Nằm trong kế hoạch tổ chức các hoạt động thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám Hiệu trường Đại Học Công nghiệp Hà nội, chi bộ Khoa Học Cơ Bản đã tổ chức hoạt động “ Về nguồn với quê hương cách mạng Cao Bằng” nhằm bồi đắp tình cảm “ Uống nước – nhớ nguồn” với Bác Hồ kính yêu và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng- nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng quân góp phần giáo dục lý tưởng, chính trị đạo đức cho Đảng viên và Quần chúng mang tính hiệu quả cao.
Ngày 9 -10 tháng 12 năm 2017, Chi bộ Khoa Học Cơ Bản đã tổ chức chuyến về nguồn tại thành phố Cao Bằng vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Chuyến đi đã thu hút hơn 30 đảng viên và quần chúng của chi bộ Khoa Học Cơ Bản tham gia.
Điểm dừng chân đầu tiên, đoàn đã tới dâng hương và báo công tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi đền thể hiện tình cảm và nguyện vọng của nhân dân cả nước và đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Đền thờ nằm trong quần thể khu di tích Pác Bó và được xây dựng tại vị trí trung tâm của vùng đất thiêng Pác Bó, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sinh khí ngàn năm hội tụ; kiến trúc của ngôi đền là sự kết hợp hài hòa giữa đặc trưng kiến trúc truyền thống Cao Bằng với nét kiến trúc hiện đại, tạo cảm giác uy nghi nhưng vẫn gần gũi giản dị.. Nói đến Pác Bó là nói đến một địa danh lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt của Việt Nam gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Đây là nơi ghi dấu quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân về nước sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu quốc.
Ngày 28-1-1941 tức là sau 20 ngày Bác sống ở nhà một người dân tộc, Bác vào ở và làm việc trong hang Cốc Bó (trong tiếng Nùng có nghĩa là “Về nguồn”). Tại hang Cốc Bó, đoàn đã tận mắt chứng kiến những hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vách đá tự tay Bác khắc lên ghi lại thời gian lịch sử này. Ở giữa hang Cốc Bó có một nhũ đá cao, đã được Bác chọn và tạc lên đây bức tượng Các Mác- người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới và cũng tên một ngọn núi ở Pác Bó do chính Bác đặt. Dòng suối chảy từ chân núi ôm vòng quanh núi Các Mác mà đồng bào dân tộc nơi đây gọi là suối Giàng (Suối Trời) đã được Bác gọi tên là Suối Lê Nin. Bên dòng suối Lê Nin, dưới bóng cây si um tùm, Bác đặt một bộ bàn ghế bằng những viên đá ghép lại để ngồi làm việc trong những hôm đẹp trời để viết tài liệu quan trọng huấn luyện cán bộ và cũng chính tại bàn làm việc đó Bác đã dịch cuốn “Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô”...Đến với khu di tích, đoàn như được sống lại những năm tháng khó khăn mà hào hùng của cách mạng Việt Nam những năm đầu phôi thai và càng thấm nhuần hơn về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Rời Pác Bó với nhiều cảm xúc, đoàn đến với thác Bản Giốc- được đánh giá là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. Với một vẻ đẹp hùng vĩ cùng với không khí mát lành với thảm cỏ, rừng cây xanh ngát của thiên nhiên ban tặng cho Bản Giốc và Cao Bằng, nơi đây cũng là điểm dừng chân cuối cùng của đoàn.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội