TS. Trương Thanh Hằng với nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Chiều ngày 23/4/2019, Hội đồng khoa học Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh - Minh chứng từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội” do TS. Trương Thanh Hằng - Khoa Kế toán Kiểm toán (KTKT) chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường do TS. Trương Thanh Hằng chủ nhiệm
Hiện nay ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) luôn là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tại địa bàn thành phố Hà Nội, theo thống kê thì tính đến tháng 5/2018, trên địa bàn TP. Hà Nội có tổng cộng 232.000 DN, trong đó, số DNVVN chiếm trên 97%, hàng năm, các DNVVN đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố; tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.
Nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm Stata 13 trong phân tích dữ liệu, kết quả nghiên cứu từ 188 doanh nghiệp trong ba năm 2015, 2016, 2017 với 564 quan sát cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đo lường thông qua chỉ tiêu ROA và chỉ tiêu ROS.
Từ kết quả nghiên cứu thực tế tại các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất với các nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội các giải pháp nhằm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
TS. Trương Thanh Hằng trình bày nội dung đề tài nghiên cứu trước Hội đồng
Giải pháp thứ nhất là huy động vốn, xác định cơ cấu vốn tối ưu và sử dụng vốn có hiệu quả
Đầu tiên, các DN cần gia tăng số vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để nắm bắt những thời cơ mới khi Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại có lợi cho nền kinh tế để đầu tư, để thay đổi và bứt phá.
Để có cơ cấu vốn tối ưu cho DN, các nhà quản trị DN cần triển khai các công việc như:
- Phân tích nhu cầu vốn trong ngắn hạn và dài hạn của DN mình, mục tiêu an toàn của DN và mức độ rủi ro trong kinh doanh mà DN có thể phải gặp phải..., từ đó nhà quản trị DN xác định cơ cấu vốn tối ưu cho DN theo thời gian.
- Nên thanh lý những TS không còn sử dụng, có các biện pháp chính sách để khuyến khích khách hàng thanh toán sớm tiền hàng như chế độ thưởng cho nhân viên khi thu hồi công nợ, chiết khấu thanh toán dành cho khách hàng...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả để tiết kiệm được chi phí huy động vốn. DN cần có kế hoạch phân bổ số vốn đã huy động, đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Giải pháp thứ hai là tăng cường quản trị chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Nhằm tăng cường quản trị chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh, Doanh nghiệp cần:
- Thực hiện khấu hao nhanh các TSCĐ phục vụ cho hoạt động sản xuất để có thời gian thu hồi vốn hợp lý bù đắp được các hao mòn vô hình của tài sản do sự phát triển của khoa học kỹ thuật tao ra, có vốn để tái đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.
- Chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, liên tục khảo sát, đánh giá quy trình sản xuất DN đang vận hành để khắc phục các nhược điểm, cải tiến quy trình hoạt động nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
- Tinh gọn bộ máy quản lý và quy trình sản xuất, cần giảm thiểu thời gian chờ việc của công nhân, cần hạn chế tối đa các xung đột, thời gian dừng, chờ trong giữa các công đoạn sản xuất.
- Dự báo được nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu thụ thành phẩm, hàng hóa để chủ động trong kế hoạch sản xuất giảm thiểu sự thiếu hụt cũng như dư thừa nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho.
- Liên tục cập nhật các quy định pháp luật liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động của DN để kịp thời cụ thể hoá thành những nội quy, quy chế hoạt động sản xuất, đảm bảo tuân thủ luật pháp và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh
Giải pháp thứ ba là tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả TSCĐ
DN nên xây dựng kế hoạch đầu tư TSCĐ trong dài hạn cả về số lượng, năng lực và tính đồng bộ của TSCĐ, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật, công nghệ, theo kịp nền sản xuất hiện đại.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có ý nghĩa lý luận, thực tiễn, nhất trí nghiệm thu và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện, phát triển để ứng dụng trong thực tiễn.
Bản quyền thuộc về Đại học Công nghiệp Hà Nội