Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo
TS. Bùi Văn Huy và TS. Ninh Văn Nam
Khoa Điện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về năng lượng và môi trường. Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo đã trở thành một yếu tố quan trọng trong hệ thống năng lượng. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cũng cần có những chiến lược phù hợp trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Bài viết này sẽ phân tích vai trò của năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng Việt Nam và tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cũng như định hướng đào tạo nguồn nhân lực về năng lượng tái tạo tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.
1. Tầm quan trọng của Năng lượng tái tạo với hệ thống điện Việt Nam
Năng lượng tái tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy điện và năng lượng sinh học đang trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống điện quốc gia. Thay vì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, việc chuyển hướng đến việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, tạo ra một nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy và bền vững là quan điểm chủ đạo trong phát triển nguồn điện ở Việt Nam trong thời gian tới.
Nước ta có lợi thế đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có nhiều điều kiện thuận lợi trong khai thác, sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo. Do vậy, trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã chỉ rõ quan điểm phát triển: ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất điện [1]. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo kết nối với lưới điện phân phối để giảm tổn thất điện năng. Cũng theo Quy hoạch điện VIII, các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 44% vào năm 2045 (hình 1). Đây cũng là xu hướng phù hợp với sự phát triển của năng lượng tái tạo trên thế giới.
Hình 1. Cơ cấu các nguồn điện ở Việt Nam đến năm 2045 [1]
Song hành với việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là các vấn đề về công nghệ, nhu cầu nguồn nhân lực đi kèm, nhằm đáp ứng yêu cầu cho các kịch bản tăng trường nguồn điện. Bởi vì, sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới và giúp tạo việc làm cho người dân. Thực tế đã cho thấy: các dự án điện mặt trời và điện gió đã tạo ra hàng ngàn việc làm, đồng thời sẽ thúc đảy phát triển sản xuất các thiết bị và công nghệ năng lượng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Điều này không chỉ tạo ra nguồn cung cấp năng lượng sạch mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế và sáng tạo công nghệ trong cộng đồng.
2. Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo
Thời gian qua, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo một cách nhanh chóng cũng đã bộc lộ nguy cơ thiếu hụt lớn nguồn lao động có kỹ năng và kiến thức chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Các công việc liên quan đến năng lượng tái tạo, từ thiết kế, chế tạo, lắp ráp, vận hành, kiểm định, giám sát đến bảo trì, đều đòi hỏi sự thành thạo và hiểu biết sâu rộng về hệ thống điện. Các khâu biến đổi điện năng, lưu trữ điện năng và vận hành kết nối với lưới điện quốc gia cũng yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải có hiểu biết và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực điều khiển, điện tử công suất. Theo [2], Việt Nam dự kiến cần từ 1,61 đến 1,93 triệu lao động cho quá trình chuyển đổi năng lượng, tạo 315.000 việc làm hàng năm trong lĩnh vực sản xuất điện mặt trời, điện gió và sinh khối đến năm 2030 (hình 2). Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp đào tạo chuyên nghiệp cho thị trường lao động. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh trong những năm tới, mang lại cơ hội việc làm cho lao động trẻ trong ngành này.
Hình 2. Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam theo Quy hoạch Điện VIII [1]
Hình 2 đã thể hiện rõ xu hướng chuyển dịch nguồn năng lượng tại Nam. Để quá trình chuyển dịch thành công thì yếu tố then chốt là cần có những chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về năng lượng tái tạo ngay trong nước để phục vụ quá trình này. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) vừa công bố báo cáo hàng năm khảo sát hiện trạng việc làm trong ngành Năng lượng tái tạo năm 2020. Trong đó, hiện trạng việc làm tính đến cuối năm 2019 được tổng hợp chi tiết đến từng ngành mũi nhọn như Năng lượng mặt trời, Điện gió, Nhiên liệu sinh học, Thủy điện. Những số liệu này là cơ sở tham khảo cho khung chính sách về Năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2020. Đặc biệt, trong báo cáo [2], vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao vai trò cải thiện chất lượng đào tạo được nhấn mạnh một cách trực tiếp… Những con số rất ấn tượng có thể thấy rõ:
• 11,5 triệu việc làm trong ngành NLTT năm 2019
• 38% số việc làm thuộc về Trung Quốc
• 3,8 triệu việc làm trong công nghiệp điện mặt trời (PV)
Những tóm tắt chính trong báo cáo thường niên của IRENA 2020 đã cho thấy rõ nhu cầu về nhân lực ngày một cao trong ngành Năng lượng tái tạo:
• Cuối năm 2019, số lượng việc làm trong ngành Năng lượng tái tạo là 11,5 triệu, tăng 0,5 triệu so với cuối năm 2018. Đặc biệt, nữ giới chiếm 32% trong tổng số việc làm. Chi tiết hơn, công việc liên quan đến khoa học, công nghệ có 28% nữ giới, trong khi đó, công việc hành chính, tỉ lệ nữ giới là 45%.
Hình 3. Tỉ lệ nữ giới trong ngành Năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng theo tính chất công việc
Hình 4. Phân bố tổng số công việc NLTT trên toàn thế giới và sự tập trung vào một số quốc gia, trong đó đặc biệt là các quốc gia Châu Á
• Hầu hết các công việc được tạo ra tập trung trong một nhóm nhỏ các quốc gia phát triển nóng, nhưng lợi nhuận mang lại từ các công việc này đang ngày một mở rộng trên khắp thế giới đặc biệt trong lĩnh vực điện mặt trời. Đáng chú ý, Châu Á chiếm 63% tổng số việc làm trong ngành Năng lượng tái tạo.
• Mặc dù các nghiên cứu cụ thể còn ít, tuy nhiên Năng lượng tái tạo độc lập, phân tán đang tạo ra số lượng việc làm ngày càng lớn. Điều này góp phần thúc đẩy việc làm trong các ngành liên quan, hoặc sử dụng năng lượng từ chế biến nông sản, chăm sóc sức khỏe đến truyền thông, thương mại trong cộng đồng địa phương các khu vực xa xôi hẻo lánh.
• Điện mặt trời đang là điểm phát triển nóng nhất so với các nguồn Năng lượng tái tạo khác với tăng trưởng 33% trong năm 2019 với87% tổng số lượng việc làm về điện mặt trời tập trung vào 10 nước phát triển nóng, trong đó có Việt Nam.
• Số lượng việc làm liên quan đến sản xuất Ethanol và xăng sinh học (biodiesel) tăng lần lượt 2% và 13% trong năm 2019. Tổng số việc làm liên quan đến nhiên liệu sinh học nói chung đã vượt qua 2,5 triệu trên toàn thế giới. Sản xuất nhiên liệu sinh học và chuỗi cung ứng hỗ trợ đều tăng mạnh ở các nước truyền thống như Braxin, Colombia, Malayxia, Philippin hay Thái Lan nhưng lại có xu hướng giảm tại Mỹ và liên minh Châu Âu.
• Số lượng việc làm liên quan điện gió là 1,2 triệu, trong đó 21% là nữ giới. Các dự án điện gió đất liền vẫn tiếp tục được xây dựng, trong khi các dự án điện gió ngoài khơi đã và đang xuất hiện ngày một nhiều. Có 18 quốc gia trên thế giới đã xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi nhờ vào sự mở rộng nhanh các chuỗi cung ứng thiết bị, dịch vụ.
Hình 5. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tổng số việc làm Năng lượng tái tạo lớn trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực Điện mặt trời
Hình 6. Thống kê số lượng việc làm liên quan đến Năng lượng tái tạo trên thế giới cuối năm 2019
• Thủy điện đang chiếm tỉ trọng lớn về công suất lắp đặt và vận hành trong ngành Năng lượng tái tạo, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cả về công suất và lượng việc làm đều chậm dần. Số lượng việc làm trong ngành thủy điện ổn định ở mức 2 triệu và hầu hết trong lĩnh vực vận hành và bảo dưỡng. Tỷ lệ việc làm trong hình 6 vẫn sẽ giữ ổn định trong các năm tới do tính chất công việc tập trung vào vận hành và bảo dưỡng
Hình 7. Tỉ lệ công việc trong ngành Thủy điện giữa các quốc gia trên thế giới
Mặc dù nhu cầu nhân lực về lĩnh vực năng lượng tái tạo rất lớn. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, việc chuẩn bị nhân lực cho ngành Năng lượng tái tạo được thực hiện khá cục bộ và thiếu tính lâu dài. Ví dụ, để phục vụ cho các dự án, các nhà máy hoạt động trong ngành Năng lượng tái tạo, nhân lực ngành điện truyền thống thường được luân chuyển làm việc cho các dự án Năng lượng tái tạo. Về chuyên môn, chủ yếu được cử đi các khóa học ngắn hạn do chuyên gia nước ngoài hoặc một số các chuyên gia trong nước phối hợp đào tạo. Với nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai đáp ứng được sự phát triển công nghiệp của đất nước nói chung và nguồn nhân lực về ngành Năng lượng tái tạo nói riêng. Chiến lược đào tạo nhân lực lĩnh vực Năng lượng tái tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Doanh nghiệp và sự phát triển đất nước là rất cần thiết.
3. Chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, việc thiết lập một chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đang trở nên ngày càng quan trọng. Trong chiến lược này, các yếu tố quan trọng bao gồm việc đào tạo và học tập liên tục, hợp tác với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu để phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, cung cấp cơ hội thực tế cho sinh viên và người lao động, xây dựng mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, việc đào tạo kỹ thuật viên và công nhân có kỹ năng để vận hành, bảo trì và sửa chữa các hệ thống năng lượng tái tạo cũng là một phần quan trọng của chiến lược này. Chúng ta cần chú trọng vào năng lực quản lý và quản lý dự án để đảm bảo rằng các dự án năng lượng tái tạo được triển khai hiệu quả. Hơn nữa, việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển, cùng với việc theo dõi và đánh giá hiệu suất đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đều đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Năm 2023, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bắt đầu tuyển sinh đào tạo bậc Đại học chương trình Năng lượng tái tạo, thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. Chương trình đào tạo này được thiết kế nhằm đào tạo những Cử nhân và kỹ sư có khả năng thiết kế, vận hành và nắm vững các công nghệ tiên tiến liên quan đến Điện mặt trời, Điện gió, thủy điện, nguồn năng lượng tích trữ và các nguồn năng lượng khác. Đồng thời, người học còn được trang bị kiến thức vững vàng về Điện tử công suất, điều khiển tự động, công nghệ giám sát, trí tuệ nhân tạo, IoT và công nghệ biến đổi Nhiệt. Chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo của Khoa Điện, Đại học Công nghiệp Hà Nội, có mục tiêu đào tạo ra các nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của ngành công nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ này.
Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo cho chương trình Năng lượng tái tạo là các nhà khoa học có năng lực chuyên môn cao, có trình độ ngoại ngữ, nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo của Nhà trường. Các giảng viên đều có nhiều kết quả nghiên cứu, công trình khoa học liên quan đến ngành đã công bố trên các hội nghị, tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước. Khoa Điện cũng đã trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, với nền tảng là trang thiết bị thực hành, thí nghiệm phục vụ đào tạo cơ bản và chuyên sâu ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, ngành Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, ngành Kỹ thuật nhiệt sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cho việc đào tạo ngành Năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được sử dụng các hệ thống phòng học lý thuyết chung của Nhà trường ở 3 cơ sở đào tạo Hà Nội và Hà Nam với tổng diện tích 50 ha. Trung tâm Thư viện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gồm 3 cơ sở với tổng diện tích hơn 6.000 m2, hệ thống các phòng chức năng đa dạng với 8 phòng đọc và 14 phòng chức năng khác, thiết kế theo hướng mở, liên kết với nhau theo sơ đồ bố trí một cách thuận lợi nhằm phục vụ giáo viên, sinh viên trong hoạt động giảng dạy, học tập và NCKH. Thư viện được trang bị đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài cho tất cả các đối tượng bạn đọc, với gần 28.000 đầu sách với gần 160.000 quyển. Thư viện hiện có 38 đầu Tạp chí; Cơ sở dữ liệu tài liệu điện tử với trên 6.562 tài liệu Ebook, 45 Cơ sở dữ liệu truy cập mở và 01 Cơ sở dữ liệu tài chính FiinProX; Số lượng sách và tài liệu tham khảo của thư viện đảm bảo đủ theo danh mục các học phần được xác định trong chương trình đào tạo nhà trường là cơ sở quan trọng cho hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên.
Sau khi tốt nghiệp, người học có nhiều cơ hội việc làm, sự nghiệp mở ra trước mắt. Họ có thể lựa chọn làm việc tại các Công ty Điện lực, hoặc tham gia vào các tổ chức nghiên cứu, cũng như các tổ chức thuộc chính phủ hoặc phi chính phủ liên quan đến Điện lực và năng lượng tái tạo. Làm việc trong các Doanh nghiệp để thực hiện các quản lý dự án, thiết kế, thi công lắp đặt và vận hành thuộc ngành kỹ thuật điện nói chung và lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng. Ngoài ra, việc trở thành giảng viên trong các trường Đại học, Cao đẳng chuyên về ngành năng lượng và các ngành liên quan cũng là một tùy chọn hấp dẫn. Chưa hết, người học cũng có khả năng trở thành chuyên gia và trong lĩnh vực hệ thống năng lượng tái tạo như hệ thống điện mặt trời, điện gió, thủy điện, pin năng lượng mặt trời, và lưới điện. Điều này có thể thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch và bền vững. Các dự án trong lĩnh vực này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và nguồn lực được quản lý tốt. Bên cạnh đó học xong chương trình này người học có cơ hội rất lớn để làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp về lĩnh vực năng lượng tái tạo trên thế giới. Điều này tạo cơ hội rất lớn cho người học sau khi học xong chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo tại trường Đại học Công nghiệp có thể đáp ứng luôn nhu cầu việc làm từ các tổ chức nhà nước,các Công ty và tổ chức nghiên cứu liên quan đến Điện lực và năng lượng tái tạo luôn cần nhà nghiên cứu và phát triển để đưa ra các giải pháp mới và cải tiến công nghệ. Với kiến thức chuyên sâu, người học có thể đảm nhận vai trò quan trọng này.
Cuối cùng, năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp vì có những yếu tố đặc biệt trong ngành này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ý tưởng mới và khám phá các cơ hội kinh doanh mới.
4. Kết luận
Mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” (net-zero) là một trong những cam kết của chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) năm 2021. Do đó, các chính sách chiến lược phát triên năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ ngày càng được quan tâm và sẽ thể chế hóa. Năng lượng tái tạo đang trở thành một phần quan trọng của hệ thống năng lượng Việt Nam. Đồng thời, việc đào tạo nhân lực có chất lượng cho lĩnh vực này cũng đang đòi hỏi cấp thiết. Năng lượng tái tạo không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng và bảo vệ môi trường mà còn tạo cơ hội kinh doanh và sự sáng tạo. Khoa Điện đã có hơn 20 năm đào tạo Đại học và 7 năm đào tạo sau Đại học với đội ngũ thầy cô giáo có chuyên môn cao. Các kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp các ngành của Khoa đã nhanh chóng có việc làm đúng chuyên môn đào tạo, đáp ứng tốt nhiệm vụ và được các cơ quan, doanh nghiệp đánh giá cao. Chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo tại trường Đại học như Đại học Công nghiệp Hà Nội đang đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực Năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tài liệu tham khảo
[1]. Viện Năng lượng (2023). Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045.
[2]. IRENA (2020), Renewable Energy and Jobs – Annual Review 2020, International Renewable Energy Agency, Abu Dhabi.
Thứ Năm, 10:46 12/10/2023
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội