Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic trong bảo quản cam, bưởi
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic trong bảo quản quả cam, bưởi tại Hà Tĩnh” đã được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nghiệm thu cấp cơ sở thành công vào tháng 02/2021. Đề tài do PGS.TS Nguyễn Văn Lợi - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa làm Chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở do PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu cơ sở đề tài NCKH cấp tỉnh
Tại buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo tóm tắt về quá trình và kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic trong bảo quản quả cam, bưởi tại Hà Tĩnh”.
Xuất phát từ thực tế, tỉnh Hà Tĩnh có diện tích và sản lượng cam, bưởi ngày càng được tăng lên, thì vấn đề bảo quản và chế biến sau thu hoạch cần phải tính đến các giải pháp cho mùa thu hoạch cao điểm. Đồng thời, quả cam, bưởi khi đã chín nếu không được thu hoạch kịp thời mà vẫn để ở trên cây sẽ làm cho quả bị xốp, giảm chất lượng và gây ảnh hưởng đến năng suất của vụ sau.
Trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng chính đến sự biến đổi sinh hóa và chất lượng các thành phần dinh dưỡng, giá trị cảm quan, tỷ lệ thối hỏng của quả cam, quả bưởi trong thời gian bảo quản, nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản phù hợp.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi - Chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng
Theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic đã góp phần làm giảm thiểu chất thải ra môi trường. Vì đây là màng sinh học ăn được, có nguồn gốc từ thiên nhiên (saponin được sản xuất từ các loại thực vật, như bã hạt cây du trà, rau củ quả; chitosan được sản xuất từ vỏ tôm, vỏ cua ghẹ; axit axetic được sản xuất bằng con đường lên men, ở các nhà máy sản xuất rượu, sản xuất dấm ăn). Qua quá trình nghiên cứu kết quả cho thấy màng sinh học có khả năng phân hủy nhanh, khi gặp nước thì khoảng một tuần là phân hủy hoàn toàn, khi phân hủy thì làm tăng độ mùn cho đất và không gây mùi lạ.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã sử dụng màng sinh học này trong bảo quản thịt, rau quả; sử dụng màng này làm vỏ bọc thuốc, bánh, kẹo… đã khẳng định rằng việc sử dụng màng sinh học để bảo quản là có hiệu quả và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy công nghệ bảo quản quả cam, bưởi Hà Tĩnh, sau thu hoạch bằng màng sinh học không chỉ thân thiện với môi trường mà còn đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời chi phí bảo quản chỉ bằng 35-40% so với biện pháp bảo quản lạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững nghề trồng cam, trồng bưởi của tỉnh Hà Tĩnh.
Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đề ra như:
- Xác định các thông số công nghệ và xây dựng quy trình công nghệ bảo quản quả cam, quả bưởi tại tỉnh Hà Tĩnh, bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic, với thời gian từ 35- 45 ngày ở điều kiện nhiệt độ bình thường.
- Xây dựng mô hình mô hình bảo quản quả cam, quả bưởi tại Hợp tác xã Bưởi Phúc Trạch và Dịch vụ tổng hợp Phát Lộc, xóm 11, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, với quy mô 500kg quả cam/mẻ bảo quản và 500kg quả bưởi/mẻ bảo quản.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài
Đánh giá về kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Phát biểu kết luận nghiệm thu, PGS.TS. Phạm Văn Bổng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhất trí với các nhận xét, đánh giá của thành viên Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài để bảo vệ cấp cao hơn.
Thứ Sáu, 18:03 05/03/2021
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội