Ngày 26/12, tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trung tâm hợp tác doanh nghiệp phối hợp với Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, đề thi thực hành đánh giá KNN Quốc gia nghề Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm).
Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm hợp tác doanh nghiệp, TS Ngô Đức Vĩnh – Trưởng khoa Công nghệ thông tin, đại diện một số trường đại học, cao đẳng nghề, doanh nghiệp CNTT. Hội nghị nhằm đưa ra tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, mô tả nghề, danh mục đơn vị năng lực, sơ đồ vị trí việc làm của nghề, quy trình xây dựng câu hỏi lý thuyết.
Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề giúp người lao động định hướng phấn đấu nâng cao trình độ về kiến thức và kỹ năng của bản thân, giúp người sử dụng lao động có cơ sở để tuyển chọn lao động và trả lương hợp lý cho người lao động, giúp cơ sở đào tạo có căn cứ để xây dựng chương trình dạy nghề tiếp cận chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, giúp trung tâm đánh giá có căn cứ để tổ chức thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động.
Các vị trí việc làm của nghề bao gồm nhân viên cài đặt phần mềm, nhân viên vận hành phần mềm, nhân viên quản trị hệ thống phần mềm, nhân viên đảm bảo an toàn hệ thống phần mềm, nhân viên đào tạo sử dụng phần mềm, nhân viên tư vấn công nghệ thông tin, giám sát viên CNTT, quản lý bộ phận CNTT.
Tại hội thảo, cũng xin ý kiến góp ý từ đại diện các trường Đại học, Cao đẳng nghề, các doanh nghiệp CNTT nhằm hoàn thiện bộ ngân hàng câu hỏi, đề thi.
Kết luận tại Hội thảo, TS. Ngô Đức Vĩnh đánh giá cao sự góp ý của các chuyên gia cho bộ ngân hàng câu hỏi.
Để góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề, Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang nỗ lực từng bước xây dựng hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sau khi luật Dạy nghề có hiệu lực từ 1/6/2007. Hoạt động đánh giá kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề là vấn đề quyết định đối với Việt Nam, vì nó sẽ phát triển một lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao cho thị trường. Cùng với đó, việc thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được hy vọng sẽ đáp ứng sự tăng lên về nhu cầu lao động có tay nghề cao ở Việt Nam.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội