Sáng ngày 12/10/2012, tại Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực giữa các trường và viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương”. Mục tiêu của hội nghị, nhằm thúc đẩy phối hợp hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống các trường và viện nghiên cứu thuộc Bộ. TS. Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Ban Cán sự, Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị.
Ký kết hợp tác giữa các viện, trường thuộc Bộ Công Thương.
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định: “Phát triển khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khoa học và công nghệ luôn đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ sở đào tạo. Nhận thức tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN), trong những năm qua, các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương đã quan tâm phát triển đội ngũ làm công tác NCKH, không ngừng đẩy mạnh hoạt động NCKH, chủ động tìm hiểu nhu cầu thực tiễn trong hoạt động giảng dạy của nhà trường, tiếp cận với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và ngoài xã hội để triển khai các đề tài NCKH mang lại hiệu quả trong thực tiễn.
Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, với vai trò là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động KHCN và phát triển nguồn nhân lực trong ngành Công Thương. Ngày 22 tháng 6 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3561/QĐ-BCT về việc phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015. Thúc đẩy sự phối kết hợp giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nội dung quan trọng, nhằm triển khai các nhiệm vụ trong Quyết định nêu trên.
Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN Phạm Thu Giang phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Năm học 2011- 2012, hầu hết các trường của Bộ Công Thương đều thành lập Hội đồng khoa học có nhiệm vụ quản lý, triển khai hoạt động KHCN của nhà trường. Một số trường đã thành lập phòng KHCN, viện nghiên cứu trong trường để tập trung chuyên sâu vào công tác khoa học công nghệ. Một số trường bước đầu thành lập trung tâm nghiên cứu sản xuất thực nghiệm để kết hợp công tác NCKH và ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất. Các Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Sao Đỏ,… là những đơn vị đi đầu trong hoạt động KHCN của khối trường thuộc Bộ.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các trường thuộc Bộ, đặc biệt là các trường đại học. Đây cũng là hoạt động đã được cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 22/2011/TT-BDGĐT ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc Ban hành Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Tại hội nghị này đã có 7 bài tham luận của các đại biểu, bao gồm các đề tài nghiên cứu KHCN, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các cơ chế khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ, mô hình đại học sáng tạo… trong các trường đại học thuộc ngành Công Thương. Mục tiêu của các tham luận trên nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về công tác triển khai hoạt động NCKH, đồng thời tìm hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới giữa các trường, viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương.
Nguồn : Tạp chí Công nghiệp
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội