[laodong] Cô gái liệt hai chân và hành trình truyền cảm hứng
Cô gái Lê Thúy Hằng không may từ nhỏ bị liệt hai chân và suốt hai mươi năm qua đã nỗ lực phấn đấu cho khát khao rực rỡ của riêng mình.
Cô gái khuyết tật Lê Thúy Hằng là khách mời trong chương trình "Trạm yêu thương". Ảnh: VTV
Từ cái tên "Hằng thọt" đầy trêu chọc đến vị trí Chủ tịch hội người khuyết tật phường, Lê Thúy Hằng (sinh năm 1989, Nam Định) đã trở thành minh chứng cho khả năng vượt qua nghịch cảnh để tạo nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Dù bị liệt ở chân nhưng khi còn nhỏ, Lê Thúy Hằng cũng như bao bạn bè đồng trang lứa khác có những tháng ngày tuổi thơ vô tư, vui vẻ trong tình yêu thương của gia đình.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ khi Lê Thúy Hằng đến trường. Những lời trêu chọc, ánh mắt thương hại của bạn bè và người xung quanh khiến cô gái nhỏ ngày càng thu mình tự ti, mặc cảm về bản thân.
Lắng nghe những lời tâm sự của con gái, bà Đỗ Thị Nguyệt xúc động chia sẻ về hành trình đồng hành cùng con. Ảnh: VTV
Mỗi lần ra đường, cô gái không dám nhìn xung quanh bởi rất sợ những ánh mắt dò xét của mọi người, sợ cả những cái nhìn thương hại. Biệt danh "Hằng thọt" như một vết cứa, khắc sâu vào trái tim cô bé.
Dẫu vậy, Lê Thúy Hằng không để những định kiến và lời chê bai làm lùi bước. Từ sớm, cô đã hiểu rằng tri thức là con đường duy nhất để mình chứng minh bản thân và sống có ích, không trở thành gánh nặng cho gia đình hay xã hội.
Trong suốt 12 năm phổ thông, Lê Thúy Hằng luôn nằm trong nhóm học sinh xuất sắc nhất lớp, là một trong số ít học sinh vượt khó tại địa phương nhận học bổng từ Quỹ học bổng Nhật Bản.
Sau nhiều năm sống trong tự ti, Lê Thúy Hằng quyết định bước ra khỏi vùng an toàn. Cô thuyết phục bố mẹ cho phép mình thi vào đại học và chuyển lên Hà Nội - một hành trình không chỉ để học tập mà còn để trưởng thành.
3 năm theo học Khoa Kế toán, hệ Cao đẳng tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Lê Thúy Hằng đều giành học bổng sinh viên xuất sắc. Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục học lên đại học.
Với quyết tâm không để gia đình phải lo lắng thêm về kinh tế, Lê Thúy Hằng vừa học vừa làm, tự mình chi trả toàn bộ học phí và sinh hoạt phí.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm công việc ổn định sau khi tốt nghiệp không hề dễ dàng. Với nhiều nhà tuyển dụng, việc nhận một người khuyết tật vẫn là điều khó chấp nhận. Nhưng Lê Thúy Hằng không từ bỏ, cô kiên trì và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, cuối cùng tìm được công việc đầu tiên ở vị trí nhân viên thu ngân tại một siêu thị mini.
Không chỉ tập trung cho bản thân, Thúy Hằng còn quyết tâm hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ. Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời là khi cô tham gia Hội Người khuyết tật quận Ba Đình, Hà Nội.
Tại đây, cô không chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống mà còn nhận ra trách nhiệm của mình với cộng đồng. Lê Thúy Hằng xung phong tham gia mọi hoạt động của Hội, từ đào tạo dạy nghề, tập huấn kỹ năng, đến tổ chức các sự kiện xã hội dành cho người khuyết tật.
Với sự nỗ lực không ngừng, Lê Thúy Hằng đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Người khuyết tật phường Cống Vị, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật quận và Ủy viên Thường trực Hội Người khuyết tật quận.
Bên cạnh những đóng góp cho cộng đồng, Lê Thúy Hằng còn là người vợ, người mẹ tận tụy. Hiện cô có một gia đình nhỏ hạnh phúc cùng chồng, hai người con một trai, một gái và đang mang thai em bé thứ ba ở tháng thứ 8.
Mặc dù bận rộn với công việc và chăm sóc gia đình, Lê Thúy Hằng vẫn luôn giữ được năng lượng và tinh thần tích cực trong mọi vai trò.
Chương trình "Trạm yêu thương" với chủ đề "Những khát khao rực rỡ" sẽ kể lại câu chuyện truyền cảm hứng của Lê Thúy Hằng, phát sóng vào 10h ngày 14.12 trên kênh VTV1.
Thứ Sáu, 12:21 13/12/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội