Ngành nghề của tương lai: Cơ hội lớn trong ngành vi mạch bán dẫn
Đó là khẳng định của các diễn giả trong Tọa đàm “Vi mạch bán dẫn – Cơ hội và thách thức” được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chiều nay, ngày 16/10.
Theo dự báo về nhu cầu nhân lực, thế giới đang và sẽ “khát” nhân lực ngành bán dẫn, nhân lực ngành này được chào đón với cơ hội việc làm hấp dẫn và mức thu nhập “khủng”; tại Việt Nam nhân sự ngành vi mạch bán dẫn đứng trước thời cơ có việc làm thu nhập cao, gần 1.000 USD/tháng cho sinh viên mới ra trường.
Khoa Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang xúc tiến nhiều hoạt động đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp có thế mạnh trong khu vực công nghệ bán dẫn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo cơ hội cho sinh viên học tập, thực hành.
Tọa đàm “Vi mạch bán dẫn – Cơ hội và thách thức” có sự tham gia của các chuyên gia từ công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu, giúp sinh viên khoa Điện tử hiểu rõ hơn về những tiềm năng, cơ hội và thách thức về đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hấp dẫn này.
Ông Nguyễn Nam Phương - Trưởng nhóm thiết kế IC số Công ty Dolphin Việt Nam chia sẻ và truyền cảm hứng cho sinh viên tại tọa đàm.
Các diễn giả nhận định: Kỹ sư Việt Nam được đánh giá cao về sự sáng tạo, trung thực và cởi mở trong quá trình làm việc. Các kỹ sư vi mạch ở Việt Nam cũng đang dần tham gia vào những giai đoạn quan trọng nhất bao gồm thiết kế hệ thống, thiết kế các vi mạch phức tạp…Đây là lĩnh vực công nghệ cao, người học có thể có cơ hội rộng mở trong sự nghiệp, với mức thu nhập cao nên sinh viên cần phải có kiến thức, kỹ năng và một thái độ học tập nghiêm túc, quyết tâm.
Ông Nguyễn Văn Soạn - Quản lý thiết kế Layout IC Công ty Qorvo chia sẻ: Cơ hội việc làm ngành vi mạch bán dẫn có thể nhìn thấy rõ từ Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vấn đề lớn là cần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Soạn - Quản lý thiết kế Layout IC Công ty Qorvo chia sẻ tại Tọa đàm
Ông Lê Thành Nam - Giám đốc công ty VietA solution chia sẻ tại Tọa đàm
Bắt đầu từ năm 2022, khoa Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tích hợp các học phần liên quan đến thiết kế vi mạch vào các chương trình đào tạo như Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và Công nghệ Kỹ thuật Điện tử y sinh… Đến năm 2024, Nhà trường chính thức tuyển sinh chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên sâu đặc thù ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông về thiết kế và kiểm thử vi mạch.
Bên cạnh đó, HaUI đã và đang thực hiện cập nhật các chương trình đào tạo hiện hành để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời, đưa thêm các nhóm học phần tự chọn định hướng về vi mạch bán dẫn để người học có thể cân nhắc lựa chọn trong quá trình học tập tại trường.
TS. Phạm Xuân Thành – Giảng viên khoa Điện tử giới thiệu về chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn
Các chương trình liên quan trực tiếp đến đào tạo nhân lực về vi mạch bán dẫn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu từ các chuyên gia đến từ Dolphin, Qorvo, Synopsys, ETA,… Đồng thời, Nhà trường đã triển khai hoạt động giảng dạy kết hợp giữa giảng viên của HaUI với các chuyên gia từ doanh nghiệp cho một số học phần chuyên sâu về thiết kế vi mạch.
TS. Phạm Xuân Thành nhấn mạnh: Tham gia chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu, sinh viên có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Dolphin Việt Nam; Qorvo Việt Nam; VIETA Solutions Việt Nam; Synopsys Việt Nam, CoAsia…
Sinh viên Khoa Điện tử chăm chú dõi theo buổi tọa đàm
Là sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính, nhưng rất quan tâm đến ngành vi mạch bán dẫn, sinh viên Nguyễn Hoàng Phát chia sẻ: Nhận thấy sức nóng và sức hút cũng như cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong ngành vi mạch bán dẫn, nên em rất muốn có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng phát triển lĩnh vực đó. Thật thú vị và ý nghĩa khi được tham gia các hội thảo, hội nghị, tọa đàm, đây là cơ hội tốt nhất để đưa sinh viên đến gần hơn với thực tế, là cánh tay nối dài để sinh viên thực hiện khát vọng của mình trong thời kỳ mới, thời kỳ đỉnh cao của công nghệ và hội nhập.
Thứ Tư, 17:35 16/10/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội