Hòa Bình, tên loại tàu lặn nhỏ lần đầu tiên được nghiên cứu, chế tạo tại Việt Nam vừa được thử nghiệm thành công ở Cam Ranh (Khánh Hòa).
Tàu có chiều dài 6,63m, cao 2,74m, tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ với thời gian lặn 24h và độ sâu lặn 50m. Tàu có thể chở được 4 người. Vật liệu làm phao và chi tiết gắn kết với thân vỏ là thép inox đảm bảo vững chắc và không bị ăn mòn.
Lần đầu tiên Việt Nam làm chủ quy trình thiết kế, chế tạo tầu lặn đạt tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh do Trung tâm truyền thông khoa học công nghệ cung cấp)
Tại buổi thử nghiệm ở nhà máy đóng tàu Cam Ranh hôm 22/9, đoàn kiểm tra đã thử tàu lặn ở chế độ đứng tại chỗ, lặn xuống, nổi lên và thử quay vòng tại khu vực có độ sâu 15m trong điều kiện thời tiết gió nhẹ, theo thông cáo của Trung tâm truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Tàu có thể liên lạc với bờ hoặc các tàu khác cách 1 km bằng hệ thống thông tin vô tuyến. Tàu lặn nổi nhờ 4 phao lặn bố trí đối xứng hai bên thân vỏ tàu chịu áp lực. Cơ chế làm việc của tàu nhờ sự cân bằng của khí nén trong phao và áp lực nước bên ngoài phao để điều chỉnh lực nổi.
Sau kiểm tra thử nghiệm, tàu Hòa Bình sẽ được kiểm tra đăng kiểm đường dài. Đây là bước kiểm tra cuối cùng để đăng kiểm cấp chứng chỉ an toàn kỹ thuật cho tàu hoạt động.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam làm chủ quy trình thiết kế, chế tạo tàu lặn đạt tiêu chuẩn được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận ổn định phù hợp với điều kiện Việt Nam và quốc tế.
Tàu Hòa Bình là kết quả của dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước "Hoàn thiện thiết kế công nghệ và chế tạo tàu lặn cỡ nhỏ" do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Vinashin thực hiện từ năm 2010 với tổng kinh phí theo báo cáo hơn 25 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn hai tỷ đồng.
Theo KhoaHoc.com.vn
(Tiêu đề bài viết đã được KhoaHoc.com.vn đổi lại).
Thứ Ba, 11:53 23/09/2014
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội