[giaoducthoidai] Sinh viên tận dụng vỏ cam, bưởi tạo tinh dầu và viên than nén

GD&TĐ - Từ vỏ cam, bưởi phế phẩm, nhóm SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tận dụng chiết tách tinh dầu và tạo viên than nén để hạn chế rác thải ra môi trường.

[giaoducthoidai] Sinh viên tận dụng vỏ cam, bưởi tạo tinh dầu và viên than nén

Sản phẩm tinh dầu và viên than nén từ vỏ cam, bưởi của nhóm sinh viên.

Tận dụng tối đa rác thải nông nghiệp

Dự án ZestAroma: Công nghệ tách chiết tinh dầu và viên than nén từ vỏ cam, bưởi của các sinh viên Nguyễn Tú Anh, Hoàng Hiếu Ngân, Nguyễn Dương Thùy Linh, Dương Thùy Trang (Khoa Quản lý kinh doanh) và Lê Thị Phương (Khoa Công nghệ Hóa học), Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI).

ZestAroma - Hương liệu tự nhiên là một dự án tận dụng tối đa rác thải nông nghiệp, tập trung vào việc tách sản xuất tinh dầu từ vỏ cam bưởi; Sau đó tận dụng phần rác thải sau quá trình tách tinh dầu để sản xuất viên than nén có thành phần chính từ các hợp chất tự nhiên có trong vỏ cam, bưởi.

Sinh viên Nguyễn Tú Anh chia sẻ, dự án của nhóm ra đời với mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm rác thải nông nghiệp, sản xuất tinh dầu tự nhiên; tạo nguồn năng lượng bền vững; phát triển sản phẩm thân thiện với sức khỏe; hỗ trợ nông dân và phát triển nông nghiệp mở rộng thị trường và tiềm năng kinh doanh.

Ở nước ta, nguồn nguyên liệu vỏ cam, vỏ bưởi dồi dào, nhưng không được xử lí và tái chế. Tổng diện tích cây có múi của Việt Nam hiện nay là 210.000 ha, trong đó chủ yếu là cam (khoảng 100.000 ha) và bưởi (trên 85.200 ha). Đến nay, 19 tỉnh có diện tích cam, bưởi đạt trên 1.000 ha….

Tú Anh kể vào khoảng tháng 10/2023, khi Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông báo về cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp trường để chọn đội thi toàn quốc, Tú Anh cùng nhóm bạn nhanh chóng quyết định “phải tham gia”.

Trong một lần về nhà ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nơi trồng nhiều bưởi, Tú Anh thấy bưởi của nông dân rụng rất nhiều, phải bỏ đi một cách lãng phí. Chia sẻ với thầy cô, nhóm nghĩ đến việc tách chiết tinh dầu từ vỏ cam, bưởi, sau đó tận dụng phần bã thừa để làm thêm một sản phẩm khác.

“Ban đầu, chúng em định làm phân vi sinh. Nhưng sau đó thấy thị trường có nhiều sản phẩm này, chúng em lại phải bàn bạc để tìm ra một sản phẩm mới hơn và thị trường cần hơn”, Tú Anh nói, nhìn nhận giai đoạn này khó khăn, nảy ra nhiều tranh cãi trong nhóm.

Thế rồi, nhóm chú ý đến những thông tin về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Người dân sử dụng các sản phẩm đốt, trong đó có viên than nén chưa qua xử lý, gây hại cho sức khỏe và môi trường. Tại Việt Nam, thị trường có than nén làm từ mùn cưa và vỏ dừa nhưng thời gian cháy ngắn. Lúc này, ý tưởng về viên than nén không khói làm từ vỏ cam, bưởi ra đời.

Than nén tạo nhiệt lượng tương đương than đá

Sinh viên Dương Thùy Trang cho hay viên than nén này có ưu điểm là dễ cháy hơn các than không khói khác trên thị trường nhờ lượng tinh dầu dư thừa trong vỏ cam, bưởi. Than cũng cháy lâu hơn, khoảng 3-5 tiếng. Nhiệt lượng cháy đạt trên 6.900 kcal/kg, tương đương than đá. Sản phẩm của nhóm giảm thiểu phát thải CO2, thân thiện với môi trường.

Mẫu than nén không khói đã được gửi tới một số doanh nghiệp, Viện Vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng. Kết quả thử nghiệm cho thấy mẫu đạt chuẩn, bao gồm cả các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Đại diện nhóm giảng viên hướng dẫn, TS Nguyễn Minh Việt - Giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học đánh giá, với dự án này, các em sinh viên đã biết cách tổng hợp và vận dụng được kiến thức căn bản những kiến thức đã học về hóa học, về xây dựng quy trình sản xuất, đánh giá chất lượng, cải tiến sản phẩm; kiến thức về kinh doanh, phân tích thị trường, truyền thông sản phẩm... Đây chắc chắn sẽ là hành trang hữu ích giúp sinh viên chinh phục sự nghiệp trong tương lai.

Nhóm sinh viên cho biết, sản phẩm được sản xuất bằng quy trình rõ ràng, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng thời có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Sản phẩm đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm từ cuối năm 2023 nên chưa có mức giá cụ thể.

“Chúng em rất nghiêm túc với dự án này, hy vọng có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất. Bản thân việc sản xuất tinh dầu và viên than nén không còn quá xa lạ trên thị trường nhưng bằng việc kết hợp hai sản phẩm cùng nguồn vỏ cam, bưởi sẵn có rất nhiều ở Việt Nam, dự án sẽ góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế xanh, tăng giá trị của cam, bưởi Việt Nam”, Vân Anh nói.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

  • Thứ Năm, 08:39 22/08/2024

Tags: