(VTV) Tương tự như trò chơi dân gian 'Ném còn', các đội tuyển tham gia Robocon 2018 sẽ phải điều khiển robot ném quả còn qua các vòng tròn để ghi điểm và giành chiến thắng.
Trong bối cảnh những nét văn hóa đang dần mai một khi xã hội ngày càng phát triển, ý tưởng về chủ đề luật thi Robocon 2018 được hình thành dựa trên trò chơi dân gian quen thuộc mang tên "Ném còn". Theo Ban Tổ chức cuộc thi, đề thi năm nay mang nhiều điểm mới về kỹ thuật, đòi hỏi các đội tuyển phải thiết kế robot hội tụ các yếu tố, trong đó, kỹ thuật, độ chính xác và sự khéo léo là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, đề thi Robocon năm nay cho phép các đội tuyển tự thiết kế những quả còn độc đáo, rực rỡ sắc màu, mang dấu ấn riêng của từng đội.
Vậy ném còn chơi như thế nào?
Ném còn là một trong những trò chơi dân gian vào các dịp lễ hội đầu xuân năm mới. Để chuẩn bị cho trò chơi, cần có một khoảng sân rộng, ở giữa đặt một thân tre cao khoảng 15m, trên đỉnh có một vòng tròn dán giấy với một mặt màu vàng tượng trưng cho Mặt Trăng và mặt còn lại màu hồng tượng trưng cho Mặt Trời.
Vật đem lại sự sinh động cho trò chơi là quả còn được trang trí với những tua vải nhiều màu sắc tượng trưng cho 7 sắc cầu vồng. Bên trong quả còn nhồi hạt bông hoặc thóc để cầu mong cho sự sinh sôi, mưa thuận gió hòa trong năm mới.
Quả còn được trang trí với những tua vải nhiều màu sắc tượng trưng cho 7 sắc cầu vồng
Thân quả còn đính một sợi dây để người chơi cầm vào đó quay theo chiều kim đồng hồ rồi tung lên. Nếu khéo léo tung quả còn lọt qua vòng tròn, người chơi đó là người thắng cuộc.
Quả còn khi tung lên với biểu trưng như hình rồng bay sẽ tượng trưng cho sức mạnh của con người và vũ trụ. Bởi vậy, khi khai hội, quả còn đầu tiên bay qua vòng tròn sẽ được bóc ra, phát hạt giống cho mọi người với lời cầu chúc thịnh vượng và ấm no.
Trò chơi ném còn áp dụng vào sân chơi Robocon ra sao?
Mô phỏng sân thi đấu tại cuộc thi Robocon 2018
Khi trận đấu bắt đầu, robot điều khiển bằng tay lấy quả còn và trao cho robot tự động, trao thành công, đội ghi được 1 điểm. Robot tự động ném còn thành công tại khu vực TZ1 sẽ giúp đội ghi được 10 điểm, ném thành công tại khu vực TZ2 ghi được 15 điểm.
Nếu ghi điểm thành công ở cả hai khu vực TZ1 và TZ2, robot tự động được di chuyển vào khu vực TZ3 để ném quả còn vàng. Mỗi lần ném thành công qua vòng còn vàng, đội sẽ ghi được 30 điểm.
Nếu robot tự động ném qua vòng còn vàng thành công và quả còn rơi vào đĩa vàng, đội sẽ giành chiến thắng tuyệt đối, gọi là "Rồng bay" và trận đấu sẽ kết thúc.
Đội có robot ném qua vòng còn vàng thành công và quả còn rơi vào đĩa vàng sẽ giành chiến thắng tuyệt đối, còn gọi là Rồng bay (Flying Dragon)
Đội có robot ném qua vòng còn vàng thành công và quả còn rơi vào đĩa vàng sẽ giành chiến thắng tuyệt đối, còn gọi là Rồng bay (Flying Dragon)
Các thành viên đội tuyển khoa Điện tử đã sẵn sàng tranh tài tại vòng loại nhà Trường.
Lịch thi đấu:
- Vòng loại khu vực:
+ Vòng loại Robocon Việt Nam khu vực phía Bắc: từ ngày 02/04 - 06/04/2018.
+ Vòng loại Robocon Việt Nam khu vực phía Nam: từ ngày 07/4 - 08/4/2018.
- Cuộc thi ABU Robocon 2018: ngày 26/08/2018 tại Ninh Bình.
Để mọi người hiểu hơn về Luật thi đấu mời xem tệp tin: Luat thi dau Tobocon 2018
Thứ Hai, 11:34 22/01/2018
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội