Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường
Chiều ngày 20/02/2019, Hội đồng khoa học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Nghiên cứu khung giá phí dịch vụ đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội” do TS. Trần Thị Thùy Trang - Khoa Kế toán Kiểm toán (KTKT) và đề tài “Nghiên cứu văn hóa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội’’ do TS. Lê Thùy Hương - Khoa Quản lý Kinh doanh (QLKD) thực hiện. TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng, chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường do TS. Trần Thị Thùy Trang chủ nhiệm
Đề tài “Nghiên cứu khung giá phí dịch vụ đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội” do TS. Trần Thị Thùy Trang - Khoa KTKT làm chủ nhiệm đề tài.
TS. Trần Thị Thùy Trang trình bày nội dung đề tài nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu
Trong giai đoạn hiện nay, tự chủ đại học là xu thế phát triển tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học. Bắt đầu năm học 2017-2018, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Hơn bao giờ hết công việc tính toán các chi phí đào tạo và nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng để xây dựng mức giá phí đào tạo phù hợp cho từng ngành nghề đào tạo để cung cấp thông tin cho nhà quản trị đại học có vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, một yêu cầu đặt ra cho công tác kế toán, đặc biệt là kế toán quản trị là phải đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, chính xác cho nhà quản lý ra quyết định. Qua nghiên cứu và phân tích số liệu thực tế, TS. Trần Thị Thùy Trang đề xuất lộ trình tính đủ chi phí đào tạo làm cơ sở tính giá phí theo mức xã hội hóa của ngành nghề đào tạo tại ĐHCNHN theo 03 mức như sau:
- Mức 1: Chi phí đào tạo đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương (chi phí hiện nay chưa tính đủ yếu tố này) và nhu cầu chi ngân sách hỗ trợ cho người học.
- Mức 2: Chi phí đào tạo tính đủ chi phí tiền lương và chi phí về nghiệp vụ giảng dạy, học tập (tính đủ chi phí thường xuyên).
- Mức 3: Chi phí đào tạo tính đủ chi phí khấu hao tài sản cố định. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, lựa chọn bƣớc đi, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo (học phí) theo từng ngành học, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân và khả năng của ngân sách nhà nước, cơ sở cho việc xác định chi phí đặt hàng (đơn giá đào tạo).
Các giải pháp xây dựng giá phí để Nhà trường có công cụ điều hành hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu, chi, đồng thời cung cấp thông tin phục vụ cho việc ra quyết định về các mức phí đào tạo cho từng ngành nghề đảm bảo phải phù hợp với nhu cầu xã hội và mục tiêu đào tạo cụ thể.
Đề tài “Nghiên cứu văn hóa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội’’ do TS. Lê Thùy Hương - Khoa QLKD làm chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường do TS. Lê Thùy Hương chủ nhiệm
Theo TS. Lê Thùy Hương, trong thời đại toàn cầu hóa, môi trường hoạt động đa văn hóa càng cho thấy xây dựng văn hóa ĐHCNHN là một trong những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nhà trường trong giai đoạn tới. Do vậy vấn đề văn hóa Nhà trường cần được nghiên cứu và thảo luận sâu rộng ở các cấp và các bộ phận của Trường để tạo ra sự đồng thuận trong toàn Trường, tìm ra tiếng nói chung và vừa là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sự phát triển bền vững của Trường ĐHCNHN.
Từ kết quả nghiên cứu thực tế tại nhà trường, một số giải pháp thúc đẩy thưc thi phát triển văn hóa trường ĐHCNHN được đề xuất nhằm góp phần làm cho văn hóa Nhà trường tiến gần đến mô hình mong muốn
TS. Lê Thùy Hương - Chủ nhiệm đề tài trình bày trước Hội đồng nghiệm thu
Giải pháp thứ nhất là thiết lập chương trình, tổ chức chiến dịch truyền thông văn hóa tổ chức một cách có hệ thống, đổi mới, sáng tạo, đa dạng và phong phú cả nội dung và hinh thức. Các nội dung, chiến dịch truyền thông quảng bá văn hóa ĐHCN HN nễn xuyên suốt các chủ đề như: truyền thông “hệ giá trị cốt lõi”; truyền thông chuẩn mực hành vi trong các mối quan hệ ứng xử của ĐHCNHN: hoạt động mang tính thói quen, hoạt động mang tính truyền thống, nghi lễ, nghi thức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy định…
Giải pháp thứ hai là thúc đẩy và nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ, đảm bảo sự nhất quán trong truyền bá các giá trị văn hóa ĐHCNHN với chiến lược, mục tiêu của Nhà trường. Tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong nhà trường. Trao đổi thông tin, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, những tâm tư, nguyện vọng, từ đó mọi người sẽ hiểu và gắn kết gần gũi, phối hợp hiệu quả với nhau trong công việc.
Giải pháp thứ ba là phát huy truyền thông đối ngoại (truyền thông bên ngoài) nâng cao hình ảnh thương hiệu ĐHCNHN. Mỗi thành viên cần tự xem mình là một “đại sứ thương hiệu”, góp phần cho truyền thông đối ngoại. Truyền thông văn hóa hiệu quả sẽ giúp cho tổ chức xây dựng thương hiệu vững chắc hơn. Nâng cao uy tín của ĐHCNHN, góp phần rất quan trọng trong việc tạo dựng và phát triển hình ảnh của nhà trường.
Giải pháp thứ tư giúp phát triển văn hóa Nhà trường thông qua các hình thức, kênh và phương tiện truyển thông văn hóa tại ĐHCNHN: tổ chức các hội nghị truyền thông văn hóa; tổ chức các lớp thuyết trình tuyên truyền về thiết chế văn hóa Nhà trường; biên soạn và phát hành Sổ tay Văn hóa; bản tin nội bộ; mạng nội bộ; tạp chí nội bộ, xuất bản định kỳ; đặc biệt là duy trì và phát huy truyền thông trực tiếp bên cạnh truyền thông qua mạng xã hội, qua website, email, bản tin…
Hội đồng nghiệm thu đánh giá 02 đề tài có ý nghĩa lý luận, thực tiễn, nhất trí nghiệm thu và yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, phát triển các ứng dụng trong thực tiễn.
Thứ Năm, 08:20 21/02/2019
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội