vị trực thuộc, các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một BKHN”.
PGS.TS.Bùi Anh Tuấn - UVBCHĐBK, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
Tham luận “Vai trò của tập thể lãnh đạo trường và quy chế phối hợp của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Trường Đại học Ngoại thương”, PGS.TS.Bùi Anh Tuấn - UVBCHĐBK, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng: trong những năm qua, thể thế chính sách về giáo dục đại học, cao đẳng có nhiều đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, nhằm phát huy mọi tiềm năng sức sáng tạo trong đổi mới mô hình quản trị, xây dựng chiến lược phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ giảng viên sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế, cũng như thu hút nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo Hội nghị
Dự và chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Phát huy dân chủ vô cùng quan trọng, nhất là đối với các nhà trường Đại học, cao đẳng, vì có phát huy dân chủ mới giải phóng được sức sáng tạo của con người, kể cả người học lẫn cán bộ, giảng viên. Phát huy dân chủ phải xuất phát từ nội tại, từ nhu cầu chứ không thể phát triển nếu không có sự đoàn kết, đồng thuận. Để phát huy được dân chủ ở môi trường giáo dục, cần phải xây dựng hệ thống bộ quy chế, trong đó quan trọng là quy chế về mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu…; đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong trường học; đồng thời cần phải coi trọng và nâng cao vai trò của truyền thông trong giáo dục, nâng cao hình ảnh, chất vai trò vị thể của cơ sở giáo dục đến thị trường trong nước và vươn tầm quốc tế…
Đồng chí Lê Hồng Sơn - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội kết luận tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Sơn - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội khái quát: Với tinh thần phát huy dân chủ, khoa học, Hội nghị đã được nghe những tham luận bám sát thực tiễn, trình bày kinh nghiệm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả một số vấn đề như: xây dựng và hoàn thiện thể chế dân chủ cơ sở phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị; phát huy quyền làm chủ của người đứng đầu; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành quản trị của Hội đồng trường, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, quản lý điều hành của Ban Giám hiệu; dân chủ trong đổi mới nội dung chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy…
Đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Thứ Ba, 13:57 31/05/2022
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội