[kinhtedothi] Đào tạo nhân lực đáp ứng xu thế quốc tế hoá giáo dục
Kinhtedothi - Tại phiên chuyên đề “Giáo dục liên văn hóa trong môi trường đại học” trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế ICCE 2024 với chủ đề “Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập”, các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng xu thế quốc tế hoá giáo dục.
Đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia Hội thảo.
Bắt đầu từ xây dựng chương trình đào tạo
Trong những thập kỷ qua, một số thuật ngữ được các nhà khoa học sử dụng để nói về giáo dục liên văn hóa như giáo dục xuyên văn hóa, đa văn hóa và liên văn hóa. Dù có nhiều cách gọi khác biệt, các thuật ngữ này đều hướng tới một mục tiêu chung: thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các cá nhân thuộc các nền văn hóa khác nhau.
PGS.TS Vũ Công Hảo và PGS.TS Hoàng Chí Hiếu chủ trì phiên chuyên đề “Giáo dục liên văn hóa trong môi trường đại học”. Ảnh: Cẩm Tú
Trình bày báo cáo về “Thực trạng giáo dục liên văn hóa nhằm phát triển năng lực xây dựng mối quan hệ tích cực cho sinh viên đại học ngành giáo dục mầm non”, ThS Hoàng Thu Huyền (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) nhận định: vấn đề sử dụng giáo dục liên văn hóa nhằm phát triển năng lực xây dựng mối quan hệ tích cực đã và đang được thực hiện tại các trường đại học. Tuy nhiên, mức độ sử dụng vẫn chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên được giải thích là do thời lượng mỗi học phần đào tạo bị rút ngắn, kiến thức chuyên môn lại nhiều hơn. Đặc biệt, giáo dục năng lực xây dựng mối quan hệ tích cực không có học phần riêng lẻ trong chương trình đào tạo, không được xác định trong chuẩn đầu ra mà được giảng viên chủ động tích hợp trong các hoạt động, các học phần. Chính vì vậy, tài liệu giảng dạy riêng biệt là không có, dẫn tới việc sử dụng giáo dục liên văn hóa để phát triển năng lực này còn gặp khó khăn.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trịnh Thúy Hương (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) nhấn mạnh: đào tạo nhân lực đáp ứng xu thế quốc tế hoá giáo dục cần phải bắt đầu từ xây dựng chương trình đào tạo.
TS Trịnh Thúy Hương đề xuất xây dựng mục tiêu học phần đáp ứng các chuẩn đầu ra chương trình đào tạo có nội dung về giao tiếp liên văn hóa. Điều này bao gồm việc trang bị cho người học khả năng xử lý khác biệt văn hóa linh hoạt và hiệu quả, tuân thủ chuẩn mực văn hóa và phù hợp với từng tình huống giao tiếp cụ thể.
Đơn cử, học phần Giao tiếp liên văn hóa do tập thể giáo viên Khoa Khoa học cơ bản trường Đại học Công nghiệp Hà Nội biên soạn đã mang lại những giá trị thiết thực. Nội dung học phần tập trung vào các kỹ năng giao tiếp cơ bản trong môi trường làm việc đa văn hóa, giúp sinh viên tự tin khi tiếp cận các bối cảnh giao tiếp quốc tế.
Tạo môi trường giao tiếp đa văn hóa
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và mở rộng cơ hội nghề nghiệp, việc học các ngành ngôn ngữ trở nên ngày càng hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên. Đồng hành với xu thế này, giáo dục liên văn hóa dần trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chương trình đào tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài và nâng cao năng lực hội nhập.
Học giả đến từ trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, TS Nguyễn Thị Hương Trà đã trình bày nghiên cứu về tích hợp giáo dục liên văn hóa trong chương trình giảng dạy ngôn ngữ Nhật Bản. Với sứ mạng nâng cao năng lực ngoại ngữ và tri thức văn hóa, chương trình đào tạo đã cụ thể hóa vai trò của giáo dục liên văn hóa thông qua các học phần về văn hóa như “Đất nước học Nhật Bản” và “Giao thoa văn hóa”.
TS Trịnh Thúy Hương (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) trình bày báo cáo. Ảnh: Cẩm Tú
Mặc dù số lượng môn học về lĩnh vực này còn hạn chế nhưng phần nào đã phản ánh được tầm quan trọng của giáo dục văn hóa trong đào tạo ngôn ngữ, đồng thời thấy được mối liên quan giữa 2 khía cạnh này, tạo nền tảng cho sinh viên giao tiếp hiệu quả trong môi trường quốc tế.
Không dừng lại ở đó, Trường Đại học Hà Nội cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong quốc tế hóa giáo dục. Theo ThS Nguyễn Thị Thủy, sinh viên tại đây nhận thức rất cao về tầm quan trọng của giao tiếp liên văn hóa và tích cực phát triển năng lực này.
Với hơn 2.953 sinh viên quốc tế tham gia các chương trình đào tạo từ năm 2016 đến 2021, Trường Đại học Hà Nội đã xây dựng một môi trường học tập đa văn hóa, trở thành hình mẫu trong việc thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế.
ThS Nguyễn Thị Thủy cũng cho biết thêm, để thúc đẩy năng lực giao tiếp liên văn hóa, các trường đại học cần triển khai các chương trình đào tạo và hoạt động giao lưu văn hóa chuyên sâu dành cho cả sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam, tạo môi trường giao tiếp đa văn hóa tại chỗ. Điều này không chỉ giúp sinh viên phát triển khả năng thích ứng mà còn trang bị cho họ kỹ năng làm việc và học tập hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu.
Đưa ra ý kiến thảo luận tại phiên chuyên đề, các chuyên gia thống nhất quan điểm cho rằng, giáo dục liên văn hóa khi được lồng ghép một cách có hệ thống sẽ không chỉ hỗ trợ sinh viên hiểu và tôn trọng sự khác biệt mà còn trở thành công cụ chiến lược để mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Nguồn: Báo điện tử Kinh tế & Đô thị
Thứ Bảy, 21:41 07/12/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội