[doisongphapluat] Trường ĐH ở Hà Nội liên tục mở thêm cơ sở mới, mỗi năm tuyển sinh 7.000-8.000 sinh viên, năm 2025 phấn đấu một mục tiêu lớn
Từ năm 2024-2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ thành lập thêm 3 trường mới, phấn đấu trong năm 2025 đủ điều kiện trở thành “Đại học”.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) là trường đại học công lập thuộc Bộ Công Thương. Ngôi trường có truyền thống đào tạo về khoa học kỹ thuật, kinh tế lâu đời bậc nhất Việt Nam (tiền thân là Trường Chuyên nghiệp Hà Nội thành lập năm 1898 và Trường Chuyên nghiệp Hải Phòng thành lập năm 1913).
Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hướng đến mục tiêu phát triển thành đại học đa ngành với nhiều trường thành viên. Hiện trường đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển từ “trường Đại học” thành “Đại học”.
Cụ thể trong thời gian qua, kế hoạch chuyển đổi đã được HaUI thực hiện bằng việc thành lập các trường trực thuộc. Vào tháng 12/2021, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch, trên cơ sở khoa Ngoại ngữ và Du lịch. Đến tháng 8/2023, Trường Cơ Khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở từ Khoa Cơ Khí và Khoa Công nghệ Ô tô.
Từ năm 2024 - 2025, trường sẽ thành lập thêm 3 trường là Trường Điện - Điện tử, Trường Kinh tế và Trường Công nghệ Thông tin Truyền thông. Trong ảnh là Trường Kinh tế vừa được thành lập vào ngày 31/7 năm nay.
Trong lộ trình trở thành đại học, ngoài việc thành lập các trường trực thuộc, thì HaUI cũng chủ trương hoạt động đào tạo gắn với thực tiễn, nhằm cung cấp ra thị trường lao động đội ngũ nhân sự có chất lượng cao, có khả năng làm việc trong thực tế.
Hiện trường có 32.000 sinh viên. Con số này tương đương dân số của một huyện miền núi. Mỗi năm nhà trường tuyển 7.000 - 8.000 sinh viên.
Trường có 6 phương thức tuyển sinh, trong đó, xét điểm thi THPT QG chiếm 65% tổng chỉ tiêu với mức điểm dao động từ 19 - 26 điểm (năm 2024).
Theo lộ trình, đến năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ đủ điều kiện trở thành “Đại học”.
Việc nâng cấp lên thành đại học sẽ là cơ hội để trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, từ đó giúp tinh gọn hơn bộ máy quản lý, tập trung nguồn lực để phát triển hiệu quả hơn. Trong ảnh là cơ sở 2 của trường.
Hiện nay, cả nước có 8 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Thái Nguyên; Đại học Huế; Đại học Đà Nẵng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Kinh tế TP.HCM; cuối cùng là Đại học Duy Tân vừa được thành lập vào ngày 7/10 vừa qua. Trong ảnh là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong năm 2025, trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến cũng sẽ chuyển thành Đại học Kinh tế Quốc dân.
Vị trí Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Phân biệt đại học và trường đại học
Tại Điều 4 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 định nghĩa:
1. Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.
2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.
3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Theo đó trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành).
Đại học là một tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên. Còn trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng, chuyên cung cấp các chương trình đào tạo bậc đại học.
Điều này có nghĩa, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao hàm các trường đại học.
Nguồn: Đời sống & Pháp luật
Thứ Hai, 09:15 28/10/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội