[Tiền phong] 'Robot đánh golf' thu hút sinh viên mê khoa học, sáng tạo
TPO - Với chủ đề “Robot đánh golf - 2023”, cuộc thi "Sáng tạo robot mini - 2023" tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thu hút sự tham gia của 20 đội thi đến từ 6 trường đại học trên địa bàn Thủ đô. Đây là sân chơi tạo cơ hội cho các bạn sinh viên đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Sáng 3/12, khoa Điện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức thi đấu cuộc thi với chủ đề “Robot đánh golf - 2023” thu hút sự tham gia của các đội thi đến từ 6 trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
TS. Phạm Văn Minh - Trưởng khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết), cuộc thi “Sáng tạo robot mini 2023” là một hoạt động thường niên do Khoa tổ chức, nhằm tạo ra sân chơi cho các bạn sinh viên đam mê với nghiên cứu khoa học, robot. Cuộc thi là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các bạn sinh viên, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức cho việc học tập.
Tiếp nối thành công của cuộc thi “Robot giải mã mê cung - 2022”, chủ đề của cuộc thi năm nay có tên gọi là “Robot đánh golf - 2023”. Nội dung cuộc thi được gắn chặt với các hoạt động học thuật để sinh viên có điều kiện thuận lợi phát huy kiến thức chuyên môn vào thực tiễn.
Các đội thi tham gia thi đấu.
Cuộc thi “Sáng tạo robot mini - 2023” năm nay thu hút 20 đội tham gia tranh tài đến từ 6 trường đại học khu vực phía Bắc: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghệ Đông Á, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Cuộc thi chia làm 4 vòng với tổng 39 trận đấu để tìm ra quán quân của cuộc thi.
Tại buổi thi đấu, các đội thi tỏ ra vô cùng hào hứng và đầy khí thế chiến đấu. Các sản phẩm robot là sự sáng tạo, đầu tư kỹ lưỡng của các bạn sinh viên. Các màn thi đấu diễn ra gay cấn theo từng chuyển động của robot, dưới sự điều khiển của các đội thi. Bên cạnh đó, sự cỗ vũ nhiệt tình từ khán giả đã tạo nên không khí vô cùng náo nhiệt cho cuộc thi.
Mỗi đội sẽ tiến hành bốc thăm để thi đấu và được đăng ký 2 thành viên lên sân trực tiếp. Thời gian thực hiện nhiệm vụ cho 1 game đấu là 2 phút, thời gian điều chỉnh là 30 giây.
Bạn Hoàng Minh Hiếu - thành viên đội DCN - SMAE (Trường Cơ khí - Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội), cho biết rất vui mừng vì đây là lần đầu tiên đến với một cuộc thi robot nhưng đã đạt chiến thắng hơn mong đợi. Để vượt qua các đối thủ nặng ký, chính nhờ vào sự đoàn kết, luyện tập liên tục và phối hợp ăn ý trao đổi thông tin giữa các thành viên trong đội. Đó chính là nguyên do tạo nên những cú đánh chính xác trong buổi thi hôm nay.
Đội DCN - SMAE giành giải nhất đến từ Trường Cơ khí - Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Còn bạn Phạm Thu Thủy - thành viên đội AML của trường Đại học Phenikaa nói: “Dù không phải đội giành chiến thắng nhưng mình cũng rất vui khi được tham gia cuộc thi. Các đội thi đều có màn trình diễn rất ấn tượng, về phần đội nhà thì mình cũng có chút tiếc nuối, vì quá hồi hộp nên kết quả chưa như mong đợi”.
Cô bạn cũng cho biết vì robot của đội được sử dụng quá nhiều mạch, nên đội gặp nhiều khó khăn trong khoảng thời gian gấp rút một tuần để chuẩn bị. Các chiến thuật đặt bóng dù đã được tập dượt trước nhưng khi lên sân vẫn không thể lường trước được.
Cuộc thi là sân chơi bổ ích giúp các bạn sinh viên yêu khoa học và công nghệ có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, có cơ hội khám phá những vấn đề bản thân yêu thích. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên thể hiện sự đam mê, sáng tạo với khoa học công nghệ; ứng dụng và làm chủ công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến để sáng tạo ra các mô hình, sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
Nguồn: Tiền phong
Chủ Nhật, 16:28 03/12/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội