Trong thời kỳ hội nhập và với xu thế toàn cầu hóa hiện nay thì ngoại ngữ - phổ biến là tiếng Anh - có một vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, Đảng và Nhà nước đã có mối quan tâm đặc biệt đến vấn đề dạy và học ngoại ngữ.
Ngày 30/9/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1400/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” (gọi tắt là đề án ngoại ngữ 2020). Mục tiêu chung của đề án là “Thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, nhằm đảm bảo đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên…..”. Đặc biệt, mục tiêu cụ thể nêu rõ: “Đối với các ngành học không chuyên ngữ, sau khi tốt nghiệp sinh viên phải đạt trình độ tối thiểu bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ…..” (khung Châu Âu chung). Ngày 8/4/2011 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số 1400/QĐ-BGDĐT thành lập Ban Quản lý Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Qua đó thấy rằng Nhà nước đã có mối quan tâm đặc biệt đến chiến lược đào tạo ngoại ngữ cho thế hệ tương lai của quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, để nâng cao năng lực Tiếng Anh cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động và xã hội, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên giai đoạn 2015-2018.
Sau 3 năm thực hiện đề án, ngày 17/8/2018, Hội nghị tổng kết được tổ chức có sự tham gia của Ban Giám hiệu, trưởng các phòng chức năng, các khoa, trung tâm đào tạo và cán bộ, giảng viên khoa Ngoại ngữ của Trường. PGS.TS Trần Đức Quý- Hiệu trưởng nhà trường, chủ trì hội nghị.
PGS.TS. Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội nghị tổng kết
Báo cáo tổng kết: Đề án bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng
TS. Hoàng Ngọc Tuệ - trưởng khoa Ngoại ngữ trình bày kết quả thực hiện đề án trên các lĩnh vực:
- Nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên về năng lực chuyên môn, về phương pháp giảng dạy và trình độ tin học; giảng viên được tiếp cận nhiều phương pháp giảng dạy mới và hiện đại trên thế giới.
- Đổi mới toàn diện công tác quản lý đào tạo và quản lý sinh viên học ngoại ngữ
- Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO; ứng dụng phương pháp học kết hợp (Blended learning), theo định hướng nghề nghiệp; đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng sinh viên.
- Tăng cường hoạt động khảo thí.
- Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học; phát triển hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế trong đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo.
TS. Hoàng Ngọc Tuệ - Trưởng khoa Ngoại ngữ trình bày báo cáo tổng kết đề án
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ của Trường ĐHCNHN đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, giảng viên và sinh viên, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; chất lượng đào tạo, năng lực Tiếng Anh của sinh viên được nâng cao; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã ghi nhận và đánh giá cao chất lượng đào tạo cũng như năng lực Tiếng Anh của sinh viên ĐHCNHN.
Hội nghị tổng kết đã lắng nghe nhiều ý kiến từ đại diện các đơn vị phòng, khoa và trung tâm đào tạo. Các ý kiến đều đánh giá cao mục tiêu và kết quả của đề án và cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, tồn tại cần giải quyết để nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của sinh viên.
Toàn cảnh Hội nghị
PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng nhà trường tổng kết và đưa ra 3 giải pháp cốt lõi. Hiệu trưởng đã khẳng định:
Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành thách thức đối với các sơ sở giáo dục đại học. Người lao động cần phải có chuyên môn cao, trong đó yêu cầu ngoại ngữ để hội nhập quốc tế là một yêu cầu quan trọng đối với đội ngũ kỹ sư cử nhân tốt nghiệp đại học. Nhiệm vụ rất nặng nề, cần phải có nhiều giải pháp đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ.
PGS.TS. Trần Đức Quý tổng kết và đưa ra các giải pháp cần tập trung để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên nhà trường
Hiệu trưởng yêu cầu, cần tập trung vào các giải pháp sau:
(1) Tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên giảng dạy ngoại ngữ; giảng viên phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
(2) Đánh giá đúng đối tượng sinh viên để xây dựng chương trình, phương pháp đào tạo, yêu cầu chuẩn đầu ra và có thước đo, đánh giá phù hợp. Đặc biệt, phải nghiên cứu xây dựng đề án riêng về giảng dạy Tiếng Anh cho sinh viên thuộc khối giáo dục nghề nghiệp.
(3) Tạo cho sinh viên môi trường học tập, tạo niềm tin và truyền cảm hứng học Tiếng Anh cho sinh viên.
Trên tiến trình hội nhập quốc tế, tiếng Anh được xem là chìa khóa hữu hiệu để tiếp cận kho tàng tri thức và bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Đề án đổi mới đào tạo ngoại ngữ của ĐHCNHN đang đi đúng hướng, sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai trong thời gian tới, giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng, tự tin bước vào “sân chơi” hội nhập.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội