Khảo sát, đánh giá hệ thống quản trị đại học điện tử Đại học Công nghiệp Hà Nội
Ngày 25/12, Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) năm 2018 đã khảo sát, đánh giá sản phẩm: Thiết lập hệ thống đại học điện tử theo mô hình quản trị quy trình nghiệp vụ BPM và Công nghệ SMAC tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tham dự buổi khảo sát, đánh giá là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến từ Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, gồm: GS.TS. Phạm Thế Long, PGS.TS. Đỗ Xuân Tiến - Học viện Kỹ thuật Quân sự, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Thúc Hải - Viện CNTT, Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS. Đỗ Trung Tuấn - Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Sỹ Huề - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bà Vũ Chung Thoa - Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Về phía ĐHCNHN có sự tham dự của PGS.TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Nhà trường, Ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng (TT.ĐBCL); cùng các thành viên tham gia xây dựng sản phẩm.
Quang cảnh buổi làm việc của Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) năm 2018
Tại buổi khảo sát, đánh giá, PGS.TS. Trần Đức Quý phát biểu: nhận biết được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong quản trị đại học, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chủ động đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống đại học điện tử với sự tham gia tích cực của nhiều đơn vị trong trường. Theo lộ trình, hệ thống đại học điện tử sẽ được hoàn thiện vào năm 2020.
Ông Hoàng Anh - Giám đốc TT.ĐBCL thuyết trình về sản phẩm
Trình bày về sản phẩm, ông Hoàng Anh - Giám đốc TT.ĐBCL đã giới thiệu, phân tích chuyên sâu về sản phẩm Thiết lập hệ thống đại học điện tử theo mô hình quản trị quy trình nghiệp vụ BPM (Bussiness Process Management) và Công nghệ SMAC (Social - Mobile - Analytics - Cloud) tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Được xây dựng và phát triển từ năm 2010 trên cơ sở thực tiễn hoạt động của Nhà trường, đến nay sau 8 năm, hệ thống đại học điện tử ĐHCNHN đã đạt được những kết quả như sau:
+ Hệ thống gồm 15 phân hệ, 250 nhóm với hơn 3000 chức năng khác nhau.
+ 2 ứng dụng hỗ trợ và 2 hệ hỗ trợ ra quyết định DSS.
+ 5 ứng dụng chạy trên di động.
+ 1 cổng trao đổi thông tin nội bộ theo mô hình mạng xã hội.
+ 3 ứng dụng triển khai trên Cloud theo mô hình dịch vụ phần mềm SaaS.
Để bắt kịp xu thế cách mạng 4.0, hệ thống đại học điện tử áp dụng phương thức quản trị hiện đại gồm trên 500 quy trình với các giải pháp thông minh như thiết lập các hệ hỗ trợ ra quyết định nhằm giải quyết các bài toán khó trong đào tạo, xử lý yêu cầu của sinh viên; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn.
Ngoài việc được ứng dụng tại ĐHCNHN, hệ thống đại học điện tử còn được chuyển giao cho các đối tác bên ngoài như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Đại học Điện lực, Đại học Hải Phòng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, IIG Việt Nam, Cao đẳng Sư phạm Trung ương…
Với phần trình bày thuyết phục của đại diện ĐHCNHN, Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) năm 2018 đánh giá cao sản phẩm Hệ thống đại học điện tử của ĐHCNHN. Các chuyên gia đầu ngành đưa ra khuyến nghị cho Nhà trường cũng như nhóm xây dựng tiếp tục đầu tư và hoàn thiện các phân hệ, các Module để sản phẩm ngày càng có tính ứng dụng cao và được nhiều nơi tiếp nhận, sử dụng.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội