Tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí
Ngày 20/01/2020, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) đã tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ (LATS) cấp cơ sở cho Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Văn Đức với đề tài: “Nghiên cứu xác định chế độ công nghệ tối ưu khi gia công bằng tia lửa điện trên máy xung điện bằng điện cực đồng”, chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí, mã số 9.52.01.03, do PGS.TS. Phạm Văn Bổng và PGS.TS. Trần Xuân Việt hướng dẫn; PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng nhà trường làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án.
Hội đồng đánh giá LATS cấp cơ sở gồm 07 thành viên: PGS.TS. Trần Đức Quý - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Hoàng Văn Gợt - Viện Nghiên cứu Cơ khí, Phản biện 1; PGS.TS. Nguyễn Đức Toàn - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phản biện 2; PGS.TS. Phạm Đức Cường - ĐHCNHN, Ủy viên; TS. Dương Quốc Dũng - Học viện Kỹ thuật Quân sự, Ủy viên; TS. Nguyễn Anh Tú - ĐHCNHN, Ủy viên; TS. Hoàng Tiến Dũng - ĐHCNHN, Ủy viên, Thư ký.
Đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Theo nghiên cứu của NCS Nguyễn Văn Đức, gia công Xung điện (Electrical Discharge Machining - EDM) là một trong những công nghệ quan trọng và phổ biến trên thế giới. Phương pháp EDM là giải pháp gia công các vật liệu cứng và siêu cứng các chi tiết trong tua bin máy phát điện, động cơ máy bay, dụng cụ cắt, khuôn mẫu, đặc biệt là các bề mặt có hình dáng phức tạp mà các phương pháp gia công cắt gọt truyền thống như Tiện, Phay, Mài… rất khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được.
Các thành viên Hội đồng đánh giá
Các nghiên cứu về EDM ngoài nước đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu sử dụng phương pháp Taguchi để thiết kế thực nghiệm, kết hợp với các phương pháp khác để tối ưu hóa, sử dụng các loại vật liệu điện cực và vật liệu chi tiết gia công khác nhau, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng bề mặt chi tiết gia công sử dụng phương pháp gia công EDM.
Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên tối ưu hóa các thông số đầu vào trên máy xung điện để đạt năng suất và chất lượng bề mặt chi tiết gia công, sử dụng điện cực đồng nguyên chất (copper), gia công vật liệu SKD11. Do đó, công trình “Nghiên cứu xác định chế độ công nghệ tối ưu khi gia công bằng tia lửa điện trên máy xung điện bằng điện cực đồng” là cấp thiết.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Đức trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng
Sau nghiên cứu, tác giả đưa ra một số đóng góp mới của luận án:
- Xây dựng mô hình bài toán tối ưu hóa các thông số công nghệ khi gia công Xung điện bằng điện cực đồng với hàm đơn mục tiêu và đa mục tiêu là: năng suất bóc tách vật liệu, mòn điện cực, nhám bề mặt, độ cứng tế vi lớp trắng, chiều dày lớp trắng;
- Ứng dụng thuật toán tối ưu hóa đơn mục tiêu Taguchi để giải bài toán tối ưu với các hàm đơn mục tiêu là: năng suất bóc tách vật liệu, mòn điện cực, nhám bề mặt, độ cứng tế vi lớp trắng, chiều dày lớp trắng;
- Ứng dụng thuật toán tối ưu hóa đa mục tiêu bằng PSI để giải bài toán tối ưu với hàm đa mục tiêu (2 mục tiêu) là nhám bề mặt và năng suất bóc tách vật liệu.
- Ứng dụng thuật toán tối ưu hóa DENG’S similarity based để giải bài toán tối ưu đa mục tiêu (5 mục tiêu) là năng suất bóc tách vật liệu; nhám bề mặt; mòn điện cực; chiều dày lớp trắng và độ cứng lớp trắng bề mặt.
- Làm phong phú thêm lý thuyết tối ưu hóa, ứng dụng thuật toán tối ưu hóa bằng Taguchi; PSI; DENG’S similarity based vào lĩnh vực xung điện.
PGS.TS. Trần Đức Quý - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu luận án tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí của NCS Nguyễn Văn Đức
PGS.TS. Trần Đức Quý - Chủ tịch Hội đồng đã điều hành đánh giá luận án, các thành viên Hội đồng đánh giá quá trình học tập, các kết quả nghiên cứu của Nghiên cứu sinh và đưa ra một số đóng góp, phản biện để làm rõ hơn một số kết quả nghiên cứu. Hội đồng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu, những nỗ lực, cố gắng của NCS Nguyễn Văn Đức, đồng thời đưa ra một số yêu cầu cần chỉnh sửa, hoàn thiện luận án để đủ điều kiện đưa ra Hội đồng đánh giá luận án cấp Trường.
Với số phiếu tán thành 7/7, Hội đồng đánh giá LATS cấp cơ sở nhất trí đề nghị trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xét và cho phép NCS Nguyễn Văn Đức được bảo vệ LATS chuyên nghành Kỹ thuật cơ khí cấp Trường sau khi đã bổ sung và chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng.
Thứ Hai, 18:05 20/01/2020
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội