[daidoanket] Tuyển sinh 2025: Phương thức xét học bạ tăng tỷ lệ cạnh tranh
Trong khi nhiều trường giảm chỉ tiêu, thậm chí bỏ phương thức xét học bạ thì năm 2025 cũng có nhiều trường đại học dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức này. Đây cũng là một trong những phương thức xét tuyển được thí sinh quan tâm.
Thêm nhiều trường công bố xét học bạ
Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Năm nay, trường dự kiến tuyển sinh 1.765 chỉ tiêu cho 11 ngành với 6 phương thức xét tuyển.
Trong đó, đáng chú ý với phương thức 3 xét học bạ, học viện sẽ xét kết quả học tập cả 3 năm lớp 10, 11 và 12. Dự kiến phương thức này sẽ mở đăng ký xét tuyển từ tháng 5/2025.
Bên cạnh đó, về tổ hợp xét tuyển, trường sử dụng các tổ hợp A00, A01, C00, D01, D09, D14 và có thể bổ sung thêm một số tổ hợp đối với từng ngành sau khi có thông báo tuyển sinh chính thức.
Trường đại học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.
Trường Đại học Ngoại thương đã công bố các phương án tuyển sinh năm 2025. Theo đó, nhà trường xét học bạ 3 năm THPT với nhóm thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; học sinh trường chuyên.
Thí sinh có thể sử dụng tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn trong tổ hợp; hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (từ 6.5 IELTS trở lên hoặc tương đương). Khi xét kết hợp, điểm của chứng chỉ được quy đổi, thay thế môn tiếng Anh.
Năm 2025, Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển khoảng 2.650 chỉ tiêu. Trong đó, trường dự kiến vẫn tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả học bạ cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành và có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Trường Đại học Thương mại mới đây cũng đưa ra dự kiến các phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển theo học bạ của thí sinh học 3 năm lớp 10, 11, 12 tại các trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia, tốt nghiệp năm 2025 theo từng tổ hợp môn xét tuyển.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng xét điểm ba năm THPT của 3 môn trong tổ hợp nhưng không xét độc lập như năm ngoái mà kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Lưu ý tỷ lệ cạnh tranh
Năm 2025, tuyển sinh đại học dự kiến có nhiều thay đổi. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), nếu xét học bạ, các trường phải dùng tổ hợp gồm ít nhất 3 môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với tỉ trọng từ một phần ba tổng điểm trở lên. Các trường cũng phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như các mùa tuyển sinh trước.
Ngoài ra, Bộ GDĐT dự kiến siết xét tuyển sớm còn 20% chỉ tiêu thay vì không khống chế như trước.
Năm ngoái, ở phương thức xét học bạ, điểm trúng tuyển của Học viện Phụ nữ Việt Nam cao nhất ở ngành Truyền thông đa phương tiện với 25,5 điểm; thấp nhất ở ngành Giới và Phát triển với 19 điểm.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin, dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ năm 2025 thấp nhất bằng năm 2024.
Với dự kiến quy chế tuyển sinh năm 2025 của Bộ GDĐT, TS Nguyễn Phi Long cho rằng, tỷ lệ cạnh tranh đầu vào bằng phương thức xét học bạ năm nay sẽ tăng cao. Vì vậy, thí sinh và phụ huynh nên tính toán, cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường khi lựa chọn phương thức xét tuyển này.
Trước băn khoăn về tính công bằng của phương thức xét học bạ, ông Nguyễn Quang Trung – Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Thương Mại cho biết, những năm trước, nhóm thí sinh trúng tuyển đầu vào bằng kết quả học bạ đều có kết quả học tập tốt.
Theo ông Trung, với phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ, trường kết hợp với các tiêu chí khác như chứng chỉ ngoại ngữ… Việc xét học bạ kèm theo các tiêu chí, điều kiện, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào giúp trường siết chất lượng sinh viên, bảo đảm công bằng giữa các nhóm thí sinh.
Thứ Năm, 14:04 06/02/2025
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội