[Vietnamnet] 'Sinh viên bây giờ khá nhút nhát, ngại nghiên cứu khoa học'
Dù được đào tạo, cấp kinh phí, thậm chí cộng điểm trong đánh giá, song nhiều sinh viên vẫn có tâm lý e ngại, rụt rè khi tham gia nghiên cứu khoa học.
Thừa năng lực, thiếu tự tin
Tại Diễn đàn sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022 do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức hôm qua, TS Phạm Văn Minh, Trưởng khoa Điện của trường cho hay, từ nhiều năm qua, trường cũng như khoa rất quan tâm đến việc tạo điều kiện, thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu chưa được như kỳ vọng.
Lấy dẫn chứng ngay ở khoa Điện, ông Minh cho hay, mỗi năm khoa thường đăng ký 50-60 đề tài nghiên cứu khoa học, tương đương khoảng 150 sinh viên tham gia (mỗi nhóm 3-4 sinh viên), trong khi số sinh viên của khoa ít nhất cũng gấp 3 lần số đó.
“Kỳ vọng của chúng tôi là phải khoảng một nửa tổng số sinh viên, tức khoảng 200-250 em tham gia nghiên cứu khoa học”.
Ông Minh cho hay, đề tài nghiên cứu khoa học có thể không thiếu nhưng thiếu sinh viên chịu nghiên cứu.
“Sinh viên thường có tâm lý e ngại. Nhưng không phải ngại khó, ngại khổ, mà các em thường nghĩ rằng khoa học là cái gì đó cao siêu, không dành cho mình. Điều đó tạo rào cản cho việc tham gia. Ngoài chuyên môn, các em còn gặp những vấn đề về thời gian, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Vì vậy, giảng viên như chúng tôi thường phải đi vận động các em tham gia”.
Cũng có những sinh viên chủ động, nhưng không nhiều.
Điều đáng mừng là qua đánh giá cuối cùng, kết quả của những sinh viên được vận động tham gia không hề thua kém số chủ động ở năng lực nghiên cứu khoa học.
TS Phạm Văn Minh: Các bạn trẻ cần làm quen với sự phản biện
“Điều này chứng tỏ ít sinh viên nghiên cứu khoa học là do chưa bạo dạn chứ không phải các em không đủ năng lực nghiên cứu. Trong số vận động tham gia, có những em sau đó thể hiện rất tốt và khả năng phát triển rất cao nếu tiếp tục được bồi dưỡng”, TS Minh nói.
Theo TS Minh, các sinh viên cần tư duy việc nghiên cứu khoa học để hiểu biết sâu về một vấn đề nào đó, sau đó tìm ra hướng phát triển mở rộng, chứ không nhất thiết phải cho ra sản phẩm ứng dụng ngay.
“Có những nghiên cứu để tạo ra sản phẩm cuối cùng, phải trải qua một quá trình rất dài. Do đó, việc các sinh viên nghiên cứu có ứng dụng ngay được hay không chưa phải là điều quá quan trọng, mà là tích lũy được gì để phục vụ việc học và nâng cao kiến thức sau này.
Chúng tôi không đòi hỏi các em phải nghiên cứu và ứng dụng được ngay. Bởi ngay cả các thầy cô, cũng có nhiều nghiên cứu nhằm phục vụ định hướng, mở rộng vấn đề. Khoa học phải đi từ những điều đơn giản nhất. Các em có thể nghiên cứu từ những cái nhỏ sau rồi dần mở rộng ra. Khi hiểu được như vậy, các em sẽ bớt lo lắng và tự tin hơn”.
Thiếu nền tảng từ bậc phổ thông
PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) nêu 1 lý do nữa khiến sinh viên không năng động trong nghiên cứu khoa học, đó là các em thiếu nền tảng ở bậc phổ thông.
Theo ông, chương trình phổ thông vẫn nặng về ghi chép lý thuyết, thiếu tính thực hành thực tế, thiếu điều kiện để học sinh sáng tạo. Vì vậy, học sinh thiếu cơ hội tiếp cận và kỹ năng để tham gia nghiên cứu.
“Không thể vào đại học mà ngay lập tức thay đổi tư duy được”, ông Phương nói. Thực tế, sinh viên có thể làm quen với nghiên cứu từ những việc rất nhỏ như làm đồ án môn học, tham gia các cuộc thi lập trình...
PGS.TS Nguyễn Huy Phương: Sinh viên thiếu nền tảng nghiên cứu ở bậc phổ thông
Để cải thiện sự tự tin, TS Phạm Văn Minh khuyên sinh viên chịu khó trao đổi với giảng viên.
“Sinh viên bây giờ vẫn khá nhút nhát. Nhút nhát ngay cả khi tiếp xúc với các thầy. Trong khi đáng lẽ sinh viên phải rất chủ động. Chúng tôi luôn coi sinh viên như những người bạn, nhưng khi gặp, các em thường ngại nói chuyện... Sau này nhiều em khi ra trường mới nhận thấy đó là sai lầm”.
TS Minh cho rằng, các bạn trẻ cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trao đổi để có sự tự tin này ngay từ cấp phổ thông. “Các bạn trẻ cần làm quen với sự phản biện. Phản biện không có nghĩa là làm trái lời thầy cô, mà là chủ động trao đổi để làm rõ những vấn đề mà mình chưa hiểu”.
PGS.TS Nguyễn Huy Phương cho hay ông đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực trong chương trình phổ thông, bởi ngày càng nhiều hoạt động về STEM, các cuộc thi về khoa học kỹ thuật từ cấp trung học được tổ chức. Đây là nền tảng, hành trang để các em phát triển việc nghiên cứu khi vào đại học.
Nguồn: Vietnamnet.vn
Chủ Nhật, 16:15 25/12/2022
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội