Đổi mới công tác đào tạo tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

TS.Kiều Xuân Thực Đổi mới công tác đào tạo tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội

Trải qua chặng đường phát triển 120 năm, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã khẳng định được vị thế là một cơ sở giáo dục đại học có uy tín. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nhanh chóng về mọi mặt của đời sống xã hội, Trường Đại học công nghiệp Hà Nội đang đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng này, hiện thực hóa mục tiêu trở thành trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam.

1. Khái quát về Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 (còn được gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ 4) là khái niệm được Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra và là chủ đề chính tại cuộc họp thường niên của diễn đàn này ở Davos-Klosté, Thụy Sĩ, năm 2016. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 vào cuối thế kỷ 18 đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ hơi nước, sau đó là động cơ đốt trong đã mở ra kỷ nguyên sản xuất cơ khí và phát triển giao thông. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 19 với sự ra đời của máy phát điện, đèn điện, động cơ điện, … đã mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, bắt đầu vào những năm 1960, đánh dấu bằng sự ra đời của máy tính điện tử - phương tiện có thể thay thế một phần quan trọng của lao động trí óc, chứ không như các loại máy cơ khí, điện khí chỉ thay thế được lao động cơ bắp trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 1 và 2 trước đây. Với sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3, đặc biệt là các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng trở nên ngày càng phổ biến, được tích hợp cả về tính năng lẫn phạm vi ứng dụng, từ đó làm biến đổi sâu sắc đời sống xã hội cũng như nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là cơ sở ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất các công nghệ làm mờ đi ranh giới của vật lý, vật chất và sinh học. So với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, phân phối, quản lý và quản trị. Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, nhận định về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như sau: “Chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp. Xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, sự dịch chuyển này không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua”.

2. Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới giáo dục đại học

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội mà không còn ở quy mô công xưởng, doanh nghiệp. Đối với giáo dục đại học (GDĐH), Cách mạng công nghiệp 4.0 có những tác động có thể dự đoán được là:

2.1. Nhu cầu của thị trường lao động thay đổi, thậm chí nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra cuộc cách mạng này có thể gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế thì người lao động, đặc biệt là lao động kỹ năng thấp và trung bình, sẽ bị dư thừa nếu không thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất. Điều này tạo nên sự phân hóa thị trường lao động theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp, được trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao, được trả lương cao. GDĐH phải đáp ứng sự gia tăng nhu cầu lao động có hàm lượng chất xám cao để tạo ra giá trị thặng dư lớn.

2.2. Không thể dự đoán được các kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần do công nghệ thay đổi quá nhanh. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở GDĐH phải đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính lớn, sẽ có nhiều lợi thế trong việc biến tri thức thành sản phẩm thương mại mà các cơ sở GDĐH không có. Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa GDĐH và giới công nghiệp. Đáng lưu ý, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi GDĐH phải trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.

2.3. Ranh giới giữa các ngành đào tạo truyền thống ngày càng mờ nhạt, xu hướng đào tạo liên, xuyên ngành có gắn kết với công nghệ thông tin trở nên phổ biến. Cách mạng công nghiệp 4.0 khác các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây ở chỗ có sự hòa trộn các công nghệ và xóa nhòa ranh giới của các không gian vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Điều này đòi hỏi GDĐH phải trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng phổ rộng cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống để người học có thể tự học, có khả năng thích nghi với các thách thức, các yêu cầu công việc mang tính liên ngành và thường xuyên thay đổi.

2.4. Không gian học tập mới trên nền internet vạn vật được hình thành, sự kết hợp giữa giáo dục truyền thống và MOOC (Massive Open Online Course: Khóa học trực tuyến đại chúng) trở thành xu thế tất yếu. Kết nối di động và ứng dụng điện toán đám mây sẽ giúp người học tiếp thu cả kiến thức và kỹ năng qua các khóa học trực tuyến. Đặc biệt, tri thức mới đang được tạo ra với cấp số nhân, được phổ biến nhanh và rộng khiến những kiến thức chuyên môn cụ thể rất nhanh lạc hậu. Điều này dẫn đến các lớp học trực tuyển, hội nghị trực tuyến, … trở nên ngày càng phổ biến. Tuy vậy dạy học trực tiếp vẫn không mất đi tầm quan trọng do có lợi thế lớn trong việc hình thành kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng mềm (Kỹ năng hành nghề), cho người học. Do đó, kết hợp hài hòa giữa giáo dục theo cách thức truyền thống và MOOC sẽ là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động toàn cầu.

2.5. Giáo dục cho cá nhân trở nên phổ biến, cơ sở GDĐH phải hiểu rõ hơn người học và cung cấp dịch vụ giáo dục cá nhân hóa để đáp ứng yêu cầu khác nhau về lộ trình, địa điểm, thời gian học tập, … của mỗi người học.

3. Đổi mới công tác đào tạo tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trước những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu mới về năng lực đối với người lao động, đòi hỏi chúng ta phải có một nền giáo dục tương ứng – Giáo dục 4.0.

Giáo dục 1.0

(Trước 1980)

Giáo dục 2.0

(~1980)

Giáo dục 3.0

(~1990)

Giáo dục 4.0

(Từ 2000)

Mục tiêu

Giáo dục

Tuyển dụng

Tạo ra tri thức

Sáng tạo và tạo ra giá trị

Chương trình đào tạo

Đơn ngành

Đa ngành

Liên ngành

Xuyên ngành

Phương pháp dạy học

Một chiều

Hai chiều

Nhiều chiều

Mọi nơi

Công nghệ

Giấy, bút

Máy tính

Internet

Internet kết nối vạn vật

Đảm bảo chất lượng

Chất lượng học thuật

Chất lượng giảng dạy

Theo quy tắc

Theo nguyên tắc

Trường học

Mô hình offline

Mô hình kết hợp offline và online

Mạng lưới & hệ thống

Hệ sinh thái

Đầu ra

Người lao động có kỹ năng

Người lao động có tri thức

Người sáng tạo tri thức

Người sáng tạo và khởi nghiệp

Đối chiếu với các tiêu chí về mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy học, … có thể sơ lược thấy rằng chúng ta vẫn đang ở đâu đó giữa Giáo dục 2.0 và Giáo dục 3.0. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và nhận diện đầy đủ những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới GDĐH, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp để đón nhận cơ hội và ứng phó thích hợp với những thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể là:

3.1. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục ngành/nghề đào tạo và nghiên cứu, phát triển các chương trình đào tạo mới.

- Thường xuyên nghiên cứu, khảo sát và gắn kết với Doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu lao động và tập trung đào tạo các lĩnh vực xã hội có nhu cầu lớn khi tiến vào Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là những ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ như Cơ khí chính xác, Tự động hóa, Robotics, Lập trình mạng, Điện - điện tử, Năng lượng mới, …

- Chương trình đào tạo thường xuyên được đánh giá và cải tiến để đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp và đón đầu những thay đổi trong tương lai của thị trường lao động.

- Nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số lĩnh vực theo hướng liên ngành, trong đó chú trọng kiến thức nền tảng về khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ sở cộng với nền tảng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và năng lực sang tạo. Đây là tiền đề quan trọng để có thể đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng với nhiều công việc khác nhau và luôn luôn biến động trong thực tiễn.

3.2. Áp dụng tiếp cận CDIO trong phát triển chương trình đào tạo

Tiếp cận CDIO (viết tắt của cụm từ Conceive – Design – Implement – Operate: Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Vận hành) giúp hình thành một khung chuẩn trong phát triển chương trình đào tạo. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang áp dụng tiếp cận CDIO trong thiết kế, vận hành các chương trình đào tạo trình độ đại học nhằm: i) Đảm bảo đào tạo đáp ứng Chuẩn đầu ra; ii)Chuẩn đầu ra phản ánh những năng lực của người học mà thị trường đang cần & sẽ cần; và iii)Trang bịKiến thức, kỹ năng phổ rộng cơ bản + Tư duy sáng tạo, khả năng tự học để người tốt nghiệp có thể thích nghi với các yêu cầu công việc mang tính liên ngành và thường xuyên thay đổi trong thực tế.

3.3. Đổi mới phương thức đào tạo và phương pháp dạy học

- Nghiên cứu, đổi mới phương thức và phương pháp đào tạo theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu “học mọi lúc, học mọi nơi” của người học và hướng tới mục tiêu giáo dục cá nhân hóa.

- Năng lực tự học của người học được chú trọng phát triển thông qua giao việc & kiểm soát tự học và chuẩn bài, dạy học theo đồ án/dự án/tình huống.

- Phối hợp với Doanh nghiệp để chia sẻ nguồn lực phục vụ đào tạo: tìm kiếm. kêu gọi doanh nghiệp tài trợ thiết bị, tài liệu, giáo trình, học bổng; mời giảng chuyên gia từ doanh nghiệp; đưa sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đưa giảng viên đi trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp.

3.4. Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và quản lý chuyên môn

- Phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có khả năng thực hiện các phương pháp đào tạo hiện đại dựa trên nền tảng Công nghệ thông tin & Truyền thông.

- Bồi dưỡng quản lý Khoa, Bộ môn về nghiệp vụ quản lý, về kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra, về kiểm định và xếp hạng.

3.5. Đẩy mạnh quốc tế hóa

- Thu hút sinh viên nước ngoài vào học các chương trình đào tạo chính quy dài hạn, trao đổi sinh viên và giảng viên với các trường đại học từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, …

- Tăng cường dạy các môn học chuyên môn bằng Tiếng Anh; Tham khảo chương trình đào tạo và học liệu của các trường đại học nước ngoài có uy tín.

- Hợp tác với các trường đại học nước ngoài có uy tín để mở mới các chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình cấp song bằng.

3.6. Đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng Công nghệ thông tin

- Nghiên cứu, đầu tư phát triển thư viện điện tử, học liệu điện tử, phòng học ảo, phòng thí nghiệm ảo, … để phục vụ kết hợp đào tạo truyền thống với đào tạo trực tuyến và tăng cường chia sẻ tri thức trong cộng đồng.

- Phát triển không gian học tập mở, phòng thí nghiệm mở, không gian sáng tạo, khởi nghiệp.

- Thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin cho phát triển đào tạo trực tuyến và vận hành hệ thống đại học điện tử có tính đến mô hình hệ sinh thái đại học thông minh trong tương lai.

3.7. Chú trọng hoạt động đảm bảo chất lượng, đổi mới công tác quản lý, quản trị

- Quản lý cơ sở GDĐH theo mô hình đại học điện tử trong đó Công nghệ thông tin & Truyền thông được ứng dụng triệt để vào tất cả các khâu và các quy trình quản lý.

- Tăng cường bồi dưỡng năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý; Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý theo hướng phân cấp mạnh cho các đơn vị đào tạo khi trường hoạt động theo cơ chế tự chủ, trong đó đề cao tính tích cực, chủ động của các Khoa trong hoạt động đào tạo & khoa học công nghệ.

- Kiện toàn hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, tiến hành kiểm định các chương trình đào tạo và hướng tới tham gia xếp hạng trường trong các bảng xếp hạng khu vực, quốc tế./.

Tài liệu tham khảo:

1. The Fourth Industrial Revolution, Klaus Schwab, 2016, ISBN: 978-1944835002

2. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Cục Thông tin Khoa học & Công nghệ quốc gia, 2016;

3. Recommendations for implementing the strategic initiative INDUSTRIE 4.0, Henning Kagermann and Wolfgang Wahlster, Apr. 2013;

4. The dark side of the Fourth Industrial Revolution and how to avoid it, https://www.weforum.org, Dec. 2015;

  • Thứ Ba, 16:43 05/06/2018

Tags:

Các bài đã đăng

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam

Thứ Sáu, 13:31 29/11/2024
Giảng dạy bằng Tiếng Anh, ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Đại học Công nghiệp Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Giảng dạy bằng Tiếng Anh, ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử của Đại học Công nghiệp Hà Nội thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ

Thứ Hai, 14:35 29/07/2024
Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô: Sẵn sàng hội nhập quốc tế

Đào tạo nhân lực ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô: Sẵn sàng hội nhập quốc tế

Thứ Hai, 11:52 15/07/2024
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường: Giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển tương lai bền vững

Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường: Giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển tương lai bền vững

Thứ Ba, 17:03 02/07/2024
Xu hướng phát triển ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp trong thời kỳ 4.0

Xu hướng phát triển ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp trong thời kỳ 4.0

Thứ Tư, 13:11 22/05/2024
Khoa Cơ khí – ĐHCNHN đào tạo các ngành Kỹ thuật Cơ khí, Cơ điện tử trong thời kỳ CMCN 4.0 - Thách thức và giải pháp

Khoa Cơ khí – ĐHCNHN đào tạo các ngành Kỹ thuật Cơ khí, Cơ điện tử trong thời kỳ CMCN 4.0 - Thách thức và giải pháp

Thứ Tư, 17:22 18/04/2018
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI): Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI): Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Năm, 14:14 12/04/2018

Tin tiêu điểm

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Đoàn cán bộ Học viện Phát triển Giáo dục nghề CHDCND Lào thăm và làm việc với Trường

Thứ Tư, 14:52 06/07/2022
Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho nam sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2022 đi đào tạo Sỹ quan dự bị

Thứ Tư, 14:26 06/07/2022
Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Hội nghị Khoa học: Một số xu hướng mới về đào tạo, nghiên cứu trong kỹ thuật năng lượng, điện tử và tự động hóa

Thứ Ba, 13:25 14/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Điện, Điện tử

Thứ Sáu, 19:15 03/06/2022
[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

[LIVESTREAM] Hiểu đúng ngành, chọn đúng nghề - Tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch & Khách sạn

Thứ Năm, 19:20 02/06/2022