[thanhtra] Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ để phát triển nguồn nhân lực du lịch
(Thanh tra) - Để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần bắt đầu từ cơ sở đào tạo, phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập.
Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ để phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ảnh: IT
Nguồn nhân lực du lịch đang được quan tâm
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Vai trò của các bên liên qua trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch” ngày 14/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong nhấn mạnh: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, mang nội hàm văn hóa sâu sắc, vì thế, phát triển du lịch cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Theo Thứ trưởng VHTTDL, du lịch là ngành kinh tế nhưng văn hóa là “linh hồn” của du lịch, du lịch lại là “đôi cánh” của văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch, nguồn thu từ du lịch tái đầu tư cho văn hóa…
“Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới nên cần có sự thay đổi mạnh mẽ để theo kịp sự phát triển của thời đại. Về du lịch, chúng ta cần phải đặt vấn đề tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xem xét, sửa đổi Luật Du lịch và đánh giá việc đưa Luật vào cuộc sống… Trong tất cả các văn kiện, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Nhà nước liên quan đến du lịch thì vấn đề nguồn nhân lực du lịch được quan tâm nhất”, Thứ trưởng phát biểu.
Thứ trưởng cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đang rất cấp thiết và quan trọng khi chúng ta định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và cần được thảo luận, nghiên cứu nhiều hơn để giải mã được các vấn đề liên quan tới phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tại hội thảo, ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch đang trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Yêu cầu đối với nguồn nhân lực hiện nay là đảm bảo về quy mô, hợp lí về cơ cấu chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ tinh thông, tính chuyên nghiệp cao; năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng đáp ứng vị trí làm, bối cảnh chuyển đổi số; có năng lực giao tiếp, làm việc trong môi trường đa văn hóa và tính nhạy cảm nghề nghiệp, năng lực thích ứng với môi trường, con người biến động thay đổi.
Thời gian vừa qua, công tác đào tạo có kết quả nhất định, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, tính đến tháng 8/2024, cả nước có 407 cơ sở đào tạo ngành Du lịch.
Trong đó có 110 trường đại học có khoa du lịch, 174 trường cao đẳng, trong đó 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo về du lịch, 122 trường trung cấp đào tạo ngành Du lịch, trong đó 2 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Về chương trình đào tạo, tổ chức 55 ngành với 123 chuyên ngành về du lịch và liên quan đến du lịch.
“Điều này chứng tỏ nguồn nhân lực du lịch đang được quan tâm”, ông Tuấn nói.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH
Danh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thắng, Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Tổng Thư ký Đào tạo Du lịch Việt Nam, để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, cần bắt đầu từ cơ sở đào tạo, phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập.
Ngoài ra, từ vấn đề nội tại, mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ - đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân.
Tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành.
Để phát triển du lịch bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, theo ông Thắng, cần phải rà soát, đánh giá lại, đầu tư, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch.
Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, cũng có thể kỳ vọng khi du lịch từng bước phục hồi, các địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ có các biện pháp thích hợp để dần dần khôi phục lại và phát triển nhân sự cho mình.
Theo TS Nguyễn Phương Thảo, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội, vai trò quan trọng và không thể thiếu của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Sự tham gia của doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giúp sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức mới và mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bà Nguyễn Phương Thảo cho rằng, các hình thức hợp tác đa dạng giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm chương trình thực tập, tham gia giảng dạy, đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, tài trợ, tuyển dụng, đều góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, gắn kết nhà trường với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhà trường cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc chủ động tìm kiếm, thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững với các doanh nghiệp du lịch.
Doanh nghiệp du lịch cần chủ động tham gia vào quá trình đào tạo bằng cách tiếp nhận sinh viên thực tập, tham gia giảng dạy và đóng góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo, đồng thời cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực và xu hướng phát triển của ngành để giúp nhà trường điều chỉnh chương trình phù hợp.
Nguồn: thanhtra.com.vn
Thứ Năm, 21:39 14/11/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội