Sáng ngày 21/10/2018 tại phòng Hội thảo tầng 4 nhà A1 – Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Khoa CNTT đã tổ chức “Hội thảo chỉnh sửa và cập nhật tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia – Nghề CNTT (Ứng dụng phần mềm)”. Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu quy trình, thủ tục xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Tham dự Hội thảo, về phía Đơn vị tổ chức có PGS.TS Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Ngô Đức Vĩnh – Trưởng khoa CNTT, cùng các Thầy, Cô là giảng viên giảng dạy trong Khoa. Về phía khách mời là đại diện đến từ Khoa CNTT trường ĐH Mỏ Địa chất, một số doanh nghiệp CNTT sử dụng lao động đã qua đánh giá kỹ năng nghề.
Mở đầu Hội thảo, TS. Ngô Đức Vĩnh đã trình bày về bộ tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia gồm có: đối với người lao động cần định hướng phấn đấu nâng cao trình độ về kiến thức và kỹ năng của bản thân. Đối với người sử dụng lao động có cơ sở để tuyển chọn lao động, bố trí công việc và trả lương hợp lý cho người lao động. Đối với cơ sở đào tạo có căn cứ để xây dựng chương trình dạy nghề tiếp cận chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đối với Trung tâm đánh giá có căn cứ để tổ chức thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động.
Những người làm nghề CNTT (Ứng dụng phần mềm) là những người vận dụng kiến thức, kỹ năng về CNTT, ứng dụng phần mềm vào làm việc ở các vị trí từ nhân viên cài đặt phần mềm tới Trưởng Bộ phận CNTT trong các đơn vị chuyên hoặc không chuyên về CNTT ở VN.
Các tham luận, ý kiến, thảo luận từ góc nhìn của trung tâm đánh giá kỹ năng, người sử dụng lao động tại Hội thảo đã giúp xác định phần nào những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai đánh giá kỹ năng nghề, từ đó giúp Ban Tổ chức Hội thảo có thể tổng hợp, phân tích nhằm đưa ra được những giải pháp hữu ích để có thể đạt được mục tiêu chính về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Sau khoảng thời gian làm việc tại Hội thảo, Ban soạn thảo đã thống nhất vị trí việc làm của Nghề theo từng mức trình độ: Nhân viên cài đặt phần mềm, Nhân viên vận hành phần mềm, Nhân viên hướng dẫn sử dụng phần mềm, Nhân viên đảm bảo an toàn hệ thống phần mềm – giám sát viên CNTT, Nhân viên tư vấn ứng dụng phần mềm – nhân viên quản trị hệ thống phần mềm, Quản lý bộ phận CNTT.
Thứ Hai, 09:57 22/10/2018
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội