Xu hướng phát triển ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp trong thời kỳ 4.0
TS.Trần Văn Đua
Khoa Công nghệ Cơ khí, Trường Cơ khí - Ô tô
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và việc ứng dụng giải pháp công nghệ thiết kế (CAD), mô phỏng (CAE), gia công sản xuất (CAM), quản lý dữ liệu (Data Management), quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), công nghệ in 3D đã định hình lại quá trình thiết kế sản phẩm; đồng thời đòi hỏi nguồn nhân lực thiết kế phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại. Đón đầu xu thế đó, năm học 2024 - 2025, Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) tiếp tục tuyển sinh hệ đại học chính quy ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp.
Tính thời sự của ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp
Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp có thể hiểu một cách đơn giản là đảm nhiệm vai trò thiết kế các sản phẩm công nghiệp như: Ô tô xe máy, máy móc thiết bị công nghiệp, thiết bị điện máy, thiết bị y tế, thiết bị đồ gia dụng… Các chuyên gia được đào tạo trong lĩnh vực Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp là những người sáng tạo, có khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và có kiến thức sâu rộng về các công nghệ tiên tiến ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế và sản xuât các sản phảm công nghiệp.
Trong chuỗi Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT năm 2024, ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp thu hút lượng lớn thí sinh tìm hiểu thông tin
Hiện nay, lực lượng lao động trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế của Việt Nam là 1,2% so với 63% tại Thái Lan, 12% tại Trung Quốc và 15% tại Hàn Quốc. Tỉ lệ nhân lực này trên dân số của Việt Nam tương đối thấp so với các quốc gia khác, tỉ lệ này chỉ tương đương 20% so với tỉ lệ trung bình của khu vực EU, tương đương 7,6% của Hàn Quốc, tương đương 29,8% của Malaysia, tương đương 58% của Thái Lan. Do đó nhu cầu sử dụng lao động liên quan đến lĩnh vực Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở hiện tại và trong tương lai là rất lớn.
Ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp tại Trường Cơ khí - Ô tô, HaUI
Lịch sử thành lập và phát triển của nghành Cơ khí gắn liền với lịch sử thành lập và phát triển của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Trải qua 126 năm xây dựng và trưởng thành, nghành Cơ khí đã đào tạo và cung cấp cho xã hội Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Cử nhân có trình độ chuyên môn vững, có kỹ năng tốt đáp ứng được các yêu cầu của xã hội.
Đội ngũ giảng viên của ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp tại Trường Cơ khí - Ô tô, HaUI là một trong những yếu tố then chốt góp phần tạo nên uy tín và chất lượng của chương trình đào tạo. Với trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú và sự tận tâm trong giảng dạy, các giảng viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cảm hứng và động lực cho sinh viên.
Nhà trường đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Môi trường giáo dục của nhà trường được đánh giá là hiện đại, thông minh. Hệ thống phòng học, thư viện, quần thể các công trình thể thao, văn hóa khép kín, đa chức năng với nhiều tiện ích hứa hẹn đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người học.
Trung tâm nghiên cứu nhà máy thông minh, Trường Cơ khí - Ô tô, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Các phòng thực hành/thí nghiệm CAD/CAM-CNC, đo lường chính xác, Rô bốt công nghiệp, phòng thí nghiệm vật liệu, phòng thí nghiệm sức bền vật liệu, phòng thí nghiệm nguyên lý - chi tiết máy, thiết kế ngược và tạo mẫu nhanh, phòng thí nghiệm rung động và đặc biệt là trung tâm công nghệ 4.0 với 5 phòng Lab hiện đại được trang bị hệ thống phần mềm, phần cứng đồng bộ từ Siemens (Đức), đáp ứng được nhu cầu đào tạo chuyên sâu về thiết kế, mô phỏng, phân tích trong lĩnh vực Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp.
Đến với nghành học Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, sinh viên làm chủ được các ứng dụng thiết kế trên máy tính; công nghệ thiết kế, mô phỏng và phân tích quá trình thiết kế sản phẩm (AutoCAD, SolidWorks, CATIA, ANSYS, COMSOL Multiphysics); công nghệ In 3D và tạo mẫu nhanh; công nghệ thiết kế và lập trình đồ họa (Adobe Illustrator và Photoshop, Blender và 3ds Max); công nghệ quản lý dự án (Microsoft Project) và công nghệ tự động hóa quá trình thiết kế trong sản xuất ô tô xe máy, máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị điện máy, và thiết bị đồ gia dụng…
Sinh viên thực hành thiết kế mô phỏng tại trung tâm 4.0, Đại học Công nghiệp Hà Nội
Cơ hội nghề nghiệp ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp
Cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên theo học ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp có tương lai rất rộng mở, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Cơ khí mà còn mở rộng đến các ngành, các công ty sản xuất, trung tâm nghiên cứu và phát triển, hoặc làm cung cấp các dịch vụ thiết kế và tư vấn cho các doanh nghiệp. Với kỹ năng và kiến thức vững vàng, sau khi tốt nghiệp bạn có thể đảm nhận công việc tại một số vị trí việc làm như:
- Thiết kế sản phẩm (sản phẩm cơ khí, điện tử, sản phẩm gia dụng, ô tô, xe máy…);
- Quản lý thiết kế;
- Giám sát và đánh giá sảm phẩm so với thiết kế;
- Chuyên gia nghiên cứu tại các viện, phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp;
- Giảng viên, nghiên cứu viên tại các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Hiện tai, mức lương trung bình của nhân sự ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp có kinh nghiệm từ 1 đến 3 năm là khoảng 15- 30 triệu đồng/người/tháng. Trong khi các sinh viên mới ra trường có lương trung bình 10-15 triệu đồng/người/tháng.
Nhu cầu về nhân sự ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp là kết quả tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng thiết kế và sản xuất tích hợp đa ngành. Ở Việt Nam, nhân lực ngành này còn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyền dụng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, việc đào tạo đội ngũ nhân lực ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và là xu thế tất yếu trong tương lai.
Thứ Tư, 13:11 22/05/2024
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội