Chuyển đổi số - Giải pháp then chốt nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trong giai đoạn hiện nay tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

TS. Kiều Xuân Thực

Trưởng phòng Đào tạo

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing), …, và phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức quản lý, điều hành, thay đổi quy trình, phương thức làm việc và thay đổi văn hóa tổ chức. Quá trình phát triển của chuyển đổi số gồm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 - Số hóa (Digitization): Chuyển thông tin thực sang dạng số để dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ; Ví dụ: soạn bài giảng dưới dạng slides, quét văn bản lưu vào ổ cứng…

- Giai đoạn 2 - Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ (Digitalization): Sử dụng phần mềm để làm cho các hoạt động trở nên đơn giản và hiệu quả hơn; Ví dụ: dạy học trực tuyến trên hệ thống elearning …

- Giai đoạn 3 - Chuyển đổi số (Digital transformation): Sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, ... để thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu một cách toàn diện và triệt để, từ đó dẫn đến sự thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của tổ chức.

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được nhận định là chìa khóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tổ chức thông qua những ưu điểm nổi bật mà nó mang lại như tối ưu chi phí hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.

Đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học:

- Các lớp học truyền thống với những nhược điểm như chi phí tổ chức cao, không gian phục vụ hạn chế, thời gian cố định, … sẽ được thay thế bằng các lớp học trực tuyến, lớp học ảo;

- Không gian học tập đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác người - người, người - máy như thật thông qua các phần mềm mô phỏng công nghệ VR;

- Big data sẽ là nguồn dữ liệu vô tận để học tập trải nghiệm về phân tích, dự đoán xu hướng hay dự báo kinh doanh ở mức chính xác cao;

- Tài nguyên học tập số trong điều kiện kết nối không gian thật và ảo sẽ vô cùng phong phú, không gian thư viện không còn là địa điểm cụ thể nữa, mà thư viện có thể khai thác ở mọi lúc, mọi nơi;

- Chương trình dạy học được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục cá nhân hóa.

Chính vì vậy, hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng với Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

2.1. Về thiết kế, phát triển chương trình đào tạo

- Trước 2016, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình sẵn có; 100% chương trình đã tích hợp kỹ năng sử dụng CNTT.

- Từ 2016, triển khai Đề án CDIO, chương trình đào tạo được thiết kế bám sát theo chuẩn đầu ra, vừa đáp ứng tính chuyên môn cao nhất định, vừa đáp ứng yêu cầu nền tảng rộng, liên ngành và các kỹ năng mềm như tư duy hệ thống, năng lực sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Năm 2017, khung các chương trình đào tạo được quản lý trên Hệ thống Đại học điện tử (Giai đoạn 1 - Số hóa).

- Năm 2020, quy trình thiết kế, phát triển chương trình đào tạo thực hiện trên Hệ thống Đại học điện tử (Giai đoạn 2 - Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ).

2.2. Về phương pháp dạy học

- Từ 2000, Giảng viên soạn nội dung bài giảng dạng slides, video clips (Giai đoạn 1 - Số hóa).

- Năm 2012, tổ chức đào tạo trực tuyến các học phần ngoại ngữ không chuyên.

- Năm 2015, đào tạo kết hợp (trực tuyến + trực tiếp) các học phần ngoại ngữ không chuyên trên Hệ thống elearing (Giai đoạn 2 - Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ).

- Năm 2020, đào tạo trực tuyến 90% các học phần để ứng phó với đại dịch Covid-19; hoàn thiện phân hệ Đào tạo kết hợp trong ĐH điện tử.

2.3. Về tuyển sinh

- Năm 1999: Sử dụng công cụ phần mềm để tổ chức thi và xét tuyển (qua Giai đoạn 1 - Số hóa, chớm vào Giai đoạn 2 - Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ).

- Năm 2013: Quảng bá đầy đủ thông tin tuyển sinh trên website.

- Năm 2017: Quảng bá tuyển sinh qua Facebook, Youtube, tư vấn tuyển sinh bằng Facebook mang lại hiệu quả cao (60.000 - 65.000 thí sinh đăng ký xét tuyển/năm).

- Năm 2019: Tổ chức, quản lý quy trình nghiệp vụ tuyển sinh trên Hệ thống đại học điện tử một cách toàn diện từ đăng ký xét tuyển, xét tuyển, xác nhận nhập học đến nhập học trực tuyến hoàn toàn (qua Giai đoạn 2 - Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ).

2.4. Về tổ chức, quản lý quá trình đào tạo

- Năm 2000: Nhập dữ liệu người học, kết quả học tập trong các file Excel (Giai đoạn 1 của Chuyển đổi số - Số hóa thông tin).

- Từ 2004: Sử dụng công cụ phần mềm (EMIS, UMAS) để tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo một phần (qua Giai đoạn 1 - Số hóa thông tin, chớm vào Giai đoạn 2 – Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ).

- Từ 2015: Thiết lập, sử dụng Hệ thống đại học điện tử để tổ chức, quản lý quá trình đào tạo một cách toàn diện từ Tuyển sinh, Phát triển chương trình đào tạo, Lập & kiểm soát thực hiện kế hoạch đào tạo, Đánh giá kết quả học tập, Thu học phí đến Cấp văn bằng tốt nghiệp (Giai đoạn 2 - Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ).

Kết quả thực hiện lộ trình chuyển đổi số

Giai đoạn 1

(Số hóa thông tin)

Giai đoạn 2

(Số hóa quy trình)

Giai đoạn 3

(Chuyển đổi số)

Thiết kế, phát triển chương trình đào tạo

Một phần (2004),

Toàn bộ (2018)

Một phần (2019),

Toàn bộ (2020)

Chưa làm

Phương pháp dạy học

Một phần (2000),

Mở rộng 90% HP (2020)

Một phần (2015)

Chưa làm

Tuyển sinh

Một phần (1999)

Toàn bộ (2019)

Chưa làm

Tổ chức, quản lý quá trình đào tạo

Một phần (2000)

Một phần (2004),

Toàn bộ (2019)

Chưa làm

Bảng 1. Tổng hợp kết quả thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo tại HaUI

3. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai chuyển đổi số trong công tác đào tạo tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

3.1. Cấp trường

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thuộc nhóm trường sớm thực hiện chuyển đổi số ở khu vực phía Bắc. Nhà trường đã thu được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được lợi thế trong cạnh tranh và xác lập thương hiệu, uy tín cao trong xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện những năm qua cho thấy việc triển khai còn chưa đồng bộ giữa các lĩnh vực, năng lực số của đội ngũ còn hạn chế dẫn tới chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế công nghệ số mang lại. Trong thời gian tới Nhà trường cần tập trung:

- Thực hiện lộ trình chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất đến quản lý, điều hành.

- Hoàn thiện các chức năng, phân hệ của Hệ thống Đại học điện tử để áp dụng toàn diện, đồng bộ trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà trường. Xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể để phát triển thành Đại học thông minh tương ứng với Giai đoạn 3 của lộ trình Chuyển đổi số - giai đoạn thay đổi toàn diện mô hình và cách thức hoạt động của Nhà trường.

- Đầu tư hạ tầng ICT đáp ứng công nghệ Dữ liệu lớn, Internet vạn vật và Điện toán đám mây; Đầu tư hệ thống phòng học thông minh, thư viện điện tử, không gian học tập, trải nghiệm và đổi mới sáng tạo.

- Bồi dưỡng, tập huấn về năng lực, công nghệ số cho đội ngũ.

- Tăng cường truyền thông về hoạt động của đơn vị để mở rộng khả năng thu hút khách hàng.

3.2. Cấp đơn vị đào tạo

Trong lĩnh vực đào tạo, kết quả thực hiện lộ trình chuyển đổi cho thấy phương pháp dạy học đang là khâu chậm chuyển đổi nhất, trở thành nút thắt cơ bản nhất hiện nay. Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, trong thời gian tới các đơn vị đào tạo cần phải tập trung thực hiện:

- Triển khai dạy học kết hợp cho tất cả các học phần có lý thuyết, các học phần thí nghiệm/thực hành trên máy tính.

- Phát triển các Chương trình đào tạo trực tuyến hoàn toàn cho các lĩnh vực như CNTT, Kinh doanh,… để đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, theo lộ trình được cá nhân hóa cho phù hợp điều kiện, năng lực học tập của từng người học.

- Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ để thực hiện các phương pháp dạy học ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số, các hình thức đào tạo online, đào tạo qua môi trường ảo.

- Đa dạng hóa các chương trình đào tạo theo hướng liên, xuyên ngành có tích hợp công nghệ số. Đặc biệt trong bối cảnh kỹ thuật, công nghệ thay đổi rất nhanh, việc hình thành năng lực tự học và ý thức học tập suốt đời cần được coi trọng hơn kiến thức của ngành đào tạo.

- Thiết kế các khóa đào tạo ngắn hạn, các chương trình bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động khi doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thay đổi công nghệ.

- Tăng cường truyền thông qua website, Facebook… về hoạt động của đơn vị để mở rộng khả năng tiếp cận, thu hút khách hàng./.

  • Thứ Tư, 08:42 15/07/2020

Các bài đã đăng

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam

Thứ Sáu, 13:31 29/11/2024
Giảng dạy bằng Tiếng Anh, ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Đại học Công nghiệp Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Giảng dạy bằng Tiếng Anh, ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Đại học Công nghiệp Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Thứ Hai, 14:35 29/07/2024
Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô: Sẵn sàng hội nhập quốc tế

Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô: Sẵn sàng hội nhập quốc tế

Thứ Hai, 11:52 15/07/2024
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường: Giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển tương lai bền vững

Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường: Giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển tương lai bền vững

Thứ Ba, 17:03 02/07/2024
Xu hướng phát triển ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp trong thời kỳ 4.0

Xu hướng phát triển ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp trong thời kỳ 4.0

Thứ Tư, 13:11 22/05/2024

Triết lý giáo dục qua thực tiễn ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Thứ Ba, 08:37 16/06/2020

Vai trò của truyền thông trong công tác tuyển sinh tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Thứ Ba, 07:44 16/06/2020

Ứng dụng mô hình đảo ngược trong đào tạo thực hành tại khoa điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Thứ Sáu, 15:52 15/05/2020

Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng tại khoa Cơ khí – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Thứ Sáu, 09:00 03/04/2020

Giảng viên khoa Quản lý Kinh doanh với hoạt động thực tế doanh nghiệp

Thứ Năm, 08:59 17/10/2019

Tin tiêu điểm

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Thứ Tư, 14:52 06/07/2022
Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Thứ Tư, 14:26 06/07/2022
Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Thứ Ba, 13:25 14/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

Thứ Sáu, 19:15 03/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

Thứ Năm, 19:20 02/06/2022