Sáng ngày 22/6/2018, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm “Đào tạo nhân lực chất lượng cao bắt kịp xu thế CMCN 4.0”. PGS.TS.Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) tham dự và chia sẻ về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0
Tham dự tọa đàm, có ông Nguyễn Văn Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Công Thương ; PGS.TS. Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; TS. Trương Nam Hưng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS.Trần Đức Quý – Hiệu trưởng ĐHCNHN đã dành thời gian trả lời các câu hỏi cũng như chia sẻ về đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác với doanh nghiệp và tuyển sinh năm học 2018 – 2019.
Trích nội dung buổi tọa đàm:
Dẫn chương trình (DCT): Thưa PGS.TS.Trần Đức Quý, Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường thuộc top đầu của ngành Công Thương trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Vậy trong thời gian qua, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã có những đột phá nào về đào tạo nguồn nhân lực để bắt kịp xu thế CMCN 4.0 ?
PGS.TS.Trần Đức Quý: Chúng tôi cho rằng, để bắt kịp xu thế CMCN 4.0, trước hết, cán bộ quản lý, giảng viên trường đại học phải hiểu được CMCN 4.0 đang ảnh hưởng như thế nào đến đời sống xã hội và giáo dục đại học. CMCN 4.0 tác động lớn đến thị trường lao động: Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế thì người lao động, đặc biệt là lao động kỹ năng thấp và trung bình, sẽ bị dư thừa nếu không thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất. Điều này tạo nên sự phân hóa thị trường lao động theo hai nhóm: Nhóm kỹ năng thấp, được trả lương thấp và nhóm kỹ năng cao, được trả lương cao. Giáo dục đại học phải đáp ứng sự gia tăng nhu cầu lao động có hàm lượng chất xám cao để tạo ra giá trị thặng dư lớn. Chính vì thế, ĐHCNHN đã triển khai một số giải pháp:
Một là thường xuyên rà soát và cập nhật, phát triển đào tạo theo yêu cầu mới, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, chú ý 3 bước quan trọng: (1) khảo sát, gắn kết với doanh nghiệp để hiểu doanh nghiệp, xã hội cần gì; (2) đánh giá và cải tiến thường xuyên chương trình đào taọ để xem đã đáp ứng đúng yêu cầu mới của doanh nghiệp hay chưa; (3) nghiên cứu mô hình đào tạo mới, chương trình đào tạo mới, cấu trúc chương trình đã phù hợp hay chưa.
Hai là, nhà trường áp dụng tiếp cận công cụ CDIO (hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai – Vận hành) giúp hình thành một khung chuẩn trong phát triển chương trình đào tạo, nhằm: (1) đảm bảo đào tạo đáp ứng Chuẩn đầu ra; (2) Chuẩn đầu ra phản ánh những năng lực của người học mà thị trường đang cần & sẽ cần; và (3) Trang bị Kiến thức, kỹ năng phổ rộng cơ bản + Tư duy sáng tạo, khả năng tự học để người tốt nghiệp có thể thích nghi với các yêu cầu công việc mang tính liên ngành và thường xuyên thay đổi trong thực tế.
Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy trước đây, bởi phương pháp truyền thống không còn phù hợp với xu thế mới.
Bốn là, tập trung nâng cao năng lực, đội ngũ giảng viên, đào tạo chuyên sâu kỹ năng, nâng cao trình độ.
Năm là, đẩy mạnh quốc tế hóa để hòa nhập với cuộc CMCN 4.0, tăng cường hợp tác, trao đổi quốc tế về giáo dục, đào tạo.
Sáu là, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng để giảng viên, cán bộ quản lý cập nhật công nghệ mới trong giáo dục, đào tạo, giúp sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng bắt kịp xu thế thời cuộc.
Bảy là, chú trọng hoạt động đảm bảo chất lượng, đổi mới công tác quản trị nhà trường, đặc biệt là công tác quản lý, hướng tới quản trị đại học 4.0
Tọa đàm Đào tạo nhân lực chất lượng cao bắt kịp xu thế CMCN 4.0
DCT: Thưa PGS.TS.Trần Đức Quý, mùa tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có những điểm mới gì về chỉ tiêu và ngành nghề đào tạo so với năm trước ?
PGS.TS.Trần Đức Quý: Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện đề án tự chủ từ năm 2017. Và trong mùa tuyển sinh 2018 – 2019 này, có 3 vấn đề chúng tôi quan tâm, chỉ đạo thực hiện:
Một là quy mô tuyển sinh giữ ổn định so với những năm trước, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018-2019 khoảng 10.000 học viên, sinh viên. Trong đó tiến sĩ, thạc sĩ khoảng 200 – 300 học viên, đại học chính quy khoảng 7000 chỉ tiêu, còn lại là các trình độ khác.
Hai là, mùa tuyển sinh năm nay, nhà trường đã sắp xếp lại các ngành nghề cho phù hợp với xu thế, nhu cầu của thị trường lao động, trên cơ sở ưu tiên các ngành kỹ thuật và công nghệ; ngành mà quốc tế có nhu cầu cao. Về đại học chính quy, ĐHCNHN mở thêm 3 ngành mới: Ngôn ngữ tiếng Trung, Công nghệ thực phẩm và Quản trị nhân lực. Đây đều là những ngành mà nhu cầu hội nhập cần rất lớn.
Về thạc sĩ, ĐHCNHN đang đào tạo 9 ngành, mở thêm ngành mới là Hệ thống CNTT; tiến sĩ đang đào tạo 3 ngành, năm nay mở thêm ngành mới là Công nghệ ô tô.
Ba là, tăng cường Hội nhập quốc tế để bắt kịp xu hướng CMCN 4.0 bằng một số giải pháp: (1) tăng cường giảng dạy bằng Tiếng Anh. Ở ĐHCNHN, tất cả các khoa, tối thiểu 10% học phần được giảng dạy bằng Tiếng Anh. Nhà trường cũng thực hiện đề án giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên theo yêu cầu. Hiện nay, chúng tôi giảng dạy 3 ngôn ngữ cho người học: Anh, Trung, Nhật; (2)tăng cường liên kết với các trường đại học trong khu vực, hiện tại chúng tôi đang liên kết với 2 trường là Đại học Hồ Nam và Đại học Quảng Tây-Trung Quốc, sinh viên học 2 năm ở Việt Nam và 2 năm ở Trung Quốc; tốt nghiệp sinh viên được cấp song song 2 bằng của ĐHCNHN và của 1 trường đại học Trung Quốc. Bên cạnh đó, ĐHCNHN đang hợp tác với một số trường của Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc.(3)Tiếp tục xây dựng một số chương trình chất lượng cao, giảng dạy 100% bằng Tiếng Anh.
Nhà trường đang tập trung cho mùa tuyển sinh năm nay, với số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào ĐHCNHN đang đứng đầu cả nước, chúng tôi hi vọng sẽ chọn được sinh viên đầu vào chất lượng tốt, để nâng cao hơn chất lượng đầu ra.
DCT: Trong thời gian qua, Đại học Công nghiệp Hà nội luôn đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thưa PGS.TS. Trần Đức Quý, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả đạt được trong vấn đề này và chia sẻ một số kinh nghiệm cho các trường khác trong việc liên kết với doanh nghiệp?
PGS.TS.Trần Đức Quý: Theo tôi, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là nhu cầu tự thân, các bên phải tự chủ động, tự tìm đến với nhau vì quyền lợi của cả đôi bên.
Hiện tại, Đại học Công nghiệp Hà Nội hợp tác với trên 2000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà trường thành lập Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp và 1 Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Trường với mục đích khép kín quá trình đào tạo của nhà trường, do đó, hoạt động hợp tác doanh nghiệp đã được triển khai từ nhiều năm, mang lại hiệu quả lớn.
Doanh nghiệp là nơi hỗ trợ nhiều thiết bị, máy móc, công nghệ mới để đào tạo sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra, góp phần nâng cao chất lượng sinh viên trong thời kỳ mới. Doanh nghiệp cũng thường xuyên quan tâm sinh viên bằng việc trao học bổng, tài trợ thiết bị học tập,… đặc biệt có nhiều hỗ trợ cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn, có học lực tốt.
Nhà trường đã có một số dự án lớn được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như: Tập đoàn Hồng Hải Foxconn đầu tư toàn bộ thiết bị ngành Cơ khí chính xác với giá trị 4,5 triệu USD. Bên cạnh đó, nhiều phòng học thiết bị trên 1 triệu USD được các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ cho ĐHCNHN, góp phần giúp cho nhà trường thực hiện thành công chiến lược đào tạo theo định hướng công nghệ ứng dụng.
ĐHCNHN cũng thường xuyên có những khảo sát về thị trường lao động, mời chuyên gia, nhà quản lý của doanh nghiệp tham gia trực tiếp đào tạo, tham gia xây dựng chương trình, để từ đó nhà trường nghiên cứu, bổ sung thay đổi cho phù hợp với chuẩn đầu ra. Thường xuyên kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức hội thảo tư vấn tuyển dụng, hội chợ việc làm, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội việc làm tốt, doanh nghiệp có khả năng tuyển dụng được lao động giỏi, phù hợp với lĩnh vực sản xuất của mình.
Trong nhiều năm qua, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, giúp cho sinh viên không những được đào tạo trong môi trường quốc tế, hội nhập, mà còn có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, để phục vụ cho công việc và đất nước sau này. Nhà trường cũng luôn tham gia cùng với doanh nghiệp trong việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ cho doanh nghiệp, luôn cập nhật cho người lao động kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ 4.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội