Nữ sinh khoa Công nghệ thông tin đam mê nghiên cứu khoa học
“Hãy nghĩ nhiều điều mà người khác không nghĩ và hãy thực hiện ngay nó, hãy biến nó thành sự thật. Hãy nắm lấy cơ hội để được học hỏi. Tôi đã nghiên cứu khoa học để được học hỏi, thử thách mình và để có thể ở đây hôm nay” đó là chia sẻ của nữ sinh Vũ Thị Ngọc, khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) tại Hội nghị tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học Lần thứ X, năm 2019.
Nữ sinh Vũ Thị Ngọc - sinh viên lớp Khoa học máy tính 4 - K10, khoa CNTT trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là tác giả của bài chia sẻ này. Điều thú vị nhất toát lên từ cô nữ sinh này là sự tự tin, sức trẻ và đam mê nghiên cứu khoa học. Ngọc có tư duy logic của một sinh viên ngành công nghệ, bạn đã tìm ra sự gắn kết đặc biệt và cần thiết của việc kết hợp giữa học tập và nghiên cứu: lý luận giúp sinh viên có cái nhìn sâu hơn về thực tiễn và thực tiễn đã giúp Ngọc có thể dễ dàng tiếp thu lý luận. Khoa học giúp em cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống xung quanh.
Nữ sinh Vũ Thị Ngọc chia sẻ về kinh nghiệm NCKH của bản thân tại Hội nghị Tổng kết và trao giải Sinh viên NCKH lần thứ X
Gặp Ngọc tại Hội nghị tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ X năm học 2018 - 2019, chúng tôi bất ngờ vì cô nữ sinh nhỏ bé nhưng nhiều ý tưởng sáng tạo và đam mê NCKH.
Vinh dự được thay mặt cho các bạn sinh viên tham dự lễ tổng kết và trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học được phát biểu, Ngọc chia sẻ: chớp mắt đã 4 năm trôi qua, 4 năm cùng với những trải nghiệm tuyệt vời nhất tại ĐHCNHN. “Tuyệt vời” ở đây không có nghĩa là dễ dàng vượt qua hay an nhàn tận hưởng, mà tuyệt vời vì chúng ta đã làm được những điều mà trước đây chúng ta nghĩ là không thể. 4 năm được học tập, 4 năm được nghiên cứu và 4 năm chúng ta được học hỏi thật nhiều.
Ngày hôm nay tôi xin được chia sẻ về chặng đường tham gia nghiên cứu của chính bản thân mình. Tôi mong rằng, từ chính những chia sẻ của tôi sẽ giúp các bạn được thật nhiều trong quá trình học tập và nghiên cứu sau này.
Trong năm qua, tôi có tham gia nghiên cứu một số đề tài trong đó có đề tài “Sản xuất máy chăm sóc mía” dành cho bà con nông dân. Để thực hiện được đề tài này thật sự rất khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là khó khăn về kiến thức vì để sản xuất chiếc máy này, nhóm chúng tôi cần kiến thức chuyên ngành trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, CNTT… Với kiến thức hạn hẹp chúng tôi bắt đầu tìm kiếm thêm kiến thức trên mạng nhưng cũng không thể giúp được nhiều.
Lúc này, chúng tôi bắt đầu tìm đến các thầy cô trong khoa CNTT của mình và khoa Cơ khí, Điện tử, Công nghệ Ô tô; tìm đến các anh chị khóa trước hiện đang đi làm có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo và lắp ráp linh kiện để hỗ trợ nhóm.
Bên cạnh đó,, với mong muốn làm một sản phẩm đạt mức kỳ vọng đề ra, chúng tôi quyết định đi tìm gặp nhà đầu tư, thuyết phục họ về tính khả thi của sản phẩm và thể hiện quyết tâm sẽ làm được. Kết quả là nhóm nhận được một khoản kinh phí hỗ trợ từ một nhà máy mía tại Tuyên Quang.
Sản phẩm “Máy chăm sóc mía” được Ngọc và nhóm chế tạo
Sản phẩm được hoàn thành, nhóm phải đối mặt khó khăn tiếp theo là kinh nghiệm đi thực tế. Vì là máy dành cho nông nghiệp nên chúng tôi đã có những chuyến đi hàng trăm km trong ngày để có thể đến gặp gỡ trực tiếp người dân, thuyết phục họ cho thử nghiệm sản phẩm mới này. Chúng tôi đã có nhiều giờ làm việc với trưởng thôn tại nhiều địa bàn khác nhau.
Cứ như vậy liên tiếp trong 1 tháng đầu tiên đi thử nghiệm. Vừa tham gia cuộc thi, vừa phải đảm bảo được việc học trên lớp, lúc đó tôi lại đang đi làm tại 1 công ty về công nghệ, quá nhiều việc cùng một lúc đòi hỏi tôi phải giải quyết. Lúc này, tôi học được cách lập kế hoạch cho bản thân mình. Tôi tự đưa ra thời khóa biểu và dần biến nó thành thói quen hàng ngày.
Khi tham gia cuộc thi “Giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2018” không chỉ mang máy đi thi, chúng tôi phải viết đề án kinh doanh cho sản phẩm này. Viết đề án ư? Tôi là sinh viên CNTT mà. Lúc này, nhóm bắt đầu tìm đến các thầy cô tại khoa Quản lý Kinh doanh, khoa Kế toán Kiểm toán. Và các thầy cô đã giúp chúng tôi có được những kiến thức đó trong vòng 2 tháng.
Quán quân Giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2018 gọi tên Vũ Thị Ngọc
Trải qua nhiều khó khăn, nhóm sung sướng, tự hào vì có kết quả xứng đáng. Tháng 10 năm 2018, chúng tôi đã vinh dự nhận được cú đúp 3 giải thưởng trong cuộc thi. Đặc biệt là vị trí quán quân tại cuộc thi.
Sau cuộc thi, tôi có đọc nhiều bài báo về tình trạng thất nghiệp; nhiều người làm việc trái ngành nghề được đào tạo; rồi những câu hỏi đến từ các em đang học lớp 12 ở quê nhờ tôi tư vấn ngành học và trường học. Câu hỏi lúc này đặt ra trong tôi “Nguyên nhân đến từ đâu mà tình trạng thất nghiệp cao vậy? Sinh viên ra trường làm trái ngành nghề theo học do đâu?”
Trăn trở về điều này và cũng rút ra từ chính kinh nghiệm của bản thân, tôi chợt nhận ra rằng các bạn học sinh THPT chưa biết mình thích gì, chưa biết tự định hướng cho bản thân và đặc biệt chưa biết mình phù hợp với công việc gì sau khi ra trường. Từ những suy nghĩ đó, với những kinh nghiệm có được trong xử lý đề tài, tôi đã lên mạng tìm hiểu về thuật toán MBTI (trắc nghiệm tính cách định hướng nghề nghiệp) và liên hệ với giảng viên trong khoa nhờ thầy/cô giúp đỡ, tìm kiếm người bạn đồng hành với mình.
Mong muốn của tôi là thông qua thuật toán MBTI sẽ giúp các bạn học sinh THPT tìm ra được nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Kết quả là “Cổng thông tin tư vấn hướng nghiệp” được ra đời. Sau khi hoàn thành sản phẩm, tôi đã giới thiệu cho các em học sinh THPT tại trường THPT Bình Giang - Hải Dương nơi tôi đã từng theo học và nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực.
Hiện tại Cổng thông tin tư vấn hướng nghiệp cho các bạn THPT vẫn đang hoạt động và hy vọng sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa cho các bạn học sinh trong việc lựa chọn ngành học cũng như nghề nghiệp trong tương lai.
Chúc cho những ước mơ, hoài bão của Ngọc trở thành hiện thực
Qua những trải nghiệm của tôi, lời nhắn gửi tôi muốn dành cho tất cả các bạn sinh viên là “dám nghĩ và dám làm”. Hãy nghĩ nhiều điều mà người khác không nghĩ và hãy thực hiện ngay nó, hãy biến nó thành sự thật. Hãy nắm lấy cơ hội để được học hỏi. Tôi đã làm NCKH để được học hỏi, thử thách mình, để có thể ở đây hôm nay.
Tôi tự hào vì mình đã nắm lấy cơ hội. Với tôi khi làm nghiên cứu khoa học, khó khăn không phải nằm ở quá trình, khó khăn nằm ở chỗ bắt đầu đưa ra mục tiêu của bản thân và cố gắng, kiên trì để đạt được nó.
Một số thành tích về NCKH mà nữ sinh Vũ Thị Ngọc đạt được:
Năm 2017:
- Lọt Top15 cuộc thi AI Hackathon do FPT tổ chức với đề tài “Kính hỗ trợ người khiếm thị”
Năm 2018:
- Quán quân Giải thưởng tài năng Lương Văn Can và 02 giải phụ: Giải Pittching tốt nhất và Giải Ý tưởng độc đáo nhất với đề tài “Sản xuất máy chăm sóc mía”.
- Đạt giải thưởng trị giá 30 triệu đồng trong cuộc thi Startupcity Festival do Thành đoàn Hà Nội tổ chức với đề tài “Hitch hike” - ứng dụng kết nối xe.
- Giải Nhất Cuộc thi Thử thách lập nghiệp do Đoàn thanh niên trường tổ chức với đề tài “Hệ thống chăm sóc thanh long tự động”.
Năm 2019:
- Giải Nhì sinh viên NCKH cấp Trường với đề tài “Cổng thông tin tư vấn hướng nghiệp”.
Thứ Tư, 07:40 29/05/2019
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội